Thực hư quy định bán nhà cho người nước ngoài?

(Kinhdoanhnet) - Quy định cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam trong luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã từng được kỳ vọng sẽ mang lại một sự phát triển mạnh mẽ cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mặc dù chính sách mới này chuẩn bị có hiệu lực nhưng vẫn chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể khiến nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng thực thi.

Thực hư quy định bán nhà cho người nước ngoài? - Ảnh 1
Thực hư quy định bán nhà cho người nước ngoài?

Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi mới cho phép nới lỏng các điều kiện cho phép người nước ngoài có thể mua nhà tại Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia đánh giá, quy định này sẽ có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, hiện vẫn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể. 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua nhà ở chính là hoạt động xuất khẩu tại chỗ, làm gia tăng tổng tài sản quốc gia, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề và tạo việc làm cho người lao động, tăng tổng cầu cho thị trường bất động sản và không ảnh hưởng tiêu cực đến phân khúc thị trường nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong nước.

Giải thích thêm về chuyện có hay không thị trường sẽ có nhiều biến động khi “thả cửa” cho người nước ngoài mua nhà, đặc biệt là chuyện dự án sẽ bị thâu tóm nhiều, ông Lê Hoàng Châu cho biết: “Luật Nhà ở đã có những quy định chặt chẽ về vấn đề này, nhất là ở việc người nước ngoài được mua bao nhiêu nhà, bao nhiêu đất, diện tích bao nhiêu và tại những vùng hay khu vực nào. Đó là điều chúng ta không lo, mà phải thấy rằng đây là một động lực mạnh mẽ để thị trường phát triển đa dạng”.

Tuy nhiên, ở một giác độ khác, ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, thì cho rằng chúng ta khoan hãy nói về việc hai bộ luật liên quan đến BĐS sắp có hiệu lực sẽ tạo đà mạnh cho thị trường phát triển. Khi nói đến luật thì chúng ta cần nhiều thời gian để chờ các quy định, văn bản dưới luật ra đời. Các cơ quan quản lý cũng cần có thời gian để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành, tín hiệu từ thị trường để có được những chính sách phù hợp.

Chẳng hạn như, Luật Nhà ở là Việt Nam đã cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà dài hạn. Điều này có thể sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng thị phần. Tuy nhiên, Việt kiều hay người nước ngoài hiện vẫn còn tâm lý chờ đợi là chính vì chưa rõ các quy định hướng dẫn thi hành các Luật trên như thế nào.

Chung quan điểm trên, ông Phùng Chu Cường, Tổng Giám đốc Công ty Địa Ốc Phú Long, nhận định chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng những chính sách này cần sớm chi tiết, cụ thể hơn khi đi vào thực tiễn cuộc sống, hoạt động của doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Ví như, Luật hiện thời cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở dài hạn tại Việt Nam, nhưng việc họ có được quyền thế chấp tài sản này cho các ngân hàng nước ngoài được không vẫn còn đang đặt nhiều câu hỏi.

“Bên cạnh đó, các ngân hàng trong nước có đủ cơ sở pháp lý để cho người nước ngoài vay tiền mua nhà hay không? Rồi liệu đối tượng này có được tham gia vay vốn từ các gói tín dụng hỗ trợ thị trường hiện tại không? Vẫn còn nhiều vấn đề xem xét lại”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, hệ thống luật chúng ta đã có rồi nhưng vẫn chưa áp dụng được vì vẫn phải đợi chờ các văn bản hướng dẫn dưới luật. Không dừng lại đấy, khi các văn bản mới này có hiệu lực thi hành sẽ có những phát sinh mà chúng ta không lường trước được. Thị trường BĐS còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác như nền kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư để tạo sức hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, dưới góc độ thị trường, theo thống kê của những đại sứ quán nước ngoài tại Tp.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 8.000 người Nhật, 80.000 người Hàn Quốc, trên 6.000 người Philippines và 120.000 người Đức đang làm việc và sinh sống. Tính chung, toàn quốc có khoảng 500.000 nghìn người ngoại quốc, trong đó có khoảng 30.000 CEO cao cấp đang sinh sống và làm việc. Nhưng bao nhiêu người trong số này thực sự có nhu cầu sở hữu nhà ở thì vẫn là một ẩn số.

Số liệu của Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, tới cuối năm 2014, nghĩa là 6 năm sau thí điểm, mới có hơn 780 trường hợp gồm cả người nước ngoài và Việt kiều sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Trong số đó, chưa tới 200 trường hợp là người nước ngoài.

Có thể nói, dù luật đã mở nhưng trong ngắn hạn, khó có thể hy vọng người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là “chiếc đũa thần”, giúp giảm một lượng lớn hàng tồn kho nhà ở trên thị trường hiện tại. Bởi vì, ngoài yếu tố tâm lý (chờ đợi xem những quy định dưới luật được thực thi thế nào) thì vẫn còn không ít vấn đề khiến các nhà đầu tư ngoại quốc băn khoăn. Đó là họ có được quyền thế chấp loại tài sản này cho những ngân hàng ngoại quốc hay không, các ngân hàng nội địa có sẵn sàng cho người nước ngoài và Việt kiều vay tiền mua nhà ở theo những chính sách tín dụng hiện hành của nước sở tại không? Đặc biệt, vấn đề khiến các nhà đầu tư ngoại quốc e ngại hơn cả là về thủ tục hành chính.

Các chuyên gia nhận định, thị trường địa ốc Việt Nam vẫn là một kênh đầu tư giàu tiềm năng và hấp dẫn. Tuy nhiên, dù Luật đã thông nhưng việc thực thi vẫn khó thoáng. Hiện nay, người nước ngoài đang gặp phải quá nhiều rào cản về thủ tục hành chính, chính sách khi muốn mua hay sở hữu nhà đất ở Việt Nam. Người nước ngoài chỉ cần vượt qua được thủ tục chứng thực các loại giấy tờ cũng đã thấy ngao ngán.

Mai Hoa
- (Tổng hợp theo Trí thức trẻ, Diễn đàn doanh nghiệp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục