Nhân 52 năm ngày mất của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi: Ký ức về một người anh hùng

(KDPL) - Trong những năm chiến tranh chống Mỹ và bè lũ tay sai, để có được niềm vui trong ngày chiến thắng 30-4-1975, hàng triệu người con ở mọi miền đất nước đã anh dũng hi sinh. Một trong số những tấm gương hy sinh oanh liệt gây trấn động không chỉ ở Việt Nam mà vang xa đến nhiều quốc gia ở các châu lục; đó là anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, một chiến sỹ trong đội biệt động Sài Gòn. Anh đã cùng đồng đội tổ chức đặt mìn mưu sát Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ. Sau sự kiện ấy, chúng đã đưa anh ra xử bắn ngày 15-10-1964. Hơn nữa thế kỷ trôi qua, giờ đây tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi vẫn ngời sáng trong tâm trí của người dân đất Việt.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, chúng tôi xin ghi lại những ký ức của chị Phan Thị Quyên, vợ anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi.

Nhân 52 năm ngày mất của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi: Ký ức về một người anh hùng - Ảnh 1
Dịp này, bà Phan Thị Quyên, vợ anh hùngNguyễn Văn Trỗi trao một số hình ảnh, kỷ vật về anh Trỗi cho huyện Điện Bàn để trưng bày tại khu tượng niệm anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi. 

Lần đầu tiên tôi gặp anh Trỗi vào dịp Tết năm 1963 tại nhà bà chị họ ở Sài Gòn. Tôi còn nhớ rất rõ hôm đó vào sáng mùng 2 Tết, tôi vừa đến thăm gia đình chị Kim Anh thì đã thấy một thanh niên tuổi ngoài 20 đang ngồi đó. Sau vài câu chuyện, tôi được biết anh quê ở miền Trung, mẹ mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không được theo học như nhiều thanh niên khác mà phải vào Sài Gòn để kiếm ăn bằng nhiều nghề khác nhau. Lúc đầu, anh làm nghề bốc vác cho một tổ hợp, sau đó chuyển sang làm nghề đạp xích lô để có thêm tiền đi học nghề thợ điện vào các buổi tối. Anh hiền lành, ít nói và tế nhị. Sau dịp Tết năm đó, tôi mới biết ý định của chị Kim Anh muốn giới thiệu tôi với anh Trỗi. Do vậy, từ lần gặp anh ở nhà chị, cứ một tuần 2 lần, anh lại đến thăm tôi tại công xưởng hoặc nhà riêng. Qua những lần tiếp xúc, hầu như anh không bao giờ nói cho tôi biết về các công việc của anh. Duy chỉ có vài lần, anh đưa tôi coi mấy tờ báo và dặn tôi đọc. Đọc xong các bài báo do anh đưa, có một số vấn đề chưa rõ, tôi hỏi thì được anh giải thích. Thực tình, đến lúc đó tôi chưa biết anh đã là thành viên của tổ chức biệt động ở thành phố Sài Gòn.

Nhân 52 năm ngày mất của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi: Ký ức về một người anh hùng - Ảnh 2
Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi

Đến Tết năm 1964, khi tình yêu giữa tôi và anh đang ở vào độ chín, anh rủ tôi về thăm quê anh ở tỉnh Quảng Nam. Nhưng vì chúng tôi chưa báo cáo chính thức với ba má tôi nên ba tôi chưa muốn cho tôi về thăm quê anh. Mùa xuân năm ấy tôi tròn 20 tuổi. Sau đó vài tháng, được sự đồng ý của ba má tôi, chúng tôi làm lễ cưới. Cưới nhau được 19 ngày, tôi nhớ buổi sáng hôm ấy là ngày 9-5-1964, như thường lệ, ăn sáng xong, anh chở tôi đến công xưởng, nhưng buổi chiều hôm đó, thấy anh đến đón trễ, tôi hỏi:

- Sao anh đến trễ vậy?

-  Anh mải coi vụ xử án Ngô Đình Cẩn

Về với nhà, anh giục tôi ăn tối, nhưng tự nhiên tôi thấy người khó chịu. Thấy vậy anh hỏi tôi:

- Em làm sao đó?

Sau đó anh đi mua lá xông và đun nước để tôi tắm rồi căn dặn:

- Em cứ ở nhà buông mùng đi ngủ trước, anh có việc đi một chút.

Vì quá mệt mỏi, tôi ngủ thiếp đi, nhưng quá nửa đêm thức giấc, tôi vẫn chưa thấy anh về. Tôi nhìn đồng hồ lúc này đã hơn 1h sáng. Tôi rất lo lắng và không sao ngủ được. Mãi đến gần sáng, giữa lúc tôi vừa thiếp đi thì từ ngoài cửa đã thấy hàng chục nhân viên cảnh sát ngụy dẫn anh Trỗi về nhà. Mở cửa ra, tôi nhìn thấy anh mặt mày bị bọn chúng đánh thâm tím và bê bết máu. Chúng lục soát căn phòng của gia đình tôi và hỏi:

- Mày có biết căn nhà này còn cất giấu quả mìn nào không?

- Các ông hỏi gì mà kỳ vậy? Vợ chồng tôi mới cưới nhau và là dân lao động, cất giấu mìn để làm gì?

Sau khi lục soát không thu được gì, chúng dẫn anh đến tạm giam ở trụ sở cảnh sát ngụy quân 3. Tôi vội chạy theo để hỏi tình hình về anh, nhưng một nhân viên cảnh sát đã ngăn lại và nói:

- Chồng cô dám cả gan tổ chức mưu sát một quan chức cao cấp của quân đội Mỹ. Tội của nó đáng chết rồi, khôn hồn mà lo lấy chồng khác đi.

Tối hôm sau, tôi còn nhớ vào khoảng 10h đến 1h sáng, hai nhân viên cảnh sát lại tìm đến nhà tôi và cho biết anh Trỗi đã được đưa về nhà tạm giam ở Sở Cảnh sát đô thành. Đêm đó, tôi hầu như không ngủ được, chỉ mong cho trời sáng để được đến thăm anh. Nhưng không ngờ khi chiếc xe đã lọt vào trong khu vực trại giam thì bọn chúng đã công bố lệnh bắt giam tôi. Rồi chúng đưa tôi vào phòng cùng chị Y, người phụ nữ mà sau này tôi mới biết là chị Trương Mỹ Hoa, hiện là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong thời gian ở tù với chị Y, tôi được chị cảm hóa, giác ngộ, giảng giải cho tôi về hành động và những việc làm anh hùng của anh Trỗi. Thực tình lúc đó, tôi vừa giận lại vừa thương anh. Giận bởi suốt trong thời gian yêu anh, anh không hề cho tôi biết những việc làm của mình. Đến lúc này tôi mới hiểu vì sao trong suốt 19 ngày sau khi cưới nhau, hai đứa không có một ngày đi chơi. Thì ra trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, anh và các đồng chí của mình đã dành hết công sức vào một công việc quan trọng là tổ chức ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mac-na-ma-ra. Sau vừa đúng 3 tháng điều tra, thấy tôi không liên quan gì đến các công việc của anh Trỗi, bọn chúng đành phải trả lại tự do cho tôi.

Ra khỏi trại giam, ngoài thời gian làm việc ở công xưởng, tôi thường xuyên thăm nuôi anh. Những lần gặp tôi ở Trại giam Chí Hòa, anh thường động viên tôi: “Dù bất luận trong hoàn cảnh nào em cũng phải giữ vững ý chí. Cách mạng sớm hay muộn rồi sẽ thành công, đất nước rồi sẽ thống nhất…”. Cho đến ngày chúng đưa anh ra tòa và kết án tử hình, tôi thấy anh vẫn giữ thái độ bình thản và tự tin. Còn tôi thì vừa lo vừa thương anh. Do vậy, sau 5 ngày xét xử và báo chí Ngụy đưa tin anh bị kết án tử hình, tôi nhờ ba tôi thuê luật sư bào chữa với hy vọng bọn chúng sẽ giảm án choanh. Nhưng khi biết tôi thuê luật sư, trong lần gặp cuối cùng tại Trại giam Chí Hòa, anh đã nói:

- Ở nhà đã không có tiền, em còn thuê luật sư làm gì! Mà dẫu có thuê luật sư thì trường hợp của anh cũng không có ý nghĩa gì nữa. Chúng muốn thông qua việc đưa anh ra pháp trường để ngăn cản cách mạng và hòng làm suy giảm ý chí của những người cộng sản khác. Nhưng chúng đã nhầm. Sự nghiệp giải phóng đất nước là của cả dân tộc. Chúng có thể giết hại một con người, nhưng hàng triệu người khác sẽ tiếp tục gánh vác sứ mệnh lịch sử của cách mạng.

Nghe anh giải thích, tôi chỉ biết gục mặt vào ngực anh khóc nức nở. Mãi tới khi tên cai ngục vào thông báo hết giờ, tôi mới chịu rời anh và đúng như anh nói, ngày 15-10-1964, bọn chúng đã đưa anh ra xử bắn ngay tại Trại giam Chí Hòa.

Kể đến đây, giọng của chị Quyên như nghẹn lại. Hình như trước mắt chị vẫn là hình ảnh một người chồng rất mực thương yêu và hết mình vì cách mạng. Chị kể tiếp: “Sau khi anh Trỗi hy sinh được khoảng 1 tuần, tôi tạm nghỉ việc và về quê anh ở tỉnh Quảng Nam. Tại đây tôi gặp một số du kích và những người bạn của anh Trỗi. Họ đều khuyên tôi nên ở lại và tiếp tục con đường mà anh đã đi. Nhưng đến giữa tháng 11-1964, theo lời khuyên của ba tôi, tôi trở lại Sài Gòn và tiếp tục làm việc ở hãng bong Bạch Tuyết. Tôi làm việc được gần 1 tháng thì anh Tư Kiếm, Tổ trưởng tổ biệt động của anh Trỗi tìm gặp tôi và nói:

- Tổ chức muốn đưa em ra vùng chiến khu. Nghe vậy, tôi rất phấn khởi.

Thế là đúng vào đêm 30 Tết năm đó, theo bố trí của tổ chức, tôi được gặp vợ anh Tư Kiếm dẫn đến khu vực  Kinh Sáng, huyện Bình Tân, tỉnh Long An để gặp anh Phạm Văn Hai, người chỉ huy lực lượng biệt động Sài Gòn. Tại buổi gặp gỡ, sau khi anh Hai hỏi nguyện vọng của tôi, các anh bố trí cho tôi đi xe đò về chiến khu địa đạo Củ Chi. Tại đây, tôi gặp các anh chỉ huy lực lượng biệt động và an ninh thành phố. Sau vài ngày nghỉ ngơi tại Củ Chi, tôi lại được tổ chức đưa về Trung ương Cục để tham dự Đại hội phụ nữ, thanh niên toàn miền Nam. Thật là sung sướng và xúc động biết bao bởi tại đây, lần đầu tiên tôi được gặp luật sư Nguyễn Hữu Thọ; cô Ba Định. Sau đó tôi được Trung ương cục và mặt trận cử đi học lớp y sĩ để chăm lo sức khỏe cho các thương bệnh binh. Tháng 5-1969, tôi được Mặt trận bố trí ra thăm miền Bắc cùng chị Châu. Tại đây, tôi và chị Châu có vinh dự lớn là 3 lần được gặp Bác Hồ và ăn cơm chung với Bác tại Phủ Chủ tịch, rồi được cử tham dự các Đại hội thanh niên sinh viên thế giới ở Cuba; CHDC Đức; Liên Xô và một vài nước khác. Năm 1976, sau khi học xong chương trình bổ túc văn hóa, tôi vào học Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Năm 1908, tôi ra trường và về công tác tại Công ty Du lịch thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian sống ở miền Bắc là thời gian gắn liền với tôi biết bao kỷ niệm của những ngày chung lớp, chung trường. Đến bất cứ vùng quê nào tôi cũng thấy đồng bào miền Bắc có một tình cảm đồng cam cộng khổ với cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.

Lưu Vinh (Theo lời kể của chị Phan Thị Quyên)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục