Quý I VNG tiếp tục lỗ 31 tỷ đồng đầu tư vào Tiki, hơn nửa tài sản là tiền mặt

VNG - đơn vị sở hữu gần 29% vốn của Tiki tiếp tục báo lỗ 31 tỷ đồng đầu tư vào Tiki là website chuyên mua hàng trực tuyến ở Việt Nam.

Công ty cổ phần VNG vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019.

Quý I VNG tiếp tục lỗ 31 tỷ đồng đầu tư vào Tiki, hơn nửa tài sản là tiền mặt  - Ảnh 1
Số liệu kinh doanh quý I/2019 của VNG (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019)


Quý I, VNG đạt 1.221 tỷ đồng doanh thu thuần, 154 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 13% và 22% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng mạnh khiến lãi gộp của Công ty chỉ tăng 3% lên 632 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 57,1% cùng kỳ năm 2018 xuống còn 51,7%.

Nhờ chi phí tăng nhẹ và đặc biệt khoản lỗ đầu tư vào công ty liên kết giảm mạnh từ mức âm 47 tỷ đồng quý I/2018 xuống còn 31 tỷ đồng quý này nên hết quý Công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tới 22%.

Hiện VNG đang đầu tư vào 3 công ty liên kết gồm: Công ty cổ phần Tiki do VNG nắm 28,88% vốn, được rót vốn từ ngày 2/2/2016 – đơn vị quá nổi tiếng với người chuyên mua sắm trực tuyến ở Việt Nam; thứ 2 là All Best Asia Group Limited (ABA) ở Hồng Kông chuyên phát triển phần mềm do VNG đầu tư vào ngày 9/6/2010 trong đó Tập đòa nắm 50% vốn.

Đơn vị thứ 3 VNG góp vốn là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Truyền thông Thanh Sơn – đơn vị chuyên kinh doanh thẻ trò chơi và thẻ điện thoại trả trước. VNG hiện đang nắm 49% vốn của Thanh Sơn.

Quý I VNG tiếp tục lỗ 31 tỷ đồng đầu tư vào Tiki, hơn nửa tài sản là tiền mặt  - Ảnh 2
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018


Khoản đầu tư vào 3 công ty liên kết của VNG tại thời điểm cuối năm 2018 có giá trị hơn 52 tỷ đồng trong đó khoản đầu tư vào ABA đã lỗ sạch vốn (gần 15 tỷ đồng) còn khoản đầu tư vào Tiki lỗ tới 472 tỷ đồng so với giá trị đầu tư hơn 506 tỷ đồng, ngược lại khoản đầu tư vào Thanh Sơn lãi hơn 17 tỷ đồng so với giá trị đầu tư ban đầu.

Dù không được thuyết minh chi tiết song có thể suy luận rằng khoản lỗ 31 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết quý I/2019 đến từ Tiki.

Tại ngày 31/3/2019, tổng tài sản của VNG đạt 5.557 tỷ đồng. Trong đó khoản tiền và tương đương tiền cùng với tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm tại ngân hàng của Tập đoàn gần 3.103 tỷ đồng, chiếm tới 56% tổng tài sản. Ngoài ra, Tập đoàn cũng có gần 58 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn trên 1 năm tại ngân hàng.

Quý I VNG tiếp tục lỗ 31 tỷ đồng đầu tư vào Tiki, hơn nửa tài sản là tiền mặt  - Ảnh 3
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019


Bên cạnh đó, VNG đang có khoản góp vốn hơn 111 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT.

Hết quý I Tập đoàn cũng đang dành 278 tỷ đồng đầu tư dự án VNG Campus (trụ sở chính của VNG) ở Khu công nghiệp Tân Thuận, TP HCM. Dự án có tổng diện tích khoảng 2,2 ha, quy mô xây dựng gồm 1 tòa nhà 3 tầng, mỗi tầng có diện tích sàn từ 7.000 - 9.000 m2, diện tích sử dụng từ 5.000 - 7.000 m2.

Dự án VNG Campus được khởi công vào tháng 6/2016 và dự kiến ban đầu hoạt động vào tháng 1/2018 tuy nhiên tới quý III/2019 thì dự án mới được hoàn thành.

Điều đặc biệt tại thời điểm hết quý I/2019 doanh nghiệp không hề sử dụng nợ vay từ ngân hàng. Khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VNG tại ngày 31/3 là hơn 5.112 tỷ đồng và Tập đoàn cũng có cổ phiếu quỹ trị giá hơn 1.943 tỷ đồng.

VNG hiện đang sở hữu 14 công ty con, trong đó có 4 công ty ở Hồng Kông, Singapore, Myanmar. Tập đoàn có 4 sản phẩm chính gồm: Trò chơi trực tuyến – mảng chủ lực đóng góp tới 80% doanh thu cho năm 2018; nền tảng kết nối (OTT Zalo, hệ sinh thái mạng xã hội giải trí Zing, vCS, 123Go, 123Phim…); tài chính và thanh toán (cổng trung gian thanh toán 123 Pay, ví điện tử ZaloPay) và dịch vụ đám mây. 







Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục