EVN trái 'lệnh' Chính phủ về công bố thông tin doanh nghiệp

Theo quy định, trước ngày 31/5 của năm liền kề, các doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải công bố báo cáo tài chính năm trước đó. Tuy nhiên, đến nay, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2018.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của ngày 18/9/2015 của Chính phủ công bố thông tin của doanh Nghiệp Nhà nước đã quy định rất rõ về thời gian các doanh nghiệp Nhà nước phải công bố báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Cụ thể, tại Điều 18, Nghị định số 81/2015/NĐ-CP về công bố báo cáo tài chính của doanh nghiệp nêu rõ, doanh nghiệp phải xây dựng báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm theo các nội dung quy định.

Đồng thời, doanh nghiệp thực hiện công bố trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm (đã được kiểm toán), đồng thời gửi các báo cáo này đến cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện công bố theo quy định.

Thời hạn công bố và gửi báo cáo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư không muộn hơn ngày 15/8 của năm báo cáo đối với báo cáo tài chính 6 tháng và không muộn hơn ngày 31/5 của năm liền sau năm báo cáo đối với báo cáo tài chính năm.

EVN trái 'lệnh' Chính phủ về công bố thông tin doanh nghiệp - Ảnh 1
Tính đến thời điểm ngày 30/6/2018, EVN ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới 487.700 tỷ đồng.

 

Nghị định cũng nêu rõ, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện công bố báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công bố báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp trên cổng thông tin doanh nghiệp của Bộ (http://www.business.gov.vn) trong vòng 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, theo ghi nhận của phóng viên, tại thời điểm sáng 18/6/2019, trên website của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chưa xuất hiện báo cáo tài chính năm 2018 của tập đoàn này. Đồng thời, trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và cổng thông tin doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chưa có báo cáo tài chính năm 2018 của EVN.

Chiếu theo quy định, đến nay, dù đã quá thời gian đến 18 ngày, nhưng EVN vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2018, vi phạm quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của ngày 18/9/2015 của Chính phủ.

EVN trái 'lệnh' Chính phủ về công bố thông tin doanh nghiệp - Ảnh 2
Đến hết tháng 6/2018, EVN có gần 42.800 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn.

 

Được biết, Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của ngày 18/9/2015 của Chính phủ cũng quy định rõ về mức xử lý vi phạm về công bố thông tin.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo người quản lý doanh nghiệp trong trường hợp vi phạm các quy định như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng thời hạn các quy định về công bố thông tin; nội dung công bố thông tin không trung thực theo quy định tại Nghị định này. Doanh nghiệp vi phạm các quy định về công bố thông tin theo quy định tại Nghị định này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;

Trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm các quy định về công bố thông tin theo quy định tại Nghị định này dẫn đến việc cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước không kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị, giải pháp, dẫn đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, gây thất thoát vốn nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước áp dụng hình thức kỷ luật từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với người quản lý doanh nghiệp.

Nghị định cũng nêu rõ, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra, thanh tra các nội dung về công bố thông tin của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này; không thực hiện việc đăng tải công khai, kịp thời trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan về các thông tin công bố định kỳ và bất thường của doanh nghiệp do mình quản lý.

Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện công bố thông tin đầy đủ, đúng quy định theo quy định tại Nghị định này; chậm công bố thông tin đến 20 ngày làm việc: Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm công khai danh sách các doanh nghiệp trên địa chỉ http://www.business.gov.vn và thông báo cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước biết để đôn đốc, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định.

Tính đến thời điểm hiện tại, EVN mới công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 của Công ty mẹ - EVN và hợp nhất toàn tập đoàn.

Để có cái nhìn rõ hơn về tình hình sản xuất kinh doanh của EVN, phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật xin gửi tới độc giả những con số tài chính (làm tròn) được chỉ ra trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018 của EVN.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần của EVN đạt hơn 161.000 tỷ đồng, tăng hơn 20.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng mạnh lên mức 142.000 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của tập đoàn chỉ đạt 19.200 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 6 tháng năm 2018, các khoản chi phí của EVN cũng tăng mạnh. Trong đó, chi phí tài chính lên tới 11.900 tỷ đồng, tăng 1.300 tỷ đồng với cùng kỳ năm 2017; chi phí bán hàng gần 2.940 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 5.300 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017; chi phí khác 180 tỷ đồng.

Kết quả, EVN lãi ròng 1.018 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018, con số này giảm mạnh so với mức lãi 1.487 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2017. Trong đó, lãi công ty mẹ là 349 tỷ đồng và còn lại là lãi của cổ đông không kiểm soát.

Đáng chú ý, tính đến thời điểm ngày 30/6/2018, EVN ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới 487.700 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là 106.600 tỷ đồng và nợ dài hạn 381.080 tỷ đồng (trong đó riêng khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm tới 375.000 tỷ đồng). Trong khi đó, cùng thời điểm, vốn chủ sở hữu của EVN chỉ là 214.500 tỷ đồng.

Như vậy, nợ phải trả đã cao gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu, điều này đặt ra dấu hỏi về an toàn tài chính của Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Tính cuối tháng 6/2018, tổng tài sản của EVN đạt 702.000 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 24.500 tỷ đồng, tăng hơn 7.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm; hàng tồn kho chiếm tới 21.260 tỷ đồng, tăng gần 3.500 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn 59.700 tỷ đồng; đầu tư tài chính dài hạn là 5.560 tỷ đồng...

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, đến cuối tháng 6/2018, EVN có khoản tiền và các khoản tương đương tiền khoảng 52.900 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt chỉ vọn vẹn 156 tỷ đồng, đáng chú ý nhất là khoản 42.800 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn (trong khi số liệu của khoản mục này đến cuối năm 2017 là 32.360 tỷ đồng).

 

Theo Doãn Hưng - Văn Huy/TTTĐ

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục