Những "cơn sóng" lớn của chứng khoán Việt Nam

Ngay khi mở cửa năm 2000, các nhà đầu tư đối diện với con sóng lớn đầu tiên vì nhiều người nhìn chứng khoán như một "cơ hội đổi đời".

Những "cơn sóng" lớn của chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1
Diễn biến VN-Index 20 năm kể từ phiên giao dịch đầu tiên.
Đồ họa: Tạ Lư.

2000: Bong bóng đầu tiên

28/7/2000, HoSE có phiên giao dịch đầu tiên. Nhưng trước đó, càng gần ngày mở cửa thị trường, không khí đầu tư càng nóng bỏng. Chỉ có hai mã lên sàn nhưng các giao dịch mua bán, sang tay diễn ra tấp nập trên thị trường không chính thức (OTC). Ông Vũ Bằng, khi đó là Giám đốc Sở HoSE, kể giới đầu cơ đổ xô mua cổ phiếu, giá chợ đen tăng từng ngày, thậm chí người ta còn mua vét cổ phiếu vào buổi tối.

"Chúng tôi hết sức lo lắng, hàng hóa không có đủ cho giao dịch. Hôm chính thức, chúng tôi quyết định phải áp dụng biên độ giao dịch hẹp hơn và thực hiện khớp lệnh định kỳ với số lần khớp lệnh ít hơn dự kiến vì sức nóng của thị trường dâng lên quá lớn", ông Vũ Bằng chia sẻ. Thậm chí lãnh đạo Ủy ban khi đó phải trực tiếp gọi điện cho một trong hai doanh nghiệp lên sàn đầu tiên đề nghị bán thêm cổ phiếu ra bên ngoài.

Nhịp giao dịch sôi động trong ngay phiên đầu tiên mở đầu cho đợt sóng thứ nhất của thị trường. Từ mức khởi đầu 100 điểm phiên đầu tiên, chỉ trong chưa tới một năm, VN-Index tăng lên tục lên mức đỉnh 571 điểm vào cuối tháng 6/2001.

"Mặc dù Ủy ban chứng khoán và các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa ra cảnh báo nhà đầu tư nhưng vẫn không ngăn được đà tăng của thị trường", nguyên Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nguyễn Đức Quang nhớ lại. Rồi điều gì đến cũng phải đến, "bong bóng" đầu tiên của thị trường xì hơi. VN-Index đảo chiều và liên tục đi xuống. Đến tháng 10/2003, VN-Index còn 130 điểm, gần như quay lại những ngày đầu.

Trong suốt giai đoạn đó, thị trường lâm vào cảnh khó khăn, công ty chứng khoán thua lỗ, nhà đầu tư mất tiền. Nhiều người bức xúc, đã có những hành động thái quá. Một số nhà đầu tư thường xuyên gọi điện đến Ủy ban chứng khoán chất vấn: "Tại sao để thị trường đi xuống?", "Tại sao không bảo vệ nhà đầu tư?"... thậm chí có cả những lời đe dọa.

2007 - 2008: Mua là thắng

Sau giai đoạn "tăng nóng" ban đầu bởi sự tò mò và kỳ vọng quá mức của nhà đầu tư, thị trường chững lại năm 2003-2005 trước khi bước vào một con sóng mới và cũng là kỷ niệm "đau thương" nhất với nhiều nhà đầu tư.

Những "cơn sóng" lớn của chứng khoán Việt Nam - Ảnh 2
Một phiên đấu giá cổ phần trên HNX năm 2005.
Ảnh: Tư liệu Ủy ban chứng khoán.

Năm 2004, Huỳnh Minh Tuấn vừa tốt nghiệp Đại học Xây dựng. Anh đang làm chủ quán cơm, quyết định dốc 150 triệu vào thị trường chứng khoán. Anh cũng hòa vào dòng người "đổ xô đi đánh chứng" năm ấy.

Lúc ấy, không khó để bắt gặp cảnh nhân viên văn phòng, bà nội trợ hay những cụ già ở cái tuổi xưa nay hiếm xếp hàng dài chờ đến lượt mở tài khoản, bất chấp một số công ty chứng khoán đưa ra những biện pháp hạn chế nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tất cả đều có chung một niềm tin: mua là thắng.

Những "cơn sóng" lớn của chứng khoán Việt Nam - Ảnh 3
Ông Huỳnh Minh Tuấn - người từng có bài học đau thương với chứng khoán năm 2007. 

"Thị trường OTC sôi động hơn cả. Giao dịch không có biên độ nên cổ phiếu tăng từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng trong ngày là chuyện bình thường", Tuấn nhớ lại.

Câu chuyện mua cổ phiếu nào, giá bao nhiêu không chỉ xuất hiện tại các sàn giao dịch mà còn râm ran trên bàn nhậu, quán cà phê, giảng đường đại học... Công ty chứng khoán ra đời như nấm mọc sau mưa, nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường.

Ngày đó, nhà đầu tư này mua được 2.000 cổ phiếu Sacombank (STB) ở giá 65.000 đồng và xả hàng không lâu sau khi ngân hàng niêm yết. Khoản lãi trăm triệu, vượt xa thu nhập của nhiều bạn bè mới ra trường, như một liều thuốc kích thích Tuấn tiếp tục đổ tiền vào tài khoản chứng khoán.

Lịch trình sinh hoạt một ngày của anh rất đơn giản, cả buổi sáng "trực chiến" trên sàn, trưa chiều cà phê bàn chuyện đầu tư, tối mày mò tài liệu. Tâm lý hứng khởi của Tuấn đi cùng đà tăng của VN-Index. Chỉ số liên tiếp chinh phục những mốc mới, đến giữa tháng 3/2007 thì chạm đỉnh gần 1.171 điểm.

Tuy nhiên, niềm vui của những nhà đầu tư non trẻ không kéo dài lâu. Thị trường thoát đỉnh kỷ lục bằng những phiên giảm. Nhà đầu tư trông đợi rằng đó chỉ là những phiên kỹ thuật rồi nhịp tăng sẽ trở lại, nhưng thực tế không như vậy. Nhà đầu tư càng chờ đợi, thị trường càng giảm nhanh. Những người kiên nhẫn nhất cuối cùng cũng phát cắt lỗ. Trong nhịp rơi đó, vẫn có những nhà đầu tư đặt cược thị trường trở lại, họ quyết định "bắt dao rơi".

Nguyễn Thế Minh, khi đó là một sinh viên, bước vào thị trường trong nhịp hồi đầu năm 2008. Huy động được 1 tỷ đồng thông qua một quỹ đầu tư với mục đích ban đầu là gia tăng nguồn vốn này để làm quỹ học bổng. Minh tham gia thị trường với một nhóm bạn cùng phân tích và sự hậu thuẫn của lãnh đạo của quỹ đầu tư đã rót vốn. "Lúc đó tôi nghĩ đà giảm đã xong rồi. Thị trường có thể đi lên từ giữa năm 2008 nên mọi người quyết định all-in, thậm chí dùng tiền cá nhân, dùng thêm cả đòn bẩy tài chính", Minh nhớ lại. Tuy nhiên, kết quả thực tế trái ngược với kỳ vọng ban đầu.

"Bắt dao rơi" trong nhịp giảm kéo dài trở thành kinh nghiệm xương máu mà đến nay khi đã trở thành Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán, Minh cũng không thể quên. Chưa tới nửa năm sau khi xuống tiền, tài sản của quỹ đầu tư sinh viên và số tiền đầu tư cá nhân ban đầu giảm hơn một nửa. Minh quyết định cắt lỗ. "Lúc đó tôi sốc, sốc lắm chứ", ông Thế Minh, nay là Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta, nhớ lại.

Những "cơn sóng" lớn của chứng khoán Việt Nam - Ảnh 4
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta.

Nhìn lại giai đoạn đó, ông Vũ Bằng cho biết, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản phát triển hết sức nóng, lạm phát tăng cao, rất nhiều chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam nên áp dụng giải pháp mạnh, vì họ ví thị trường chứng khoán như một quả bóng "chọn cho xịt còn hơn là cứ để cho nó phát triển đến lúc nổ tung".

Các chuyên gia đề xuất hai giải pháp như của Thái Lan là vốn đầu tư nước ngoài phải một năm sau mới được rút, nếu rút ra trước một năm chỉ được phép rút 2/3 số tiền và đánh thuế vào việc hồi vốn này. "Tuy nhiên, chúng ta đã biết là khi Thái Lan công bố hai giải pháp này thì thị trường chứng khoán biến động mạnh, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút vốn ra và Thái Lan phải tuyên bố hủy bỏ biện pháp này", ông Vũ Bằng nói.

Khi đó, Ủy ban Chứng khoán được Bộ Tài chính chỉ đạo xây dựng đề án chống khủng hoảng, đồng thời xây dựng một bản báo cáo về đầu tư gián tiếp báo cáo Chính phủ. "Chúng tôi cho rằng nhận định của chuyên gia nước ngoài nói vốn đầu tư gián tiếp gây ra hiện tượng đầu cơ, nguy cơ tạo ra đố vỡ khi đảo vốn rút ra ở Việt Nam là chưa chính xác vào thời điểm đó".

Thay vào đó, Ủy ban chọn cách giảm nhiệt thị trường thông qua việc siết biên độ giao dịch. Trong vòng chưa đầy nửa năm, cơ quan quản lý phải điều chỉnh biên độ dao động giá cho cổ phiếu và chứng chỉ quỹ đến 4 lần, từ 7% xuống 1% trước khi nới dần lên vì sức ép của các nhà đầu tư nước ngoài.

Những "cơn sóng" lớn của chứng khoán Việt Nam - Ảnh 5
Biên độ sàn HoSE trong từng giao đoạn. Đồ họa: Tạ Lư.

2018: VN-Index vượt 1.200 điểm

Sau giai đoạn tăng nóng, giảm sâu năm 2007-2008, VN-Index trải qua nhiều năm trong trạng thái chững lại và đi ngang. Thị trường chỉ thực sự trở lại sau đó một thập kỷ.

Tăng 48% trong năm 2017, VN-Index được xếp trong nhóm những chỉ số có mức tăng ấn tượng nhất thế giới. "Câu chuyện thần kỳ" được viết tiếp trong năm 2018 khi các mốc quan trọng như 1.000 điểm, 1.100 điểm được vượt qua. Liên tiếp trong tháng 2 và tháng 3/2018, Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán có mức tăng mạnh nhất thế giới.

Những "cơn sóng" lớn của chứng khoán Việt Nam - Ảnh 6
Việt Nam liên tiếp là thị trường chứng khoán tăng tốt nhất thế giới sau 3 tháng đầu năm 2018. Ảnh: IndexQ.

Bài viết của Bloomberg cùng thời gian này đặt tựa đề "Việt Nam giành lại vương miện chứng khoán châu Á" để nhấn mạnh về sự trở lại của kênh đầu tư này. Đến cuối tháng 3/2018, lần đầu tiên trong hơn 10 năm, chỉ số này tái lập mức cao lịch sử 1.171 điểm. Chưa đầy nửa tháng sau đó, ngày 9/4, mức kỷ lục mới với VN-Index được xác lập tại 1.204 điểm - con số cao nhất của chỉ số này được "khai sinh".

Tuy nhiên, việc "tăng nóng" của chỉ số cùng mức định giá cổ phiếu đắt đỏ là những vết nứt lộ ra trong hình thái có vẻ ổn định của thị trường. Cộng thêm những bất ổn từ thị trường quốc tế như chiến tranh thương mại leo thang, dòng chảy vốn xoay chiều, đồng bạc xanh tăng giá, thị trường bắt đầu bị ảnh hưởng.

Từ chỉ số tốt nhất châu Á trong 3 tháng đầu năm, mọi nỗ lực của chứng khoán Việt Nam đã bị xóa sạch chỉ 3 tháng sau đó. VN-Index trở thành chỉ số giảm sâu nhất từ mức đỉnh so với các thị trường trong khu vực. Mức giảm gần 18% trong quý II/2018 cũng đánh dấu giai đoạn tồi tệ nhất của thị trường kể khủng hoảng tài chính.

Đầu năm nay, thị trường đối mặt với cú sốc "Covid-19". Đại dịch nhấn chìm VN-Index từ ngưỡng gần 1.000 điểm xuống mức đáy 660 điểm. Tuy nhiên, không giống như giai đoạn trước khi nhịp giảm nhanh kéo theo giai đoạn đi ngang, thị trường lần này đã trở lại nhanh hơn. Dù đà tăng còn chịu thách thức từ những biến số không chắc chắn, sự trưởng thành hơn của nhà đầu tư khiến dòng tiền luân chuyển nhịp nhàng, tạo cơ hội trong ngay cả giai đoạn khó khăn.

Nhìn lại giai đoạn lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Thế Minh - hiện là Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Yuanta - nói rằng những bài học đau thương đó không hẳn đã vô ích bởi nó giúp nhà đầu tư "trưởng thành hơn".

Như giai đoạn 2007-2008, chuyên gia này cũng thừa nhận ngày đó việc tham gia thị trường là "đu theo sóng" hơn là những phân tích thị trường. VN-Index của giai đoạn đó có thể bị chi phối bởi một vài mã vốn hóa lớn, khi những mã này tăng, cả thị trường hưng phấn, khi những mã này giảm giảm kéo theo cả thị trường lao đốc. Tâm lý đám đông cho tới việc đầu tư theo "tin nóng" tạo ra sự bất ổn.

Nhưng càng về sau, nhà đầu tư càng thay đổi. "Nhiều khi thị trường đi ngang còn tạo ra cơ hội tốt hơn cả lúc VN-Index tăng mạnh", ông Minh nhận định. Dòng tiền thông minh hơn, phân hóa hơn mang lại nhiều cơ hội dù VN-Index có tăng hay giảm.

Còn ông Huỳnh Minh Tuấn – nay đã là Giám đốc môi giới hội sở của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, có một điều may mắn là thời điểm đó là chưa triển khai giao dịch ký quỹ. Một số công ty chứng khoán cố tình lách luật bằng những hợp đồng hợp tác đầu tư, nhưng mức độ phổ biến không rộng rãi nên nhà đầu tư ít kinh nghiệm không bị thiệt hại quá nhiều.

Theo Minh Sơn - Phương Đông/VNE

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục