TP HCM: Nguồn cung nhà ở và tiền thu ngân sách từ đất sụt giảm mạnh

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) có văn bản gửi đến Thường trực Thành ủy TP.HCM cùng các ban ngành liên quan về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản và đề xuất một số phương án để tháo gỡ những khó khăn này.

Nguồn cung nhà ở và tiền thu ngân sách từ đất giảm mạnh

Theo đó, HoREA cho biết, thị trường bất động sản thành phố sụt giảm nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, căn hộ nhà ở xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố công nhận chủ đầu tư với quy mô diện tích chỉ có 2ha233 và 924 căn hộ, giảm 16 dự án (giảm 84,2%) so với cùng kỳ năm 2018.

Theo HoREA, Sở Xây dựng cũng đã đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án (giảm 82,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong 06 tháng, chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án (giảm 29,4%), giảm 2.336 căn (giảm 24,2%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm đến 43,8%, căn hộ bình dân giảm 34,7% (1.249 căn so với 1.914 căn cùng kỳ năm 2018).

TP HCM: Nguồn cung nhà ở và tiền thu ngân sách từ đất sụt giảm mạnh - Ảnh 1
Nguồn cung nhà ở tại TP HCM sụt giảm.

HoREA nhận định, sự sụt giảm của thị trường bất động sản tác động đến nguồn thu ngân sách thành phố: Năm 2018, thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu ngân sách. So với năm 2017, giảm khoảng 4.570 tỷ đồng (giảm 16,8%); Số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỷ đồng (giảm 22,5%).

Kết quả thu ngân sách thành phố 6 tháng đầu năm 2019 chưa đạt 50% kế hoạch. Số thu tiền sử dụng đất trong 5 tháng đầu năm 2019 giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2018.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản, dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế một phần nguồn vốn tín dụng.

Theo HoREA, sự sụt giảm này là hệ lụy của thủ tục hành chính chậm trễ cũng như những bất cập của các quy định hiện hành.
Tại Hội nghị tiếp xúc với lãnh đạo TP.HCM, đại diện 1 doanh nghiệp cho rằng, vướng mắc nhiều nhất đối với doanh nghiệp là có những chính sách chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi và thiếu tính thực tiễn. Điều này dẫn đến nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán kéo dài 2-3 năm.

Một điểm nghẽn khác chính là việc tính tiền sử dụng đất nhiều dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM bị chậm trễ. Nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm vẫn chưa giải quyết xong, bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng, không trình được lên Hội đồng thẩm định giá đất và UBND thành phố.

HoREA đề xuất giải pháp tháo gỡ

Để tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc trên, HoREA cho rằng Sở Quy hoạch Kiến trúc cần xem xét đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do "nhà đầu tư" dự án đề xuất. Sau khi đã có Quyết định chủ trương đầu tư hiệp hội sẽ đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc nhận, thụ lý và giải quyết hồ sơ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 do "nhà đầu tư" dự án đề xuất.

Về công nhận chủ đầu tư dự án có quỹ đất ở, đất nông nghiệp xen cài đất rạch, bờ đất, đường thuộc diện Nhà nước quản lý, đang bị ách tắc do Luật Nhà ở quy định dự án nhà ở thương mại phải có 100% đất ở.

Vấn đề này, HoREA đã có văn bản đề xuất và không đầy một tuần, Văn phòng UBND thành phố đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo "Giao Sở TN&MT khẩn trương rà soát, tham mưu UBND thành phố xem xét, giải quyết trong 7 ngày làm việc".

Chủ tịch HoREA đề nghị, sau khi có kết quả rà soát, UBND thành phố nên báo cáo Bộ TN&MT để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giải quyết ách tắc này.

Về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất cho chủ đầu tư dự án có quỹ đất ở, đất nông nghiệp, xen cài đất rạch, bờ đất, đường thuộc diện Nhà nước quản lý.

Còn đối với việc khởi công xây dựng các công trình, sau khi chủ đầu tư dự án đã được cấp giấy phép xây dựng (hoặc miễn giấy phép xây dựng): Hiệp hội đề nghị cho phép chủ đầu tư dự án được khởi công xây dựng các công trình sau khi đã được cấp giấy phép xây dựng (hoặc miễn giấy phép xây dựng) và hội đủ điều kiện khởi công công trình theo Điều 107 Luật Xây dựng.

Chủ đầu tư chỉ được bán nhà hình thành trong tương lai khi đã hội đủ điều kiện theo quy định tại Điều 55, Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản. Chủ đầu tư có thể nhận đặt cọc giữ chỗ theo quy định của Bộ Luật Dân sự với tiền thành ý ở mức hợp lý theo thỏa thuận giữa các bên.

TP HCM: Nguồn cung nhà ở và tiền thu ngân sách từ đất sụt giảm mạnh - Ảnh 2
HoREA đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài chính sớm xây dựng các nguyên tắc về tiêu chí thẩm định giá đất đối với dự án kinh doanh bất động sản.

Về quy trình, thủ tục tính tiền sử dụng đất dự án, ông Châu đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài chính sớm xây dựng các nguyên tắc về tiêu chí thẩm định giá đất đối với dự án kinh doanh bất động sản, dự án nhà ở thương mại, đảm bảo kết quả tính tiền sử dụng đất hợp lý và không làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Về các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.

Hải Lan

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục