Làm ăn bết bát ông lớn Hoa sen "ngã ngựa" tại nhiều dự án BĐS

Từ một doanh nghiệp được mệnh danh là "vua tôn" với thị phần áp đảo và tiềm lực tài chính mạnh, đại gia Hoa Sen đang phải chịu cảnh ngụp lặn trong nợ nần, dừng và bị thu hồi nhiều dự án lớn.

"Ngã ngựa" tại nhiều dự án "khủng"

Không đủ tiềm lực về tài chính, mới đây công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của đại gia Lê Phước Vũ vừa công bố thông tin về việc giải thể Công ty cổ phần Hoa Sen Vân Hội. Đây chính là Cty con do Tôn Hoa Sen lập ra để đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái hồ Vân Hội tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Làm ăn bết bát ông lớn Hoa sen "ngã ngựa" tại nhiều dự án BĐS - Ảnh 1
Hoa Sen công bố thông tin giải thể Công ty cổ phần Hoa Sen Vân Hội.

Lý do giải thể được Hoa Sen đưa ra là do Cty đã ngừng tổ chức, triển khai dự án bất động sản nghỉ dưỡng này và Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Yên Bái đã có quyết định về việc giải thể Hoa Sen Vân Hội. Công ty Hoa Sen Vận Hội được thành lập từ năm 2016, do Hoa Sen sở hữu 70% vốn góp, một cổ đông khác của Cty cũng chính là đại gia Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Hoa Sen.

Được biết, theo quy hoạch, Khu du lịch sinh thái hồ Vân Hội có tổng diện tích quỹ đất lập quy hoạch là 1.346 ha nằm trên địa phận hai xã Việt Cường và Vân Hội, huyện Trấn Yên. Dự án bao gồm khu sinh thái, khu nghỉ dưỡng rộng gần 10 ha, khu công viên cây xanh rộng gần 35 ha, khu dân cư và khu biệt thự cao cấp với diện tích gần 77 ha.

Tại dự án này, Hoa Sen Vân Hội đã khởi công xây dựng khu Trung tâm Thương mại, khách sạn Hoa Sen Yên Bái với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Đây cũng là dự án bất động sản, dịch vụ và du lịch đầu tiên có quy mô nghìn tỷ của “Vua tôn”.
Việc giải thể đối với Công ty cổ phần Hoa Sen Vân Hội được giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do năng lực tài chính của CĐT đang gặp khó khăn.

Làm ăn bết bát ông lớn Hoa sen "ngã ngựa" tại nhiều dự án BĐS - Ảnh 2
Khu du lịch sinh thái hồ Vân Hội.

Không riêng gì dự án nghìn tỷ Khu du lịch sinh thái hồ Vân Hội, mà mới đây theo thông tin từ Sở Kế hoạch và đầu tư Bình Định, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi chủ trương đầu tư đối với dự án Trung tâm Dịch vụ, khách sạn và căn hộ cao cấp Hoa Sen Tower Quy Nhơn. Nguyên nhân do chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện dự án theo cam kết.

Trước đó năm 2016, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư, Tập đoàn Hoa Sen chính thức đầu tư thêm 2 dự án lớn tại Bình Định gồm: dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ khách sạn và căn hộ cao cấp tại khu đất 01 Ngô Mây (TP Quy Nhơn), tổng vốn đầu tư 250 triệu USD và DA Khu Du lịch nghỉ dưỡng Suối nước nóng Hội Vân, xã Cát Hiệp (Phù Cát), tổng vốn đầu tư 18,9 triệu USD.

Đối với dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ khách sạn và căn hộ cao cấp tại số 01 Ngô Mây - TP Quy Nhơn, Tập đoàn Hoa Sen hướng đến mục tiêu hình thành 2 tòa tháp, trong đó tòa tháp 1 cao 27 tầng, gồm 231 phòng khách sạn và 809 căn hộ condotel; tòa tháp 2 cao 49 tầng (cao nhất miền Trung), gồm 420 phòng khách sạn và 1.469 căn hộ condotel.

Còn dự án Khu Du lịch nghĩ dưỡng Suối nước nóng Hội Vân nằm trên tổng diện tích 176 ha tại xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, Tập đoàn Hoa Sen sẽ xây dựng khu khách sạn 3 tầng với quy mô khoảng 44 phòng, 28 căn bungalow cho thuê.

Thế nhưng, theo thông tin từ Sở Kế hoạch và đầu tư Bình Định, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi chủ trương đầu tư đối với dự án Trung tâm Dịch vụ, khách sạn và căn hộ cao cấp Hoa Sen Tower Quy Nhơn. Nguyên nhân do chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện dự án theo cam kết.

Tôn Hoa Sen đang "ngập ngụa" trong nợ nần

Hiện nay, ông lớn Hoa Sen đang phải "ngụp lặn" với khối nợ khổng lồ chiếm đến 78% cơ cấu nguồn vốn. Báo cáo tài chính quý III, niên độ 2017-2018 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) cho thấy doanh thu của tập đoàn tăng mạnh 42%, lên hơn 10.350 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãi vay ngân hàng cũng tăng gần 40%, lên 190 tỷ đồng, chi phí bán hàng lên tới 505 tỷ đồng.

Làm ăn bết bát ông lớn Hoa sen "ngã ngựa" tại nhiều dự án BĐS - Ảnh 3
Biểu đồ mô tả lợi nhuận của Tập đoàn Hoa Sen qua các năm.


Đáng chú ý, báo cáo thể hiện tình hình vay nợ ngày một gia tăng, gây sức ép tiêu cực đến tăng trưởng của tập đoàn đại gia tôn Lê Phước Vũ. Tính đến hết quý III niên độ 2017 – 2018 (từ 1/4/2018 đến 30/6/2018), nợ phải trả của Tập đoàn Hoa Sen là 18.385 tỷ đồng.

Cụ thể, trong niên độ này, Hoa Sen phát sinh 6 khoản vay mới, trong đó khoản vay 1.120 tỷ đồng của BIDV có giá trị lớn nhất. Dù cũng tất toán 8 khoản nợ, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của Hoa Sen vẫn lên mức kỷ lục là 3,02 lần.

Báo cáo tài chính quý II niên độ 2017-2018 của Hoa Sen cũng thể hiện chi phí lãi vay tăng tới 70%, với khoản nợ ngắn hạn lên tới 12.646 tỷ đồng, tăng hơn 3.600 tỷ so với đầu kỳ. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 87 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ.
Tình hình vay nợ của Hoa Sen đã được nhà đầu tư cảnh báo từ các năm tài chính trước đó. Dấu hiệu lao dốc về lợi nhuận được nhiều chuyên gia đánh giá là vì gia tăng nợ vay để củng cố thị phần, khiến cho tỷ suất của Hoa Sen không thể duy trì như trước. Trong khi đó giá cổ phiếu của doanh nghiệp cũng ngày một sụt giảm, nhà đầu tư liên tiếp thoái vốn.

 

Thu Hiền

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục