Sân khấu kịch miền Bắc chồng chất khó khăn

(KDPL) - Trái ngược với cảnh sân khấu kịch trong Nam, khán giả tới xem rất đông, sân khấu kịch ngoài Bắc lại rơi vào cảnh rạp đìu hiu vắng người xem. Các nhà hát phải chật vật đi diễn để bám trụ với nghề. Nhà hát Kịch Việt Nam dù được coi là cánh chim đầu đàn của sân khấu kịch cả nước nhưng cũng không thể thoát khỏi hiện trạng chung đó.

Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này, đó là do thiếu kịch bản có tầm và người miền Bắc chưa có thói quen đi xem kịch như trong Nam.

Thiếu kịch bản hay

Hiện nay, các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như: Tuồng, Chèo, Cải lương, Rối nước… đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó sân khấu Kịch đặc biệt là sân khấu Kịch ngoài Bắc cũng nằm trong tình trạng đáng buồn này. Theo ông Nguyễn Thế Vinh thì nguyên nhân đầu tiên là do các kịch bản có giá trị nghệ thuật cao vẫn còn ít, nên mỗi khi các nhà hát công diễn những vở mới thường vắng khán giả tới xem. Trong khi đó, hiện tại sân khấu kịch đang phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại hình nghệ thuật giải trí khác chẳng hạn như ca nhạc, điện ảnh... Đó là còn chưa nói bây giờ khán giả chỉ cần ngồi nhà bật ti vi hay đơn giản bằng một cú click chuột trên mạng là có thể xem được mọi thứ mình muốn mà chẳng cần phải đi đâu xa.

Sân khấu kịch miền Bắc chồng chất khó khăn - Ảnh 1
Ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam

Ông khẳng định kịch bản sân khấu thì rất nhiều. Hàng năm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu tổ chức các trại viết, mỗi lần diễn ra cả tháng trời. Các cây viết chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là viết, trong khi mọi kinh phí đều do Nhà nước lo. Tuy nhiên sau mỗi đợt đó, để tìm được một tác phẩm hấp dẫn về nội dung lẫn chất lượng nghệ thuật thì còn chưa nhiều. Những tác phẩm ấy cũng không hẳn do tác giả viết kém mà có thể do cách tiếp cận các vấn đề xã hội chưa thực sự sâu sát nên không tạo ra được hiệu ứng khi tác phẩm được đưa tới công chúng. Ngoài ra, cũng có những tác phẩm hay đấy nhưng đạo diễn dàn dựng chưa giỏi, diễn viên nhập vai không tốt dẫn đến làm hỏng cả một kịch bản hay. 

Vừa qua, Nhà hát diễn lại một loạt các vở của nhà văn Lưu Quang Vũ như: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Lời thề thứ 9”, …nhưng lượng khán giả tới xem rất đông. Vậy một câu hỏi được đặt ra là tại sao những vở kịch được ông viết cách đây gần 30 năm mà vẫn có sức hút lôi kéo khán giả đến thế, trong khi những vở kịch mới được dàn dựng công phu, tập luyện chu đáo thì lại ít người xem. Câu trả lời rất đơn giản, đó là vì kịch của ông nói lên được những điều mà người dân muốn nói, đó có thể là những điều ngang tai trái mắt vẫn diễn ra hàng ngày quanh ta, đồng thời dự báo những chuyện sẽ xảy ra tiếp theo trong tương lai. Đặc biệt, những điều ông ấy phản ánh vào trong tác phẩm đến giờ vẫn còn nguyên tính thời sự xã hội. Như vở "Bệnh sĩ" phản ánh một căn bệnh của xã hội những năm 80 của thế kỷ trước là cái thói sĩ diện của những kẻ háo danh mà trong đầu lại rỗng tuếch. Nhưng đến giờ, khi Nhà hát diễn lại, khán giả xem và nhận ra rằng, căn bệnh sĩ thời hiện đại còn nặng hơn, nó biến tướng thêm sang những dạng bệnh mới càng khó chữa hơn.

Người miền Bắc chưa quen đi xem kịch

Theo ông Vinh, nguyên nhân cơ bản thứ hai khiến sân khấu Kịch miền Bắc còn gặp nhiều khó khăn là do người ngoài Bắc từ trước đến nay chưa có thói quen tới rạp xem kịch. Họ thích xem và nghe ca nhạc hơn. Ở các nước phương Tây, trẻ em được bố mẹ cho xem kịch từ bé, do vậy việc tiếp thu bộ môn nghệ thuật này giống như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Mà chẳng phải lấy ví dụ ở đâu xa xôi, ngay trong Nam, người dân cũng đã dần hình thành thói quen đi xem kịch. Trong đó có rất nhiều đoàn kịch như: Sân khấu kịch Phú Nhuận, Hồng Vân, Sài Gòn… nhưng họ lại sống rất tốt. Mỗi vở diễn khán giả thường tới xem rất đông. Còn ở ngoài này, cảnh đìu hiu vắng bóng khán giả là chuyện thường thấy. "Có lẽ do thói quen sống trong thời bao cấp quá lâu nên đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người, đó là cái gì cũng miễn phí. Người ta muốn đi xem nhưng lại không muốn bỏ tiền ra mua vé mà chỉ trực chờ giấy mời gửi đến. Họ không nghĩ rằng các đơn vị nghệ thuật cũng phải sống chứ, nguồn sống ấy chính là nguồn thu bán vé đấy", ông Vinh phân trần.

Sân khấu kịch miền Bắc chồng chất khó khăn - Ảnh 2
Một cảnh trong vở diễn "Dư chấn" - một trong những vở diễn thành công của nhà hát Kịch Việt Nam

Thực hiện chiến lược đào tạo khán giả ngay từ nhỏ, nếu như ngày trước các vở kịch dành cho thiếu nhi vắng bóng trên sân khấu, thì từ giờ Nhà hát sẽ tăng cường dàn dựng các vở kịch cho lứa tuổi này, bởi đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà hát được cấp trên giao cho. Mặt khác, để tăng cường chất lượng các vở diễn, đồng thời cũng là cách kéo khán giả lại với sân khấu, Nhà hát Kịch Việt Nam luôn chặt chẽ trong khâu thẩm định kịch bản, để chọn lọc và đưa tới công chúng những vở kịch hay nhất. Như năm 2013, Nhà hát dựng vở "Tai biến" của nhà văn Xuân Đức phản ánh vấn đề lợi ích nhóm, tham nhũng, quan liêu.

Một tín hiệu đáng mừng là thời gian gần đây, khi Nhà hát công chiếu những vở mới, lượng người tới xem đông hơn và nhận được những phản hồi tích cực. Như trong vở "Trong mưa dông thấy nắng" và vở "Dư chấn", khán giả tiếp nhận rất tốt vì họ cảm nhận được những vấn đề mà mình đang trăn trở và ẩn chứa trong đó là một thông điệp xã hội ý nghĩa. Sang năm 2014, Nhà hát dựng tiếp vở "Lâu đài cát" của tác giả Nguyễn Đăng Chương, bằng việc nói về quy chuẩn đạo đức gia đình, tác giả muốn nâng tầm quan điểm đó lên thành quy chuẩn đạo đức xã hội. Nhiều khán giả lần đầu tiên đi xem kịch, họ tâm sự với ông rằng: Hôm nay đi xem là có giấy mời, nhưng từ lần sau tôi sẽ chủ động đi xem, không ngờ xem kịch bây giờ lại hay và ý nghĩa thế. Còn có những khán giả trẻ sau khi xem sau đã viết thư cho Nhà hát mà tâm sự: "Cháu cùng mẹ đi xem vở “Lâu đài cát”, xem xong cháu thực sự cảm ơn các chú đã mang đến cho khán giả một vở kịch tuyệt vời và ý nghĩa đến thế. Qua đó cũng làm cháu tự nhận thấy mình phải sống nghị lực hơn, sống tốt hơn để giúp đỡ gia đình và xã hội".

Nói về sức mạnh giáo dục của nghệ thuật sân khấu kịch, ông Vinh cho biết: Khi khán giả đón nhận được những thông điệp mà vở kịch mang lại thì nó sẽ tác động đến tư duy dẫn đến nhận thức đúng và cuối cùng là hành động đúng. Sân khấu kịch đưa thông tin nhanh và nhạy hơn các loại hình nghệ thuật sân khấu khác. Chỉ cần một câu nói của diễn viên là khán giả sẽ đón nhận được ngay một thông điệp. Trong vở "Lâu đài cát" có một câu rất ý nghĩa đó là "Ở đời ai chẳng có những lúc sai". Ý nghĩa trong câu nói này là người làm sai thì phải dám nhìn thẳng vào cái sai của mình để nhận lỗi và sửa chữa, chứ không phải nói vậy để bao biện cho cái sai của mình. Để nghe tâm tư và tạo sự giao lưu với diễn viên, cứ kết thúc mỗi vở diễn, khán giả sẽ được nói lên những cảm nghĩ của mình về diễn viên, về những điều chưa hài lòng trong kịch bản, qua đó giúp đội ngũ diễn viên nhà hát rút ra được kinh nghiệm để phục vụ họ tốt hơn.

Tuy nhiên, để tạo thói quen đi xem kịch của khán giả miền Bắc với sân kịch không phải là việc một sớm, một chiều mà có thể thay đổi. Trong khi đó, dù là đoàn trung ương nhưng Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn đang gặp vô vàn khó khăn nhất là về cơ sở vật chất, hạ tầng. Nhà hát chỉ có một rạp hát với sức chứa khiêm tốn 181 ghế, còn những điều kiện kỹ thuật về ánh sáng, đạo cụ trên sân khấu không đủ để đáp ứng diễn những vở mới. Nhiều vở, Nhà hát phải đi thuê địa điểm diễn như ở Nhà hát Lớn, rạp hát Hồng Hà của Nhà hát Tuồng trung ương... “Điều này tác động không nhỏ tới tâm lý của diễn viên, còn khán giả bỏ tiền ra mua vé nhưng lại phải ngồi trong một rạp hát nóng bức, chật chội. Tất cả những điều đó tác động không nhỏ làm cho giá trị của nghệ thuật sân khấu kịch cũng giảm dần. Đó là còn chưa nói khán giả ngoài Bắc vốn đã lạ lẫm với kịch nay như thế này thì họ lại càng chẳng muốn đến xem nữa", ông Vinh chia sẻ.

Ánh Minh - Mai Liên

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục