Võ Việt uyên thâm nhưng chưa phát triển xứng tầm…

(KDPL) - Võ sư Nguyễn Văn Thắng - Trưởng môn phái Thăng Long Võ Đạo nói: "Nền võ thuật cổ truyền Việt Nam được kết tinh trong suốt quá trình lịch sử hơn 4.000 năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Học võ cổ truyền từ năm lên 6 tuổi, tôi đã đi truyền bá và tiếp thu nhiều nền võ thuật của các nước trên thế giới, qua đó nhận thấy võ thuật Việt Nam thực sự quá uyên thâm. Tuy nhiên theo tôi đánh giá, nền võ thuật Việt Nam vẫn chưa phát triển xứng tầm với sự uyên thâm ấy".

Nhân dịp lần đầu tiên nước ta tổ chức Đại hội Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ nhất năm 2015, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bác sỹ, võ sư Nguyễn Văn Thắng, trưởng môn Phái Thăng Long Võ Đạo, để nghe ông tâm sự về nghệ thuật và sự phát triển của võ cổ truyền nước ta hiện nay.

Võ cổ truyền Việt Nam uyên thâm lắm!

Ông khẳng định võ cổ truyền Việt Nam là di sản văn hóa của truyền thống dân tộc ta. Sự đặc sắc và uyên thâm của võ cổ truyền Việt Nam được thể hiện qua các bài, miếng và các bí kíp mang đậm màu sắc đặc trưng của ta mà các môn võ khác trên thế giới không thể có. Trải qua 1.000 năm Bắc thuộc, rõ ràng võ cổ truyền của ta cũng bị ảnh hưởng từ phương Bắc nhưng vẫn giữ được cái gốc riêng của mình. Chẳng hạn, chiến thuật võ cận chiến của ta thuộc hàng nguy hiểm nhất thế giới, có được điều đó là do nước ta đã trải qua hàng chục các cuộc chiến tranh chống xâm lược lớn nhỏ. Các bậc võ sư tiền bối đi trước đã đúc kết và rút ra những miếng đánh độc và nguy hiểm để hạ gục kẻ thù một cách nhanh nhất.

 

Võ Việt uyên thâm nhưng chưa phát triển xứng tầm… - Ảnh 1
Võ cổ truyền Việt Nam là di sản văn hóa của truyền thống dân tộc ta

 

Trung Hoa là cái nôi của Võ thuật phương Đông, điều đó không phải bàn. Họ có nhiều công phu hơn nhưng mình cũng có những công phu mà họ không thể địch nổi mình. Nhiều công phu xuất phát từ những phái võ nổi tiếng Trung Hoa như Thiếu Lâm Tự, Võ Đan đấy, nhưng cũng chưa chắc đã bằng khi ông thi triển. Không phải võ sư nào của Trung Quốc cũng biết và giỏi võ Trung Hoa đâu.

Ông thường xuyên qua các nước Châu Âu dạy võ cổ truyền Việt Nam, trong số các môn đệ là người "Tây" thì cũng không ít là các đệ tự là người Trung Quốc, Hồng Kông. Nhiều công phu của Trung Quốc, võ sư Việt lại giỏi hơn cả những võ sư của họ. Ông khẳng định Phái Thăng Long khi đánh các chiêu của Thiếu Lâm còn xịn hơn cả bản gốc. Chẳng hạn với chiêu Nhất dương chỉ, có thể tự tin mà nói họ thua xa ông. "Họ có 10 cái hay những võ chúng ta vẫn có 1, 2 cái hay hơn họ. Võ thuật Trung Hoa giống như một cái gốc to, còn chúng ta là một cái cây nhỏ. Nhưng cái cây võ thuật ấy của ta là tự mọc chứ không phải đi chiết từ cái cây của họ mà ra", võ sư Thắng nói.

Nguyên nhân là do võ thuật Trung Hoa vận động không ổn định qua các triều đại. Các môn phái ngày xưa lại thường có sự chia rẽ. Do vậy có những cái tuy là gốc của Trung Hoa nhưng sau khi gột rửa, chuyển đổi lại thành cái riêng biệt, kinh điển của mình. Chẳng hạn như môn võ Vịnh Xuân Quyền, cụ Tế Công đã truyền sang nước ta. Khi Trung Quốc bị thất truyền thì chúng ta lại trở thành cái gốc, bởi vậy họ lại phải quay lại học của ta. Hiện tại có hơn 60 đoàn quốc tế theo học võ của ông. Họ học bởi họ thích cách tiếp xúc, giảng dậy của võ sư Việt Nam dễ gần, bao dung.

Mặt khác họ muốn được học cái gốc mà phương pháp dạy của ông là không giấu nghề. Các môn sinh sẽ được truyền bí kíp nhưng nếu học ở nơi khác sẽ không bao giờ có chuyện đó hoặc có thì cũng chỉ là những bí kíp giả truyền mà thôi. Thậm chí khi đang dạy ở Thụy Sĩ, một võ sư nổi tiếng của Trung Quốc đang sống ở đây cũng tìm tới ông xin học vì bản thân họ cũng không được chân truyền như ông.

Để có được sự chân truyền qua các đời trưởng môn không phải là dễ. Không phải môn phái nào cũng có thể duy trì hoạt động gần 300 năm, trải qua 5 đời như môn phái của ông, ở bên Trung Quốc cũng vậy. "Chân truyền ở đây có nghĩa là mình làm được mà người khác không thể làm được. Muốn có công phu thì phải khổ luyện nhiều năm mới hình thành, còn bí kíp chỉ cần học được, thậm chí học mót vài ngày là có thể làm được ngay", võ sư Thắng nói.

Võ Việt uyên thâm nhưng chưa phát triển xứng tầm… - Ảnh 2
Bác sỹ, võ sư Nguyễn Văn Thắng - trưởng môn phái Thăng Long Võ Đạo

Ông còn nhớ trong một lần dẫn đoàn của môn phái sang Thiếu Lâm Tự giao lưu, thấy họ biểu diễn màn nằm bàn đinh. Để thể hiện sự đỉnh cao của võ thuật Việt Nam, chỉ cần liếc qua cách thực hiện của họ, 5 phút sau ông có thể nằm lên bàn đinh như thế. Sau đó các võ sư đều nắm tay bái phục ông sát đất. Mới đây nhất, trong lần sang Việt Nam biểu diễn giao lưu võ thuật, hòa thượng Thiếu Lâm thực hiện các tiết mục lấy thanh gang đập vào đầu và dùng dùng xu kẹp vào mí mắt xách 2 xô nước. Theo ông những tiết mục không có gì đặc biệt. Chẳng cần phải tập luyện gì hết, trong ngày giỗ tổ Hùng Vương vừa qua, ông đã biểu diễn tiết mục nhấc bổng cùng lúc 4 xô nước bằng dây thép móc vào mí mắt chứ không phải đồng xu hay đập gãy 4 thanh gang vào đầu một cách quá đơn giản.

Chưa phát triển xứng tầm

Lịch sử phát triển quá hoành tráng, người dân lại luôn có tinh thần thượng võ, nghệ thuật võ cổ truyền của ta cũng đỉnh cao như thế, nhưng theo ông, võ cổ truyền Việt Nam chưa phát triển xứng đáng với tầm vóc ấy. "Thế giới vẫn chưa biết đến võ Việt Nam nhiều, trong khi nhiều nước khác nhỏ hơn mình, không có lịch sử chống giặc ngoại xâm hùng tráng như mình thì võ của họ lại khá phát triển và được thế giới đón nhận", võ sư Thắng nói. Theo ông có rất nhiều nguyên nhân, do cả yếu tố nội lực lẫn ngọai lực, khách quan lẫn chủ quan nhưng tựu chung có hai nguyên nhân chính sau.

Thứ nhất là trong định hướng phát triển nền võ thuật cổ truyền Việt Nam còn nhiều bất cập. Chúng ta đang tập trung đầu tư cho các môn võ ngoại để thi đấu SEA Games và quốc tế như teakwondo, karate, pencaksilat… Trong khi võ cổ truyền đã phát triển sau lại không được đầu tư đúng mức nên càng bị tụt lại. Điều trái ngược là hầu hết những vận động viên khi tham gia tập luyện các môn võ quốc tế kia thì ban đầu đều học võ cổ truyền. Chẳng hạn như vận động viên Wusu hàng đầu Việt Nam Nguyễn Thúy Hiền, ban đầu cũng đi lên và thành công từ các môn võ cổ truyền sau đó mới chuyển sang tập wusu để thi đấu quốc tế. Nhiều vận động viên thậm chí chỉ có 2 tuần học luật thi đấu của các môn võ ngoại rồi đi thi ấy thế mà vẫn chiến thắng giòn dã ngay cả đoàn chủ nhà. Trong các kỳ SEA Games, môn võ luôn là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam, điều đó chứng tỏ võ cổ truyền Việt Nam quá mạnh. 

Thứ hai các cơ quan chức năng chưa có chính sách đãi ngộ gì với những người tâm huyết trong bảo tồn và phát triển võ cổ truyền dân tộc, đồng thời cũng chưa xây dựng các mục tiêu cụ thể, rõ ràng với võ cổ truyền. Nhiều võ sư có tiếng, tâm huyết với võ dân tộc nay phải lay lắt kiếm sống bằng việc bán trà đá qua ngày để duy trì đam mê. Từ võ sư Trần Tiến, Đoàn Tâm Ảnh, đại lực sĩ Hà Châu nổi tiếng quốc tế cũng đang sống trong cảnh khó khăn. Thậm chí nhiều trưởng các môn phái vì không thể trụ lại với nghề võ đành phải từ bỏ đam mê, chấm dứt hoạt động của môn phái mình. Cứ như thế những cái hay, cái tinh túy của võ Việt Nam lại bị mất đi một phần.

Theo võ sư Nguyễn Văn Thắng, để thay đổi hiện trạng và tạo đà cho sự phát triển nền võ thuật cổ truyền Việt Nam thì trước tiên chúng ta phải chuyển trọng tâm, đầu tư võ cổ truyền là chính còn võ quốc tế chỉ là thứ yếu. Khi đoàn võ thuật của ta đi thi đấu quốc tế bắt buộc phải tập 18 bài quy định, thì quận và thành phố nên thành lập hẳn ra một đội chuyên tập và biểu diễn các bài bải quy định trên. Mỗi phái võ đều có những đặc sắc riêng, do vậy không nên bắt buộc các môn sinh phải học những bài quy định này, làm như vậy sẽ mất cái tính cổ truyền và nét riêng biệt của các môn phái.

Việc phân ra hai mảng rõ ràng như vậy, ban đầu các môn võ ngoại đi thi đấu có thể thành tích kém một chút nhưng trong tương lai sẽ tạo điều kiện cho cả hai mảng võ cùng phát triển. Đặc biệt Nhà nước cần nhanh chóng thay đổi chính sách đãi ngộ với các võ sư. Khi họ được phong đai thì phải có cơ chế lương bổng, dù không nhiều nhưng đủ để họ tồn tại. Mà những võ sư yêu nghề, quan tâm tới công tác bảo tồn võ dân tộc họ cũng chỉ cần như thế mà thôi. "Tôi đi dạy ở nhiều nước Châu Âu, họ tâm sự rất quý trọng và bái phục những công phu, khí công của tôi nói riêng và võ cổ truyền Việt Nam nói chung. Nhiều nước mời tôi ở lại làm cho họ. Họ sẽ đề nghị Chính phủ phong hàm giáo sư, viện sĩ và sẽ trả lương hậu hĩnh nhưng tôi vẫn từ chối. Tôi sống vì võ dân tộc chứ đâu sống vì tiền mà bán đi cái tinh túy của võ thuật Việt Nam", võ sư Thắng chia sẻ.

Nguyễn Sáng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục