Cổ phiếu Sabeco sau niêm yết liệu có hấp dẫn như trên sàn OTC?

(Kinhdoanhnet) – Sabeco mới đây đã được Bộ Công Thương chấp nhận đề xuất về việc thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán Tp. HCM (HOSE). Trên thực tế cổ phiếu Sabeco đang được thổi giá lên rất cao trên sàn OTC.

Sau khi có đề xuất về việc niêm yết cổ phiếu của Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) trên Sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã có văn bản đồng ý với đề xuất này. Như vậy, có thể trong tháng 11 cổ phiếu Sabeco sẽ chính thức được niêm yết trên sàn HOSE, lúc đó thì mọi nhận định về giá cổ phiếu cũng như vốn hoá chính thức của Sabeco là bao nhiêu sẽ có câu trả lời chính thức.

Trước đây, Sabeco IPO thành công với mức giá cổ phiếu 70.000 đồng/cổ phiếu, tương đương lượng vốn hoá cho Sabeco là gần 40.000 tỷ đồng, đây chỉ là mức giá tạm tính, còn trên thực tế giá thị trường của cổ phiếu Sabeco là rất cao. Mặc dù chưa được niêm yết chính thức trên sàn giao dịch HOSE, thế nhưng trên sàn OTC, cổ phiếu Sabeco đã và đang được chào mua với mức giá rất cao so với ban đầu.

Trên sàn OTC, nhu cầu mua cổ phiếu của Sabeco gần đây tăng đột biến, nhất là khi Bộ Công Thương có văn bản chấp nhận việc niêm yết cổ phiếu Sabeco trên sàn giao dịch HOSE. Mức giá hiện tại của cổ phiếu Sabeco chào bán trên thị trường là khoảng trên 110.000 đồng/cổ phiếu, và vẫn đang có dấu hiệu tăng liên tục do nhu cầu sở hữu cổ phiếu Sabeco trước khi niêm yết chính thức là rất lớn. Ngày 26/9, giá giao dịch của cổ phiếu Sabeco đạt 110.000 đồng/cổ phiếu; ngày 27/7 giá cổ phiếu Sabeco đã tăng lên 111.000 đồng; và đến ngày 28/9 giá 1 cổ phiếu của Sabeco đã là 112.000 đồng.

Có thể thấy, các nhà đầu tư đang rất quan tâm tới cổ phiếu của Sabeco trước khi cổ phiếu này lên sàn. Các nhà đầu tư đang tỏ ra khá tự tin vào giá trị của cổ phiếu Sabeco sẽ cao hơn mức hiện tại sau khi lên sàn nên nhu cầu chào mua mới tăng đột biến như vậy.

Nếu theo mức giá chào bán trên sàn OTC hiện nay, Sabeco sẽ có vốn hoá lên tới hơn 70.000 tỷ đồng. Như vậy, sau khi lên sàn Sabeco sẽ ngay lập tức trở thành doanh nghiệp với vốn hoá khổng lồ thuộc top đầu của sàn giao dịch.

Thế nhưng một điều đáng chú ý là khối lượng cổ phiếu giao dịch trên OTC chỉ là lưu lượng cổ phiếu với tỷ lệ rất thấp, do các nhà đầu tư nhỏ lẻ phát hành, trên thực tế cổ đông lớn nhất tại Sabeco là Nhà nước vẫn đang sở hữu tới 89,6% cổ phần, và hiện số cổ phần này vẫn đang được Sabeco xem xét các doanh nghiệp trong và ngoài nước ai sẽ có khả năng trở thành cổ đông chiến nước của doanh nghiệp.

 

Cổ phiếu Sabeco sau niêm yết liệu có hấp dẫn như trên sàn OTC? - Ảnh 1

Cổ phiếu Sabeco giao dịch trên sàn OTC chỉ với khối lượng rất nhỏ. Khó có chuyện giá cổ phiếu Sabeco sau khi niêm yết trên sàn giao dịch sẽ cao như giá chào bán trên sàn giao dịch OTC hiện tại. Ảnh minh hoạ.

Trên thực tế, rất khó để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh để trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco vì khối lượng vốn hoá của doanh nghiệp này quá lớn. Như thời gian trước đây, Bộ Công Thương đã công bố lộ trình thoái vốn tại Sabeco sẽ chia làm 2 đợt. Đợt 1, Nhà nước sẽ thoái 53,59% vốn điều lệ tương đương 24.500 tỷ đồng trong năm 2016. Đợt thứ 2, sẽ thoái toàn bộ 36% vốn điều lệ còn lại tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017 sau khi Sabeco đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Như vậy, tổng cộng sau thoái vốn khỏi Sabeco Bộ Công Thương sẽ thu về tối thiểu 40.500 tỷ đồng. Với khối lượng vốn hoá ban đầu đã quá lớn khó có thể một doanh nghiệp trong nước nào nhảy vào cạnh tranh cổ phần Sabeco với những doanh nghiệp nước ngoài được.

Hiện tại, có rất nhiều hãng bia nổi tiếng nước ngoài đánh tiếng muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco như Thai Beverage và Singha của Thái Lan, Kirin và Asahi của Nhật Bản, Heineken và Anheuser-Busch InBev của Hà Lan… Với việc đang là cổ đông sở hữu 5% cổ phần tại Sabeco rất có thể Heineken sẽ nắm lợi thế lớn trong việc trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco sau khi doanh nghiệp này niêm yết. Rõ ràng việc trở thành cổ đông chiến lược của doanh nghiệm nắm giữ tới 40% thị phần tiêu thụ bia tại một thị trường tiêu thu bia nhiều như Việt Nam là một điều vô cùng hấp dẫn đối với các hãng bia danh tiếng.

Chính phủ cũng cho phép Sabeco được phép chọn nhà đầu tư chiến lược, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp này chứ không nhất thiết phải là doanh nghiệp trong nước, như vậy sẽ hạn chế tối đa các nhà đầu tư mua cổ phiếu Sabeco sau đó đem bán lại nhằm kiếm lời. Điều này sẽ làm cho cổ phiếu Sabeco ổn định hơn và khó có thể có mức giá trên trời như giá chào bán trên sàn OTC hiện nay.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2016 của Sabeco, tổng tài sản doanh nghiệp ước đạt 21.572 tỷ đồng. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 14.736 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016, tăng một chút so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng sau thuế của Sabeco cũng tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2015, ước đạt 2.385 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là lãi ròng của Công ty mẹ - Sabeco đạt 2.119 tỷ đồng.

Tính tới hết ngày 30/6/2016, tổng nợ phải trả của Sabeco lên tới 8.439 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015, nguyên nhân là do trong kỳ Công ty mẹ - Sabeco đang ôm tới hơn nghìn tỷ tiền phải trả cổ tức cho cổ đông.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục