Ngành chăn nuôi Việt Nam cần thêm nhiều Hoàng Anh Gia Lai

(Kinhdoanhnet) – Ngành chăn nuôi Việt Nam đang đứng trước nguy cơ trở thành “vật hy sinh” khi hiệp định TPP chính thức có hiệu lực. Những điểm sáng về chăn nuôi gia súc như trường hợp của Hoàng Anh gia Lai phải được nhân rộng thì mới mong sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Chăn nuôi là “vật hy sinh”?

Chăn nuôi là ngành lớn thứ 2 trong nông nghiệp Việt Nam, chỉ đứng sau trồng trọt. Tuy nhiên, đây không phải là ngành Việt Nam có lợi thế, đặc biệt là lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự kém cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam là quy mô sản xuất nhỏ và dựa chủ yếu vào chăn nuôi hộ (thay vì các trang trại thương mại lớn), sử dụng thức ăn thừa làm thức ăn chăn nuôi và không quan tâm nhiều đến các vấn đề dịch bệnh của vật nuôi. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nỗi lo lớn về việc ngành chăn nuôi Việt Nam có thể trở thành “vật hy sinh” trong tiến trình hội nhập TPP.

Ngành chăn nuôi Việt Nam cần thêm nhiều Hoàng Anh Gia Lai - Ảnh 1
 

 Chăn nuôi nhỏ lẻ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sức cạnh tranh kém của ngành chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: Internet

Trong buổi hợp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn diễn ra vào tháng 10/2015, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đã từng bộc bạch: “các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65%, vì thế chúng ta rất khó khăn trong việc cạnh tranh”. Quy mô nhỏ không chỉ khiến chi phí chăn nuôi của các doanh nghiệp Việt Nam cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp chăn nuôi theo quy mô công nghiệp của Mỹ, Úc, NewZealand mà còn dẫn tới rủi ro lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh, khó tạo dựng các lò mổ quy mô công nghiệp hợp vệ sinh và khó kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tín hiệu đáng mừng là, trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực chăn nuôi với quy mô công nghiệp, điển hình là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tập đoàn Hòa Phát. Một lĩnh vực liên hệ mật thiết với chăn nuôi là sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng được Tập đoàn Masan coi là một trong những trụ cột kinh doanh chính.

HAGL chăn nuôi “giỏi nhất Việt Nam”

Hoàng Anh Gia Lai và Hòa Phát là 2 tập đoàn có năm đầu tiên chính thức bước vào lĩnh vực chăn nuôi. Trong khi Hoàng Anh Gia Lai gặt hái được thành công lớn thì Hòa Phát lại rơi vào cảnh chăn nuôi thua lỗ.

Ngành chăn nuôi Việt Nam cần thêm nhiều Hoàng Anh Gia Lai - Ảnh 2
 

Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận gộp trong mảng chăn nuôi cao nhất trong số các doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Ảnh: Tùng Lâm

Đúng với những kỳ vọng của bầu Đức về ngành nuôi bò “siêu lợi nhuận”, ngay trong năm đầu tiên nuôi bò, Hoàng Anh Gia Lai đã thu về tới 2.541 tỷ đồng từ việc bán bò thịt. Không những thế, biên lợi nhuận gộp trong mảng chăn nuôi của Hoàng Anh Gia Lai còn cao nhất trong số các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại Việt Nam, đạt mức 29,3%. Sắp tới, Hoàng Anh Gia Lai còn dự kiến ra mắt thương hiệu riêng về thịt bò và được bán trong chuỗi các cửa hàng. Bầu Đức cũng từng chia sẻ, với những lợi thế trong chăn nuôi bò của Hoàng Anh Gia Lai, trong 2 – 3 năm tới, “không có cửa” cho thịt bò ngoại khi cạnh trạnh tranh với thịt bò của Hoàng Anh Gia Lai.

Trái ngược với Hoàng Anh Gia Lai, năm đầu chăn nuôi của Tập đoàn Hòa Phát không mấy suôn sẻ. Năm 2015, chăn nuôi đem lại doanh thu 728 tỷ đồng cho Tập đoàn này nhưng giá vốn lại cao hơn doanh thu, ở mức 779 tỷ. Vì vậy, tỷ suất lợi nhuận gộp trong chăn nuôi của Hòa Phát đạt mức âm (-) 7%, thấp nhất trong các doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp chăn nuôi truyền thống như chăn nuôi Phú Sơn hay DABACO vẫn luôn duy trì biên lợi nhuận gộp cao và tiếp tục nâng cao lợi thế về sản xuất con giống trong chăn nuôi.

Ngành chăn nuôi Việt Nam cần thêm nhiều Hoàng Anh Gia Lai - Ảnh 3

 Một góc trang trại chăn nuôi bò của Hoàng Anh Gia Lai. Ảnh: HAGL

Mặc dù rào cản về thuế quan đối với thịt bò, thịt lợn hay sản phẩm gia cầm sẽ bị hiệp định TPP xóa sổ trong tương lai gần, tuy nhiên, doanh nghiệp chăn nuôi nội vẫn sở hữu nhiều lợi thế, đặc biệt là chi phí vận chuyển thấp hơn hẳn các cường quốc chăn nuôi như Mỹ, Úc, NewZealand và xu hướng ưa chuộng tiêu thụ thịt tươi thay vì thịt đông lạnh của người dân Việt Nam sẽ vẫn còn duy trì trong trung hạn. Thêm những Hoàng Anh Gia Lai nữa, nghĩa là thêm những doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, quy trình chăm sóc khoa học, bài bản, con giống tốt, công nghệ cao, chất lượng thịt đảm bảo thì không có lý do gì ngành chăn nuôi Việt Nam không thể đánh bật được những cường quốc chăn nuôi trên thế giới.

Tùng Lâm

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục