Bình Dương: Có hay không việc lợi dụng chính sách để trục lợi đất đai?

Tuy nhiên, hàng trăm nghìn m2 đất được Bình Dương thu hồi và giao cho doanh nghiệp làm dự án phân lô, bán nền nhưng “không qua đấu thầu” đã gây nghi vấn “gây thất thoát” cho ngân sách nhà nước?

Việc di dời các nhà máy, xí nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư là việc làm đúng đắn của tỉnh Bình Dương trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, doanh nghiệp được Bình Dương “chọn mặt gửi vàng” để giao đất hay chỉ là hình thức “sân sau, lợi ích nhóm” nhằm biến tướng phân lô bán nền, khiến ngân sách “thất thu khủng”?

Có lợi dụng chủ trương đúng đắn để trục lợi?

Có thể khẳng định rằng, trong 10 năm trở lại đây, tỉnh Bình Dương đã dành hàng trăm tỷ đồng để thực hiện việc di dời hàng trăm nhà máy, xí nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư là việc làm đúng đắn, hợp lòng dân. Thế nhưng, quy trình thực hiện liệu có đúng với chủ trương của Chính phủ hay lại bị làm méo mó? Số diện tích đất được thu hồi lên đến hàng trăm ha có được tổ chức “đấu thầu” công khai để thu về tối đa dòng tiền cho ngân sách?

Theo Báo cáo số 22/BC-KTNN của Kiểm toán Nhà nước ngày 4/1/2018: “Về việc hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý sử dụng đất đai” tại một số địa phương (giai đoạn 2013-2016), trong đó có tỉnh Bình Dương đã phát hiện: việc quản lý, sử dụng đất đai tại nhiều địa phương năm 2018, đã phát hiện hàng loạt tồn tại, vi phạm. Đặc biệt là không thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà ban hành văn bản công nhận chủ đầu tư theo hình thức chỉ định, vi phạm luật đấu thầu và các quy định hiện hành.

Các địa phương đã cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với một số dự án không đúng đối tượng, giao đất không có trong kế hoạch sử dụng đất, tính giá đất rẻ hơn rất nhiều lần so với quy định…

Kiểm toán phát hiện 6 trường hợp tại Bình Dương được tính giá thu tiền sử dụng đất cho từng dự án theo phương pháp so sánh “có số tiền sử dụng đất bị thấp hơn tới 867% so với khi xác định giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất…”. Đây là số liệu mà khiến cho dư luận và nhiều chuyên gia về bất động sản không khỏi giật mình, vì sự chênh lệch về giá đất sau điều chỉnh lại có mức “bèo” đến như vậy?

Bình Dương: Có hay không việc lợi dụng chính sách để trục lợi đất đai? - Ảnh 1
Việc di dời nhà máy tại Bình Dương thời gian qua có nhiều bất cập?


Hơn thế nữa, lợi dụng việc Bình Dương xưa nay nhiều khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp được Nhà nước cho thuê quỹ đất lớn, có những doanh nghiệp được “ưu ái” chuyển nhượng lại đất sản xuất (hoặc tài sản gắn liền trên đất thuê hàng năm). Sau đó, tỉnh Bình Dương lập tức giao đất thuê trên cho doanh nghiệp, đồng thời chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị, cho phép phân lô, bán nền để bán ra thị trường với giá từ 20-25 triệu đồng/m2. Ước tính số tiền chênh lệch từ “buôn rẻ bán đắt” của hàng chục dự án phân lô bán nền đất này lên đến cả nghìn tỷ đồng?

Theo chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, đối với các doanh nghiệp địa ốc, với một quỹ đất lớn, có thể là đất nông nghiệp đã được chuyển đổi mục đích sử dụng, chỉ cần lo chi phí đăng ký, giấy phép cho lô đất lớn của mình, rồi đền bù. Doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản là đã có thể phân lô, bán cho các nhà đầu tư, lợi nhuận thu về lại rất cao, có thể bán giá chênh gấp 10, gấp 20 lần so với giá thành. Trong khi đó, quỹ đất tại các tỉnh lẻ vẫn còn dồi dào. Với cách làm này, doanh nghiệp vừa không mất vốn lớn, vừa có thể quay vòng vốn nhanh, chưa kể đến việc giá đất tăng do đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, để thực hiện được dự án một cách dễ dàng, không loại trừ khả năng có sự “móc ngoặc”, tiếp tay, “lợi ích nhóm” từ phía cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước.

Thanh tra Chính phủ đã từng ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch và quản lý, sử dụng đất trên địa bàn Bình Dương (giai đoạn 2006-2011), nêu rõ chất lượng công tác quy hoạch sử dụng đất chưa cao; công tác quản lý Nhà nước về đất đai chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến một số yếu kém sai phạm như tình trạng các hộ gia đình, cá nhân phân lô bán nền trên địa bàn Thuận An diễn ra khá phổ biến.

“Chọn mặt gửi vàng” hay “sân sau, lợi ích nhóm”?

Trên truyền thông những ngày gần đây, tỉnh Bình Dương cho rằng việc di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu dân cư được thực hiện trên cơ sở lựa chọn được những nhà đầu tư có tâm, tầm, đủ lực về tài chính…Một trong những nhà đầu tư được "chọn mặt gửi vàng" để xây dựng những khu dân cư, khu đô thị văn minh, hiện đại là Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh (Công ty Phú Hồng Thịnh) của doanh nhân Phạm Thị Hường.

Theo đó, thời điểm tỉnh Bình Dương lên kế hoạch di dời các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu dân cư, công ty Phú Hồng Thịnh đã mạnh dạn xin chủ trương mua lại các cơ sở sản xuất, nhà xưởng để biến nơi "ám ảnh" của người dân thành điểm mơ ước.

Bình Dương: Có hay không việc lợi dụng chính sách để trục lợi đất đai? - Ảnh 2
Đại gia Phạm Thị Hường "khét tiếng" giới BĐS Bình Dương


Lãnh đạo Công ty Phú Hồng Thịnh từng giải bày về hành động đầu tư "mạo hiểm" này, rằng để mua lại những khu đất nhà xưởng phải bỏ chi phí rất cao. Trong khi đó, việc đầu tư vào lĩnh vực trên lại chưa có trong tiền lệ để đánh giá, rút kinh nghiệm khi bắt tay vào thực hiện. Và tất cả đều đúng luật lệ.

Thế nhưng thực tế từ tài liệu mà phóng viên có được, riêng các Công ty do doanh nhân Phạm Thị Hường lập ra (chỉ tính từ năm 2015 cho đến nay) đã được tỉnh Bình Dương được giao đất và cho chuyển đổi mục đích làm dự án nhà ở thương mại, với diện tích lên đến hơn nửa triệu m2, nhưng không qua đấu thầu?

Cụ thể, Khu nhà ở TM Phú Hồng Thịnh II (0,8ha – giao năm 2015); Dự án Phú Hồng Thịnh III (1,08ha- giao năm 2017); Dự án Phú Hồng Thịnh V và VI (diện tích 1,33 ha và 5,3ha- giao năm 2017); Dự án Phú Hồng Thịnh VIII, IX (7,3ha và 4,7ha – giao tháng 1/2018); Dự án Phú Hồng Thịnh X (5,3 ha – giao tháng 4/2018); Dự án Khu nhà ở TM Phú Hồng Khang (4,3ha – giao tháng 7/2018); Khu nhà ở TM Phú Hồng Lộc (2,5ha –giao tháng 8/2018)….

Có nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng tỉnh Bình Dương giao đất cho các Công ty của doanh nhân Phạm Thị Hường chỉ tính trong ba năm 2017-2019 là rất nhiều, lên đến hàng trăm nghìn m2. Đặc biệt là thời điểm tỉnh Bình Dương đề xuất thành lập TP Thuận An và TP Dĩ An.

Thậm chí năm 2018, bà Hường được giao 08 khu đất – trung bình cứ một 1,5 tháng vị nữ doanh nhân này lại sở hữu một khu đất làm dự án nhà ở thương mại với tốc độ nhanh một cách “bất thường”?

Việc giao đất này có vi phạm vào Điều 118 Luật Đất đai quy định các trường hợp đầu tư xây dựng nhà để bán, doanh nghiệp muốn Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thì buộc phải tuân thủ theo hình thức đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất?

Theo Điều 22 và 23 Luật Nhà ở năm 2014 quy định, muốn xây dựng nhà ở thương mại để bán, chủ đầu tư phải sử dụng diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng hợp pháp để xây dựng hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai xây dựng.

Nhiều năm trước đây, tỉnh Bình Dương cũng đã có kết luận thanh tra một số doanh nghiệp vi phạm về đất đai, phân lô bán nền và chuyển sang cở quan cảnh sát điều tra để tiếp tục làm rõ. Trong đó có doanh nghiệp của bà Phạm Thị Hường.

Bình Dương: Có hay không việc lợi dụng chính sách để trục lợi đất đai? - Ảnh 3
Nhiều năm nay tỉnh Bình Dương ban hành các QĐ giao đất và cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các Công ty do bà Hường lập ra, nhưng không qua “đấu thầu, đấu giá” liệu có đúng với quy định của pháp luật?


Theo Kết luận thanh tra số 250/KL-UBND tỉnh Bình Dương, ngày 15/11/2014, “về việc phân lô bán nền trên địa bàn Thị xã Dĩ An” (nay là Tp Thuận An) đã chỉ rõ, trong 10 khu đất được kiểm tra thì chỉ có 01 khu đất do ông Tống Văn Cư làm chủ đầu tư là đúng pháp luật. 09 dự án còn lại do bà Phạm Thị Hường làm chủ đầu tư không đúng với các quy định của pháp luật. Tổng diện tích của 09 khu đất là 101.353 m2. Vụ sai phạm đất đai này đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, nhưng gần 6 năm trôi qua, vụ việc bị rơi vào im lặng một cách khó khiểu.

Giải thích và trình bày trên truyền thông khi có “xì xào” về những dự án bất động sản thì địa phương nào cũng cho là đúng luật. Thế nhưng khi các cơ quan chức năng vào kiểm tra mới phát hiện ra sai phạm, số tiền ngân sách nhà nước thất thoát lên đến con số “khủng” từ hình thức không qua đấu thầu, đấu giá. Điển hình như các địa phương liên quan đến dự án của Vũ Nhôm, Út Trọc… khiến cho nhiều lãnh đạo dính vào vòng lao lý.

Dư luận cho rằng, nhân việc “xì xào” đất đai tại Bình Dương vừa qua, rất mong được các cơ quan chức năng là Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc điều tra, làm rõ có hay không tình trạng “sân sau”, “lợi ích nhóm” khiến cho ngân sách nhà nước thất thu “khủng” từ chủ trương di dời nhà máy, xí nghiệp giao đất cho doanh nghiệp phân lô, bán nền?

 

 

Theo Dautuvietnam

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục