Khoáng sản Á Cường: “tân binh khủng long” ngày ấy – bây giờ!

(Kinhdoanhnet) – Cách đây gần 1 năm, CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội với mã ACM và được đánh giá là một trong những doanh nghiệp khoáng sản quy mô lớn nhất niêm yết trên TTCK, nhưng hiện nay cổ phiếu ACM luôn giao dịch dưới mệnh giá, liên tục vi phạm các quy định về xả thải.

Từ mệnh giá đến “mớ rau”

Cách đây gần 1 năm, vào ngày 23/7/2015, CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường chính thức niêm yết 51 triệu cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) với mã ACM, có giá tham chiếu là 10.500đ/cổ phiếu. Vốn điều lệ thực góp của ACM là 510 tỷ đồng, lớn hơn so với vốn điều lệ của các doanh nghiệp cùng ngành như Công ty Cổ phần Khoáng sản và Cơ khí với hơn 22 tỷ đồng, CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận với hơn 128 tỷ đồng, CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Lào Cai với hơn 246 tỷ đồng hay Khoáng sản Hòa Bình với hơn 296 tỷ đồng vốn điều lệ. Có thể thấy, chưa lên sàn nhưng với gần 20 năm hoạt động và vốn điều lệ lớn, “tân binh” ACM lúc đó được các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ là một “tân binh khủng long” của ngành khoáng sản.

Khoáng sản Á Cường: “tân binh khủng long” ngày ấy – bây giờ! - Ảnh 1
Hiện nay cổ phiếu ACM luôn giao dịch dưới mệnh giá, liên tục vi phạm các quy định về xả thải. Ảnh minh họa

ACM chào sàn cũng không phải là thời điểm cổ phiếu ngành khoáng sản có nhiều tăng trưởng và bứt phá, nhưng theo phát biểu của chủ tịch HĐQT ACM thì “dòng tiền ổn định, vay nợ ít, đầu tư có chiều sâu là một trong những lợi thế vượt trội của ACM so với các doanh nghiệp cùng ngành”. Thậm chí nhà đầu tư còn được củng cố niềm tin hơn nữa với thông tin công bố về KQKD năm 2014 khá tích cực với tổng doanh thu đạt 86,1 tỷ đồng và 12 tỷ đồng lợi nhuận trên 120 tỷ đồng vốn điều lệ, theo dự kiến tổng doanh thu năm 2015 đạt 400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tối thiểu 70 tỷ đồng.

Mặc dù có rất nhiều thông tin hỗ trợ như trên, tuy nhiên trên thực tế kết quả sản xuất kinh doanh cuối năm 2015 Công ty chỉ đạt tổng doanh thu hơn 276 tỷ, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 45 tỷ đồng. Chốt phiên giao dịch đầu tiên ngày 23/07/2015 giá ACM là 10.500 đồng/cổ phiếu, nhưng ưu thế ban đầu của ACM không duy trì được lâu, thay vào đó là khoảng thời gian “đen tối” của khoáng sản Á Cường khi vừa ra mắt đã “đỏ sàn” 10 phiên liên liên tiếp, rồi sau đó không ngừng giảm điểm, hiện nay giá cổ phiếu ACM chỉ còn 2.700 đồng/cổ phiếu vào phiên giao dịch ngày 12/07/2016, giá giao dịch này chỉ tương đương với giá một “mớ rau”.

“Công nghệ khai thác và chế biến hiện đại” nhưng liên tiếp vi phạm về xả thải!

Về mặt khai thác, ở thời điểm Khoáng sản Á Cường mới lên sàn, ông Nguyễn Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT ACM đã trao đổi với báo chí rằng khác biệt lớn nhất của ACM so với các doanh nghiệp khoáng sản khác là ngay từ khi đi vào hoạt động, Công ty đã tập trung đầu tư, xây dựng dây chuyền khai thác, chế biến hiện đại, quy mô lớn, đủ điều kiện sản xuất và xuất khẩu.

Khoáng sản Á Cường: “tân binh khủng long” ngày ấy – bây giờ! - Ảnh 2
CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường nhiều lần bị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm triệu đồng vì hành vi xả trực tiếp nước thải không qua xử lý

Tuy nhiên, không hiểu công nghệ khai thác và chế biến hiện đại đến đâu mà công ty vẫn không đáp ứng được việc xử lý môi trường sau khai thác, dẫn đến vi phạm các quy định về xả thải. Gần đây, thông tin báo chí đã phản ánh CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường nhiều lần bị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm triệu đồng vì hành vi xả trực tiếp nước thải không qua xử lý ra sông Cẩm Đàn, đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho dòng sông này. Và chiều ngày 6/7, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hỏa tốc truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhằm xử lý thông tin báo chí phản ánh về việc doanh nghiệp Khoáng sản Á Cường xả thải chưa qua xử lý ra sông Cẩm Đàn.

Căn cứ vào kết quả kiểm tra, nếu như phát hiện vi phạm, môi trường bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng như phản ánh, CTCP Tập đoàn Khoáng Sản Á Cường sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, và không loại trừ khả năng công ty có thể bị áp dụng các biện pháp như đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản, buộc khắc phục hậu quả... Những thông tin sau điều tra khả năng lớn sẽ là tin xấu với doanh nghiệp, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu cũng như các nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu ACM.

Cổ phiếu khoáng sản: “những gam màu tối”!

Trong thời gian qua, các cổ phiếu ngành khoáng sản luôn giao dịch rất “ảm đạm” mặc cho thị trường chung khởi sắc, chỉ số Vn-Index liên tục lập hết đỉnh này đến đỉnh khác, vượt qua mức 670 điểm. Ngoài Khoáng sản Á Cường liên tục giảm điểm và vướng “lùm xùm” do nghi án xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng thì các cổ phiếu khác của ngành khoáng sản đang bị cảnh báo do kết quả kinh doanh kém khả quan như cổ phiếu CTA của CTCP Vinavico, cổ phiếu MIM của CTCP Khoáng sản và Cơ khí, cổ phiếu MTM của CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung…

Chính thực trạng chung này đã làm cho các nhà đầu tư dài hạn đang ngày càng “ngán ngẩm” hơn khi đầu tư vào cổ phiếu nhóm ngành khoáng sản. Các nhà đầu tư nếu muốn đầu tư cần phải lựa chọn các cổ phiếu khoáng sản làm ăn tốt, lợi nhuận đều để đầu tư chứ không đơn giản chạy theo sóng ngành như trước.

Dương Sao

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục