Thoái vốn thành công Nhựa Bình Minh và Vinaconex, SCIC báo lãi 2018 tăng 45% lên 9.340 tỷ đồng

Năm 2018, SCIC bán hết vốn tại 7 doanh nghiệp, bán bớt vốn tại 2 doanh nghiệp trong đó thành công nhất là thương vụ thoái vốn tại Nhựa Bình Minh và Vinaconex. Riêng 2 thương vụ này đã đem về gần 7.000 tỷ đồng cho SCIC.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam.

Thoái vốn thành công Nhựa Bình Minh và Vinaconex, SCIC báo lãi 2018 tăng 45% lên 9.340 tỷ đồng - Ảnh 1
Kết quả kinh doanh năm 2018 của SCIC (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018)
 

Hết năm 2018, SCIC đạt 12.705 tỷ đồng doanh thu hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn, tăng 72% so với năm 2017.

Tổng doanh thu của SCIC tăng mạnh nhờ doanh thu từ bán các khoản đầu tư gấp 7,9 lần so với năm 2017 đạt 7.797 tỷ đồng. Tuy nhiên doanh thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia lại giảm 34% còn 3.338 tỷ đồng. Doanh thu từ lãi tiền gửi và đầu tư trái phiếu tăng 13% so với năm 2017.

Thoái vốn thành công Nhựa Bình Minh và Vinaconex, SCIC báo lãi 2018 tăng 45% lên 9.340 tỷ đồng - Ảnh 2
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018

Trong năm 2018, SCIC thực hiện bán vốn thành công tại 9 doanh nghiệp, trong đó bán hết vốn tại 7 doanh nghiệp, bán bớt vốn tại 2 doanh nghiệp với chênh lệch bán vốn là 5.172 tỷ đồng trên giá vốn là 2.625 tỷ đồng.

SCIC đã bán vốn thành công tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) và Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã: VCG) cao hơn so với giá thị trường tại thời điểm thoái vốn.

Ngày 9/3/2018, SCIC đã bán 29,51% vốn tại Nhựa Bình Minh, thu về gần 2.330 tỷ đồng, giá vốn 145 tỷ và chênh lệch bán 2.185 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị này không được ghi nhận vào kết quả tài chính của SCIC mà chuyển hết về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.

Ngày 22/11/2018, SCIC đã thoái 57,75% vốn tại Vinaconex. Với giá đấu thành công 28.900 đồng/cp, giá trị cổ phần bán được hơn 7.366 tỷ đồng, giá vốn 2.549 tỷ đồng, lợi nhuận thu về hơn 4.800 tỷ đồng.

Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 35% do tăng mạnh khoản khi phí khác nhưng không được thuyết minh chi tiết.

Đáng chú ý, khoản lãi đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh tăng mạnh gấp 6,8 lần lên 1.098 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, tại ngày 31/12/2018, SCIC đầu tư vào 7 công ty liên kết trong đó có tới 3 công ty bất động sản.

Thoái vốn thành công Nhựa Bình Minh và Vinaconex, SCIC báo lãi 2018 tăng 45% lên 9.340 tỷ đồng - Ảnh 3
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018
 

Kết thúc năm 2018, SCIC báo lãi 9.340 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2017. Năm 2018, SCIC lên kế hoạch 7.895 tỷ đồng doanh thu, 5.436 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả trên, SCIC đã vượt 61% mục tiêu doanh thu và vượt  72% lợi nhuận cả năm.

Thoái vốn thành công Nhựa Bình Minh và Vinaconex, SCIC báo lãi 2018 tăng 45% lên 9.340 tỷ đồng - Ảnh 4
Tổng hợp kết quả kinh doanh của SCIC giai đoạn 2014 - 2018. đv: tỷ đồng (Nguồn: HK tổng hợp)
 

Theo số liệu thống kê của người viết, doanh thu và lợi nhuận năm 2018 của SCIC ghi nhận mốc kỷ lục trong 5 năm qua. 

Tại ngày 31/12/2018, tổng tài sản của SCIC đạt 50.081 tỷ đồng. Trong đó có tổng cộng 26.139 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, chiếm hơn 50% tổng tài sản.

Với khoản đầu tư ngắn hạn, SCIC có 1.272 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết và gần 4.134 tỷ đồng ở cổ phiếu chưa niêm yết cùng với 500 tỷ đồng tiền đầu tư trái phiếu. Bên cạnh đó, SCIC cũng có gần 16.782 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, trong đó có 5.582 tỷ đồng vốn góp tại công ty niêm yết, 6.182 tỷ đồng vốn ở công ty chưa niêm yết và khoản trái phiếu 5.180 tỷ đồng.

 
Thoái vốn thành công Nhựa Bình Minh và Vinaconex, SCIC báo lãi 2018 tăng 45% lên 9.340 tỷ đồng - Ảnh 5
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018
 

Với khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 32.215 tỷ đồng, SCIC đã trích lập dự phòng 583 tỷ đồng còn khoản đầu tư dài hạn cũng được trích lập dự phòng 198 tỷ đồng.

Vốn điều lệ được duyệt của Tổng công ty theo quy định tại Nghị định số 148 của Chính phủ ngày 25/12/2017 là 50.000 tỷ đồng, tuy nhiên vốn đầu tư của chủ sở hữu đã góp vào SCIC tại thời điểm cuối năm 2018 chỉ có 26.042 tỷ đồng.

 

Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục