Cần xem xét lại phương án cổ phần hóa Vigecam

(Kinhdoanhnet) - Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) tiến hành các bước cổ phần hóa theo quy trình. Thế nhưng, xung quanh việc Cổ phần hóa (CPH) này đã xuất hiện không ít sự bất cập khó hiểu.

Để tiến hành CPH, Tổng Công ty VTNN đã lựa chọn 3 công ty nhưng không đúng quy định, dẫn tới có nhiều đơn khiếu nại. Vì vậy, Bộ NN&PTNT yêu cầu Tổng Công ty VTNN xây dựng lại tiêu chí và lựa chọn lại nhà đầu tư chiến lược. Ngày 24/9/2015, Bộ NN&PTNT đã có công văn số 7871/BNN-QLDN chấp thuận tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do Tổng công ty VTNN- Công ty TNHHMTV trình tại tờ trình số 281/TTr-VTNN-HĐTV ngày 31/8/2015.

Cần xem xét lại phương án cổ phần hóa Vigecam - Ảnh 1
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam) tiến hành các bước cổ phần hóa theo quy trình

Từ thiếu minh bạch trong chuyện mua bán tài sản…

Bên cạnh việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho quá trình CPH, thì một trong những mối quan tâm của dư luận cũng như các nhà đầu tư chiến lược, đó là những tài sản và “khu đất vàng” mà Tổng Công ty VTNN đang sở hữu.

Liên tiếp từ năm 2015 đến nay, việc mua bán khách sạn số 120 Quán Thánh tại phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, gồm 10 tầng, diện tích xây dựng khoảng 2.760m2 và khu đất và căn nhà 4 tầng tại số 164 Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội do Tổng Công ty VTNN đang sở hữu đã tốn không ít giấy mực của báo chí và các cơ quan chức năng.

Cần xem xét lại phương án cổ phần hóa Vigecam - Ảnh 2
Đơn kiến nghị của Công ty cổ phần đầu tư Cái Mép (TP.HCM)

Theo phản ánh của Công ty cổ phần đầu tư Cái Mép (TP.HCM), cuối năm 2014, Tổng Công ty VTNN có nhu cầu bán khu đất và căn nhà 4 tầng tại số 164 Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Công ty Cái Mép đã gặp ông Nguyễn Hữu Điệp (Chủ tịch Hội đồng thành viên) và ông Nguyễn Trường Thắng (Tổng Giám đốc) Tổng Công ty VTNN đặt vấn đề mua tài sản nêu trên. Hai bên đã bàn bạc và thống nhất mua, bán với mức giá 32.712.000.000 đồng.

Ngày 2/4/2015, Công ty cổ phần đầu tư Cái Mép đã có văn bản số 41/CN-CM.2015 gửi Tổng Công ty VTNN đề nghị khẩn trương tiến hành thực hiện các thủ tục mua bán căn nhà nêu trên theo quy định của pháp luật hiện hành, thì bất ngờ nhận được công văn số 94/VTNN-ĐTXD ngày 3/4/2016 của Tổng Công ty VTNN. Theo đó, Tổng Công ty VTNN phủ nhận việc thỏa thuận hai bên và cho biết “việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện theo hình thức bán đấu giá” và yêu cầu Công ty Cái Mép liên hệ với đơn vị bán đấu giá tài sản là công ty cổ phần đấu giá Thành An (266 Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội). Thế nhưng, công ty Cái Mép liên hệ và đã không thể mua được hồ sơ.

Theo đơn phản ánh của Công ty Yên Khánh, Tổng Công ty VTNN quản lý khách sạn số 120 Quán Thánh tại phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội, gồm 10 tầng, diện tích xây dựng khoảng 2.760m2. Vào khoảng cuối năm 2010, khách sạn này hoạt động kém hiệu quả, cho đối tác thuê không thu được tiền, thậm chí bị chiếm dụng khách sạn. Tại thời điểm đó, Tổng Công ty VTNN đồng ý giao Công ty Yên Khánh thu hồi khách sạn, tiền thuê khách sạn của đối tác thuê trước đó và cam kết sẽ giao cho Công ty Yên Khánh khai thác.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Yên Khánh phải bỏ ra nhiều thời gian và hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi thu hồi được khách sạn 120 Quán Thánh, Tổng Công ty VTNN lại làm thủ tục bán khách sạn trên cho đối tác khác. Quá bức xúc, công ty Yên Khánh khẳng định có năng lực tài chính, cùng ngành nghề với Tổng Công ty VTNN nhưng không hiểu vì lý do gì mà không được ký hợp đồng hợp tác, không được làm cổ đông chiến lược của Tổng công ty này. Khẳng định việc làm trên đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Công ty Yên Khánh cũng gửi đơn đến Bộ NN&PTNT đề nghị giải quyết nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm.

Còn nhớ, “đất vàng” và tòa khách sạn tại số 120 Quán Thánh của Tổng Công ty VTNN được bán đấu giá hồi tháng 3/2015 với 2 cá nhân tham gia phiên đấu giá, người thắng cuộc đưa ra mức giá cao hơn giá khởi điểm chỉ 1 bước giá. Sau khi báo chí vào cuộc, chỉ ra những dấu hiệu bưng bít thông tin về phiên đấu giá của CTCP Đấu giá Thành An, Tổng Công ty VTNN đã ra quyết định hủy kết quả phiên đấu giá này. Tiếp đó, phiên đấu giá nhà đất tại số 164 Trần Quang Khải, trụ sở Tổng Công ty VTNN hiện nay cũng phải tạm dừng vì Công ty tổ chức đấu giá có dấu hiệu vi phạm các quy định về bán đấu giá tài sản.

Đến những bất cập trong lựa chọn nhà đầu tư chiến lược

Ngày 3/2/2016, Bộ NN&PTNT đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ theo đề xuất của Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp lựa chọn 2 đơn vị là: Tổng Công ty Rau quả nông sản (mua 45% cổ phần) và Công ty CP Bảo hiểm hàng không làm nhà đầu tư chiến lược (mua 25% cổ phần).

Liên quan đến hai nhà đầu tư chiến lược này có rất nhiều khúc mắc. Cụ thể, Tổng công ty Rau quả, nông sản – Công ty TNHH Một Thành Viên được Tập đoàn T&T mới mua cổ phần của Nhà nước, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về cổ phần hóa vì thế không đủ tư cách pháp nhân, trái với quy định pháp luật. Không những thế, Tổng công ty rau quả, nông sản – Công ty NTHH Một Thành Viên và Công ty CP bảo Hiểm Hàng không không có cùng ngành nghề với Tổng công ty VTNN (không có năng lực sản xuất và kinh doanh VTNN và phân bón), chưa từng làm đối tác của Tổng công ty VTNN, vì thế không đủ tiêu chí để lựa chọn làm nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty VTNN.

Sau khi có nhiều đơn thư khiếu nại việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược lần thứ nhất, Tổng công ty VTNN đã bổ sung các tiêu chí cho phù hợp với ngành nghề kinh doanh của 2 Công ty trên. Thế nhưng, theo đơn kiến nghị ngày 12/02/2016 của Công ty Cổ phần VTNN III, xem xét lại tiêu chí và năng lực chọn nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty VTNN, với mục đích hỗ trợ để phát triển ngành nghề truyền thống của Tổng công ty VTNN là sản xuất kinh doanh phân bón và các loại VTNN phục vụ bà con nông dân thì tiêu chí xây dựng bổ sung của Tổng công ty VTNN để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược lần thứ hai vẫn không phù hợp với mục đích cổ phần hóa theo quy định hiện hành.

Một điều cực kỳ khó hiểu là trong khi những doanh nghiệp ngoài ngành được đề xuất lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược, thì những doanh nghiệp mạnh, có thâm niên trong ngành lại không thể đăng ký được để làm nhà đầu tư chiến lược. Không những thế, quá trình cổ phần hóa Tổng công ty VTNN đã bộc lộ những dấu hiệu không khách quan khi Tổng công ty VTNN đã lựa chọn Công ty Chứng khoán SHB (thuộc Tập đoàn T&T) là đơn vị tư vấn cổ phần hóa cho Tổng công ty VTNN. Như vậy, rõ ràng cùng với 2 đơn vị được đề xuất là nhà đầu tư chiến lược thì các đơn vị trên thuộc thóm Công ty có liên quan, nảy sinh xung đột lợi ích giữa nhóm các Công ty liên quan, dẫn đến vi phạm quy định về CPH.

Mạnh Huy - Công Lý

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục