3 tháng đầu năm Hùng Vương có lãi 6 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu

Dù doanh nghiệp đã giảm lượng vốn vay ngân hàng song tại thời điểm 31/3/2019 tổng vốn vay từ ngân hàng của Hùng Vương vẫn còn 3.088 tỷ đồng, gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu.

Doanh thu giảm 43% nhưng Hùng Vương lại báo lãi 6 tỷ đồng

Công ty cổ phần Hùng Vương (Mã: HVG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II niên độ 2018 – 2019 (1/10/2018 – 31/9/2019).

3 tháng đầu năm Hùng Vương có lãi 6 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu - Ảnh 1
Số liệu kinh doanh của HVG (Nguồn: Báo cáo tài chính quý II niên độ 2018 - 2019, HK tổng hợp)


Quý II, Hùng Vương đạt 1.302 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm tới 43% so với cùng kỳ niên độ trước tuy nhiên trong kỳ Công ty đã ghi nhận lãi 6 tỷ đồng so với con số lỗ 387 tỷ đồng của quý II niên độ 2017 – 2018 nhờ giá vốn và các chi phí giảm mạnh.

3 tháng đầu năm Hùng Vương có lãi 6 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu - Ảnh 2
Cơ cấu doanh thu của HVG (Nguồn: Báo cáo tài chính quý II niên độ 2018 - 2019)


Nguyên nhân doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ là do doanh thu cả mảng xuất khẩu và nội địa đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Trong doanh thu nội địa thì mảng thủy sản bất ngờ mang lại gần 1.408 tỷ đồng doanh thu, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước ngược lại doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi lại giảm từ hơn 1.634 tỷ đồng xuống chỉ còn 13 tỷ đồng trong quý II này.

Mảng thức ăn chăn nuôi từng đóng góp tới 59% vào doanh thu nội địa thì nay đã bị mảng thủy sản soán ngôi với tỷ lệ lên tới 80%.

Sau khoảng thời gian thanh lý các dự án bất động sản và giải thể các công ty liên quan thì trong quý II này Hùng Vương không còn doanh thu từ mảng bất động sản.

Dù quý II năm nay Hùng Vương bị giảm mạnh mảng xuất khẩu song mảng này lại mang lại lợi nhuận gộp 117 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước Công ty đã kinh doanh dưới giá vốn khi lỗ gần 136 tỷ đồng.

Hết năm 2018, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hùng Vương, chiếm tỷ trọng 32% kim ngạch sau đó là các thị trường Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Mexico…

3 tháng đầu năm Hùng Vương có lãi 6 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu - Ảnh 3
Hùng Vương "vỡ mộng" vì bị áp thuế cao nhất (Ảnh minh họa)


Đáng chú ý, tháng 9/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2016 -31/7/2017 đối với sản phẩm cá tra - basa của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Trong đó mức thuế sơ bộ cho Hùng Vương là 0 những tưởng đã mở ra một năm 2019 đầy triển vọng cho Công ty song cuối tháng 4/2019 DOC đã công bố kết quả cuối cùng không đúng với dự tính khi Hùng Vương bị áp mức thuế lên tới 3,87 USD/kg – mức thuế cao nhất trong các doanh nghiệp.

Với kỳ vọng không bị áp thuế, Hùng Vương đã mạnh dạn đặt kế hoạch kinh doanh niên độ 2018 – 2019 là 4.400 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 100 tỷ đồng.

Với kế hoạch này thì nửa niên độ đầu tiên Công ty đã thực hiện được 60% mục tiêu doanh thu nhưng chỉ được 28% lợi nhuận cả năm.

3 tháng đầu năm Hùng Vương có lãi 6 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu - Ảnh 4
Diễn biến giá cổ phiếu HVG 3 tháng gần đây (Nguồn: VNDirect)


Ngay sau khi nhận mức áp thuế cao nhất cổ phiếu HVG đã giảm sàn liên tục 6 phiên từ mức trên 7.400 đồng/cp xuống còn 4.830 đồng/cp kết phiên 3/5. Tài sản của ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty nắm 38,27% vốn và cũng là cổ đông lớn nhất đã bốc hơi 225 tỷ đồng chỉ sau 6 phiên.

Nợ vay ngân hàng gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu

Tại ngày 31/3/2019, tổng tài sản của Hùng Vương là 8.827 tỷ đồng trong đó khoản phải thu ngắn hạn chiếm hơn ½ tài sản (4.753 tỷ đồng) nhưng không được thuyết minh chi tiết. Công ty đã phải trích lập tới 679 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.

Đáng chú ý, khoản trích lập dự phòng chủ yếu là của khách hàng nước ngoài gần 632 tỷ đồng trong khi khoản phải thu chỉ gần 1.227 tỷ đồng.

3 tháng đầu năm Hùng Vương có lãi 6 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu - Ảnh 5
Nguồn: Báo cáo tài chính quý II niên độ 2018 - 2019


Hết quý II, hàng tồn kho của Hùng Vương là hơn 1.809 tỷ đồng chủ yếu là thành phẩm tồn, giảm nhẹ 5% so với thời điểm đầu niên độ.

Khoản đầu tư gần 782 tỷ đồng vào 6 Công ty liên kết của Hùng Vương tại thời điểm 31/3 đã lỗ lũy kế gần 109 tỷ đồng

3 tháng đầu năm Hùng Vương có lãi 6 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu - Ảnh 6
Nguồn: Báo cáo tài chính quý II niên độ 2018 - 2019



Tại ngày 31/3/2019 tổng nợ vay ngân hàng của Hùng Vương là gần 3.088 tỷ đồng, gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên so với thời điểm cùng kỳ năm 2018 thì nợ vay ngân hàng của Công ty đã giảm đáng kể so với con số 5.477 tỷ đồng của năm trước kéo theo chi phí lãi vay kỳ này cũng giảm đến 42%.

Tính chung tổng nợ phải trả của Công ty hết quý II là 6.630 tỷ đồng đã gấp tới 3 lần vốn chủ sở hữu. Lỗ lũy kế của Công ty tính tới ngày 31/3 là 398 tỷ đồng.

Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục