Masan Consumer và mảng chế biến thịt tiếp tục khả quan còn Masan Resources lao dốc vì giá vonfram

Mục tiêu năm 2019 Tập đoàn Masan sẽ duy trì được nhờ tăng trưởng hai chữ số của Masan Consumer và đóng góp từ thịt MEATDeli.

Công ty cổ phần Tập đoàn MaSan (Mã: MSN) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Tập đoàn và các công ty con.

Masan Consumer và mảng chế biến thịt tiếp tục khả quan còn Masan Resources lao dốc vì giá vonfram  - Ảnh 1
Kết quả kinh doanh và tài chính của Tập đoàn Masan (Nguồn: Masan)

Nửa đầu năm, doanh thu thuần của Tập đoàn giảm nhẹ 0,3% còn 17.400 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông Công ty đạt 1.882 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – Mã: MCH) đạt 8.000 tỷ doanh thu, tăng 6% và tăng trưởng dự kiến đạt 20% cho cả năm 2019 khi danh mục thực phẩm bắt kịp với kỳ vọng cả năm trong 6 tháng cuối năm 2019 và đồ uống đang trên đà tăng trưởng hai con số.

Masan Consumer và mảng chế biến thịt tiếp tục khả quan còn Masan Resources lao dốc vì giá vonfram  - Ảnh 2
Kết quả kinh doanh và tài chính của Masan Consumer (Nguồn: Masan)

Mảng gia vị ghi nhận doanh thu tăng 3% trong nửa đầu năm, đóng góp tới 40% ở ngành thực phẩm. Tuy nhiên lại tăng trưởng chậm hơn dự kiến do doanh thu thấp hơn vào tháng 3 và 4 năm 2019 so với doanh thu hàng tháng thông thường.

Phân khúc nước mắm cao cấp đang phát triển theo đúng hướng. Sản phẩm hạt nêm nổi lên như một nhân tố đóng góp mạnh mẽ vào chỉ số tăng trưởng, tuy nhiên vẫn cần thêm thời gian để đánh giá.

Trong nửa cuối năm 2019, ngành hàng gia vị được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 2 chữ số vì các mảng kinh doanh chính có doanh số bán hàng hàng tháng đã ổn định.

Với mỳ ăn liền thì tăng trưởng doanh thu 7% trong nửa năm, góp 25% vào ngành thực phẩm và dự kiến sẽ tăng trưởng hai chữ số trong nửa cuối 2019.

Danh mục thực phẩm cao cấp tiện lợi tăng trưởng gần 27% trong nửa đầu năm và các giải pháp mang lại bữa ăn hoàn chỉnh tăng 45% so với cùng kỳ.

Doanh thu mảng đồ uống tăng trưởng mạnh tới 26% trong nửa năm và góp 20% doanh thu vào ngành thực phẩm do nước tăng lực tăng trưởng 28% bởi mạng lưới phân phối mở rộng và sản phẩm mới được ưa chuộng.

Với danh mục sản phẩm xây dựng như cà phê, thịt chế biến, bia ghi nhận tăng trưởng doanh thu 5% trong 6 tháng.

Trong đó, doanh thu cà phê trong quý II tốt hơn so với quý I, nhưng vẫn giảm 5% so với cùng kỳ. Thịt chế biến tăng trưởng doanh thu đạt 81% trong quý II và 68% ở nửa đầu 2019. Sản phẩm bia tiếp tục hoạt động dưới mức kỳ vọng của Công ty, doanh thu thuần quý II giảm 7% so với quý II/2018.

Masan MEATLife thì doanh thu nửa năm tương đương cùng kỳ khi đạt 6.700 tỷ đồng. Chỉ 1 tháng sau khi Tổ hợp chế biến thịt MEAT Hà Nam mở cửa trở lại, doanh số MEATDeli trong tháng 6/2019 đã trở lại mức đỉnh ở tháng 3 – tháng 4/2019.

Mảng thức ăn chăn nuôi thì cả thức ăn gia cầm và thức ăn thủy sản đều tăng hai chữ số trong nửa đầu 2019, bù đắp cho sự sụt giảm 17% của thức ăn cho heo.

Tác động lớn từ dịch tả lợn châu Phi có thể tiếp tục ảnh hưởng đến doanh số thức ăn chăn nuôi và tốc độ mở rộng mạng lưới phân phối của ngành thịt không như mong đợi.

Masan Consumer và mảng chế biến thịt tiếp tục khả quan còn Masan Resources lao dốc vì giá vonfram  - Ảnh 3
Kết quả kinh doanh và tài chính của Masan MEATLife (Nguồn: Masan)

Thương hiệu MEATDeli sẽ được ra mắt tại TP HCM  vào tháng 9/2019 và các sản phẩm thịt chế biến trong nửa cuối 2019. Thịt mát MEATDeli dự kiến sẽ mang lại doanh thu từ 500 - 1.000 tỷ đồng trong năm 2019, với hơn 500 điểm bán ở cả khu vực Bắc và Nam.  Thức ăn cho heo dự kiến sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2019 khi chiến lược trại lớn tăng tốc.

Tới năm 2022, Masan cho biết mô hình  phân phối của Masan MEATLife sẽ đạt được 15% thị phần giá trị của thị trường thịt. Mục tiêu năm 2019 Tập đoàn Masan sẽ duy trì được nhờ tăng trưởng hai chữ số của Masan Resources và đóng góp từ thịt MEATDeli.

CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources – Mã: MSR) ghi nhận doanh thu giảm 17% còn 2.700 tỷ đồng chủ yếu do giá vonfram giảm và tồn kho đồng.  

Masan Consumer và mảng chế biến thịt tiếp tục khả quan còn Masan Resources lao dốc vì giá vonfram  - Ảnh 4
Kết quả kinh doanh và tài chính của Masan Resources (Nguồn: Masan)

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu và tạo ra áp lực giảm giá lên toàn bộ các sản phẩm của Masan Resources từ quý I/2019, trừ Florit.

Đối với vonfram, sự thay đổi cấu trúc phía cung tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc. Công ty tin rằng thị trường Vonfram đã chạm đáy và mong đợi thị trường sẽ phục hồi vào cuối quý III/2019. Thêm vào đó, Trung Quốc - nơi kiểm soát 80% sản lượng vonfram toàn cầu có thể sẽ cắt nguồn cung cho các nước khác do giá vốn của các doanh nghiệp vonfram trong nước đang thấp hơn nhiều so với giá thị trường.

Dự báo nửa cuối năm 2019, Masan Resources sẽ giảm thiểu mức tồn kho vào cuối năm để tạo ra nguồn tiền và đang có kế hoạch giảm tồn kho đồng trong vòng 6 – 12 tháng tới.

 

Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục