TP. HCM: Hiện tượng đầu cơ BĐS quay trở lại là có thật!

(Kinhdoanhnet) - Đó là nhận định của ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư công ty Savills Việt Nam. Theo đó, ông Khương cho rằng, hiện tại, việc gửi tiền nhàn rỗi của nhân dân vào ngân hàng không lợi nhuận nhiều bằng đầu tư vào nhà ở. Vì thế, nhu cầu đầu tư vào nhà ở để đón đầu cơ hội vài năm tới là có thật.

TP. HCM: Hiện tượng đầu cơ BĐS quay trở lại là có thật! - Ảnh 1
TP. HCM: Hiện tượng đầu cơ BĐS quay trở lại là có thật!

Trao đổi với phóng viên mới đây, Giám đốc Đầu tư công ty Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương khẳng định, lượng giao dịch trên thị trường nhà ở từ quý III/2014 đến nay tăng mạnh. Nhưng xét trên bình diện chung, trong khối này, đầu cơ tương đối nhỏ mà chủ yếu là mua nhà cho thuê lại.

Nguyên nhân là do hiện tại, việc gửi tiền nhàn rỗi của nhân dân vào ngân hàng không lợi nhuận nhiều bằng đầu tư vào nhà ở. Vì thế, nhu cầu đầu tư vào nhà ở để đón đầu cơ hội vài năm tới là có thật.

Theo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, trong 4 tháng đầu năm nay, lượng giao dịch thành công trên thị trường địa ốc Tp.HCM tăng cao, so với năm 2014 thì gấp khoảng 3 lần. Cụ thể, tại Tp.HCM có khoảng 5400 giao dịch thành công, còn Hà Nội khoảng 5800 giao dịch thành công.

Thị trường địa ốc khởi sắc hơn, nhờ đó giá cả cũng đang có xu hướng tăng lên, nhất là phân khúc căn hộ. Những người mua nhà đất trong giai đoạn "đáy" của thị trường đã có giá trị gia tăng đáng kể, ước tính khoảng 15% so với năm 2014. Đó là mức lợi nhuận đủ hấp dẫn để nhà đầu tư BĐS tham gia thị trường. Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, việc một số nhà đầu cơ xuất hiện trở lại là điều khó tránh khỏi khi thị trường bắt đầu vào quỹ đạo phát triển.

Tuy nhiên, ông Châu cho biết, cho tới thời điểm hiện nay, hiệp hội có thể khẳng định rằng, trên thị trường chỉ có ít đầu cơ, hiện chưa có một báo cáo phân tích nào cho thấy đầu cơ đang làm lũng đoạn thị trường. Thay vào đó, một tín hiệu rõ nhất là các nhà đầu tư quay trở lại thị trường.

Đáng chú ý, nhà đầu tư thứ cấp hiện tại khác nhiều so với giai đoạn trước đây. Trong thời điểm 2006-2007, rất nhiều nhà đầu tư thứ cấp thiếu kỹ năng, thông tin, chủ yếu đầu tư theo kiểu lướt sóng, đám đông và bị thất bại. Còn hiện tại, nhà đầu tư thứ cấp là các nhà đầu tư am hiểu thị trường, có trình độ, năng lực tài chính và có tầm nhìn dài hạn, hoàn toàn khác so với trước đây về chất.

Các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp chính là những người kết nối phát triển đại ốc với người tiêu dùng. Họ là một thành phần trên thị trường và rất cần thiết trong dây chuyền sản xuất, kinh doanh nhà đất. Cũng theo ông Châu, chúng ta cần có những quy định kiểm soát chặt số lượng nhà ở được mua đối với một người và thời hạn được phép chuyển nhượng hay bán chứ không phải kinh doanh theo kiểu “rau tươi trao tay ngay khi ra khỏi chợ”.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường bất động sản khó xảy ra tình trạng đẩy giá lên cao thành "bong bóng” như giai đoạn 2008 - 2010. Lý do, quy mô thị trường hiện nay khá lớn với hàng loạt dự án được chào bán.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khẳng định, năm 2015 thị trường có sự chuyển mình rõ rệt thông qua hàng loạt giao dịch thực tế. Tuy nhiên, BĐS khó có thể đẩy giá lên cao. Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, cuối năm 2014 và đầu năm 2015 thị trường BĐS rục rịch rã đông, khách hàng bắt đầu chú ý đến nhà đất hơn thì khó có chuyện tăng giá đột biến. Bởi, nếu tăng giá cao khi mới phục hồi thì không tránh khỏi nguy cơ người tiêu dùng lại quay lưng với BĐS. Đồng quan điểm trên, một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thị trường chưa đủ điều kiện và cũng không đúng thời điểm để bất động sản "làm mình, làm mẩy”. Giá thị trường BĐS có thể biến động nhẹ so với thời kỳ "ngủ đông” nhưng vẫn sát với giá thị trường.

Sau khi nghiên cứu tình hình giá cả của thị trường BĐS, Công ty nghiên cứu thị trường BĐS CBRE Việt Nam cho biết, mức giá chào bán của các dự án ra thị trường trong quý 1/2015 đã tăng cao hơn từ 3 - 5% so với những tháng cuối năm 2014. Nhưng, xu hướng này chỉ tập trung ở các dự án có ưu thế hơn hẳn về vị trí cũng như các yếu tố liên quan khác. Nghĩa là, dự án nằm gần trung tâm hay không, hướng đẹp hay xấu, vị trí tầng… 

Bên cạnh đó, giá BĐS tăng hay không còn được doanh nghiệp tính theo từng thời điểm, tiến độ, chất lượng nội thất của từng giai đoạn. Thực tế cho thấy, DN nào cũng muốn cho sản phẩm của mình rẻ hơn để đẩy sản phẩm đi nhanh. Trường hợp đẩy giá lên cao rồi không bán được sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền xoay vòng trong kinh doanh.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Trí thức trẻ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục