Thủ tướng yêu xử lý việc TP HCM lãng phí “đất vàng” ven sông

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của báo chí về tình trạng TP HCM lãng phí quỹ “đất vàng” ven sông.

Cụ thể, văn bản Thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, TP.HCM hơn nhiều đô thị lớn trên thế giới nhờ hệ thống sông ngòi nội đô, làm cảnh quan đẹp hơn, thu hút khách du lịch...

Tuy nhiên, nhiều năm qua, thành phố chỉ đưa ra tiêu chí bảo vệ mà chưa có hướng khai thác phát triển lợi thế kinh tế quỹ đất vàng ven sông, chưa có thiết kế đô thị cụ thể, nên một số nơi bị lấn chiếm vô tội vạ.

Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chuyển thông tin trên đến Chủ tịch UBND TP HCM để nghiên cứu, xử lý.

Thủ tướng yêu xử lý việc TP HCM lãng phí “đất vàng” ven sông - Ảnh 1
Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Được biết, hiện UBND Tp.HCM đã chỉ đạo các sở ngành rà soát hiện trạng sử dụng đất hai bên bờ sông, xác định quyền sở hữu để lên phương án khai thác hợp lý theo kế hoạch khai thác quỹ đất ven sông để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

UBND TP HCM xác định, quy hoạch dọc hai bờ sông Sài Gòn phải hướng đến hài hòa giữa khai thác và bảo tồn. Để khai thác và bảo tồn thật hiệu quả, vừa qua, UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc đánh giá tổng thể 50 đồ án quy hoạch phân khu đã được duyệt dọc hai bên bờ sông Sài Gòn từ huyện Củ Chi đến quận 7.

Nội dung đánh giá là mối quan hệ, tính kết nối về giao thông, tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan và sử dụng đất hai bên bờ sông với đặc thù về cảnh quan, môi trường tự nhiên; làm rõ điểm nổi bật về vị trí, cảnh quan và sử dụng đất của từng khu vực; xây dựng đề cương, kế hoạch nghiên cứu để lập điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị hoặc quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan dọc sông Sài Gòn nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo thống nhất về tổ chức và quản lý không gian cảnh quan trên toàn bộ tuyến sông...

Đồng thời thu hút các nguồn lực đầu tư tham gia thực hiện quy hoạch, sử dụng quỹ đất ven sông xây dựng các khu đô thị, tạo lập không gian cảnh quan bờ sông đảm bảo mỹ quan, hiệu quả và bền vững.

Thủ tướng yêu xử lý việc TP HCM lãng phí “đất vàng” ven sông - Ảnh 2
TP HCM là nơi có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc.

Theo thống kê, TP HCM là nơi có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc, trong đó có 3 con sông lớn chảy qua là sông Ðồng Nai, sông Sài Gòn chảy dọc trên địa phận Tp.HCM có chiều dài 80 km và sông Nhà Bè. Tuy nhiên, phần lớn quỹ đất ven sông của TP HCM đang bị bỏ hoang, gây lãng phí hoặc bị lấn chiếm trái phép.

Hiện một số đoạn của bờ sông Sài Gòn thuộc địa phận quận 2 nhiều nhà hàng, công trình xây dựng ra tận lòng sông. Ngoài ra còn rất nhiều dự án bất động sản khác nằm dọc trên sông Sài Gòn và các con sông khác vô tư "cắt khúc" lấn chiếm đất ven sông để kinh doanh bất động sản.

Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do một số dự án được phê duyệt quy hoạch theo nhiều thời điểm khác nhau, có dự án trước năm 2004, nên chiều rộng hành lang bờ sông không phù hợp với quy định hiện hành.

Tuy nhiên, sở này cũng thừa nhận, tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào các mục đích cá nhân (các công trình phụ trợ, nhà ở), xây dựng bến neo đậu cano, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê... còn phổ biến, nhất là tại các khu vực có mật độ đô thị hóa cao, nhưng hiện chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hệ thống sông ngòi dày đặc, len lỏi trong nội đô là điểm nhấn đặc sắc, độc đáo nhất của Thành phố, đó cũng là tài sản, nguồn tài nguyên quý giá và là nguồn lực giúp phát triển kinh tế - xã hội, thu hút khách du lịch.

Nhưng nhiều năm qua, TP.HCM chỉ đưa ra tiêu chí bảo vệ mà chưa có hướng khai thác phát triển, lợi thế quỹ đất ven sông. Để không lãng phí nguồn đất này, ông Châu cho rằng thành phố nên giao quỹ đất cho doanh nghiệp khai thác. Nếu phần đất thuộc hành lang bảo vệ sông, rạch cần có quy định buộc chủ đầu tư phải có trách nhiệm xây dựng bờ kè bảo vệ, xây dựng đường ven sông, công viên, cây xanh, công trình dịch vụ phục vụ cộng đồng dân cư và du khách.

Đối với các dự án trước đây chưa giao quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông, rạch thì cần có chính sách khuyến khích chủ đầu tư dự án đó hoặc mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư khai thác để sử dụng hiệu quả quỹ đất.

Hải Lan

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục