“Nữ hoàng trang sức” PNJ đang ngày càng tỏ ra vượt trội

(Kinhdoanhnet) – PNJ đang ngày càng tỏ ra vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh cũng như vượt trội hơn so với chính PNJ của quá khứ, về cả lợi nhuận lẫn hiệu quả kinh doanh.

Lối mòn chạy theo doanh thu

Ngành vàng bạc đá quý tồn tại một lối mòn là chạy theo doanh thu. Các doanh nghiệp vàng bạc đá quý xưa nay luôn tìm cách tăng trưởng doanh thu và coi đó là cách để chiếm lĩnh thị trường và khẳng định vị thế.

Nếu được hỏi doanh nghiệp vàng bạc đá quý nào lớn nhất thị trường Việt Nam thì câu trả lời không ngần ngại là Tập đoàn Doji. Chỉ tính riêng doanh thu thuần của công ty mẹ Doji thì con số này đã lên tới 35.600 tỷ đồng trong năm 2014, tương đương với 1,6 tỷ USD. Doanh thu thuần của Công ty mẹ Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng ở mức rất cao, đạt 16.000 tỷ đồng trong năm 2014. Còn CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đứng thứ 3 với con số “khiêm tốn” hơn nhiều, đạt 9.199 tỷ đồng trong năm 2014.

 

 “Nữ hoàng trang sức” PNJ đang ngày càng tỏ ra vượt trội  - Ảnh 1

Chạy theo doanh thu thông qua kinh doanh vàng miếng khiến tỷ suất lợi nhuận chung giảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro vĩ mô. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, doanh thu cao không đồng nghĩa với lợi nhuận cao. Hẳn là nhiều người sẽ bất ngờ khi lợi nhuận sau thuế năm 2014 của Công ty mẹ Doji chỉ vỏn vẹn 16 tỷ đồng, của Công ty mẹ SJC chỉ là 79 tỷ đồng trong khi của PNJ lên tới 256 tỷ đồng trong năm 2014. Tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2014 của PNJ cũng vượt trội với mức 9,7%, trong khi đó Công ty mẹ Doji chỉ là 0,4% và Công ty mẹ SJC chỉ là 0,7%.

Nguyên nhân là do Doji và SJC vẫn luôn tập trung vào mảng kinh doanh vàng miếng vốn là mảng kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro vĩ mô, trong khi PNJ đã giảm dần tỷ trọng kinh doanh vàng miếng từ lâu và tập trung phát triển mảng kinh doanh trang sức vốn có giá trị gia tăng cao hơn nhiều.

Không ngẫu nhiên khi địa chỉ xem giá vàng trong nước luôn là Doji và SJC bởi 2 doanh nghiệp này là “ông trùm” vàng miếng. Và danh hiệu “nữ hoàng trang sức” của PNJ cũng không phải là tên gọi bừa.

Một mình một lối

Thực ra PNJ cũng có thời kỳ chạy theo doanh thu. Đó là thời kỳ 3 năm 2009 - 2011. Tăng trưởng doanh thu thuần bình quân của PNJ năm 2009 lên tới 145%, trong khi đó năm 2010 và năm 2011, con số này cũng ở mức cao, lần lượt là 34% và 31%.

 

 “Nữ hoàng trang sức” PNJ đang ngày càng tỏ ra vượt trội  - Ảnh 2

Doanh thuần và Tỷ suất lợi nhuận gộp của PNJ trong vòng 10 năm trở lại đây. Ảnh : T.L

Đồ thị trên cho thấy, kết quả kinh doanh của PNJ phân tách làm 2 thời kỳ rất rõ. Thời kỳ thứ nhất là giai đoạn 2006 – 2011, doanh thu thuần của PNJ tăng đều đặn với tốc độ rất nhanh nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp cũng có xu hướng giảm dần rõ rệt.

Thời kỳ thứ hai là giai đoạn 2012 – 2015, doanh thu thuần của PNJ lúc tăng lúc giảm, trong khi đó tỷ suất lợi nhuận gộp lại có xu hướng tăng và tăng rất nhanh, đặc biệt trong giai đoạn 2013 – 2015 và cả 6 tháng đầu năm 2016.

Nguyên nhân là thời kỳ 2006 – 2011, doanh thu của PNJ vẫn còn khá nhỏ so với các đại gia vàng bạc đá quý khác nên việc công ty này tập trung vào phát triển doanh thu cũng là điều dễ hiểu. Đặc biệt, trong giai đoạn 2009 – 2011, PNJ rất thành công trong việc phát triển mảng kinh doanh vàng miếng và xuất khẩu vàng, khiến doanh thu thuần của công ty này tăng một mạch từ 4.178 tỷ đồng thời điểm kết thúc năm 2008 lên mức 17.963 tỷ đồng thời điểm kết thúc năm 2011. Vì rằng tỷ suất lợi nhuận của mảng kinh doanh vàng miếng rất thấp nên khi tỷ trọng doanh thu vàng miếng càng tăng cao thì càng kéo tỷ suất lợi nhuận chung của PNJ giảm xuống.

Tuy nhiên, đến năm 2012, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP vào ngày 03/04/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó nội dung chủ yếu là siết chặt hoạt động kinh doanh vàng miếng và hoạt động xuất khẩu vàng thì cũng là lúc doanh thu thuần của PNJ giảm rất mạnh, từ mức 17.963 tỷ đồng năm 2011 xuống còn 6.716 tỷ đồng năm 2012. Đó cũng là thời điểm bắt đầu thời kỳ phát triển thứ hai của PNJ với đặc trưng doanh thu hàng năm lên xuống thất thường nhưng tỷ suất lợi nhuận lại liên tục tăng cao. Tỷ suất lợi nhuận gộp của các năm 2012, 2013, 2014, 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 lần lượt là 8,9%, 7,5%, 9,7%, 15,2% và 17,3%. Nguyên nhân là PNJ tập trung vào phát triển thế mạnh cốt lõi là mảng trang sức, đặc biệt là phân khúc thị trường trung và cao cấp, khiến tỷ suất lợi nhuận của công ty này ngày càng tăng cao và ngày càng vượt trội so với các công ty cùng ngành.

Tỷ suất lợi nhuận ngày càng tăng cao đương nhiên sẽ phản ánh trong kết quả kinh doanh của PNJ. Nếu như ở thời kỳ đỉnh cao doanh thu là năm 2011, PNJ đạt 17.963 tỷ đồng doanh thu thuần và 318 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế thì năm 2014, PNJ chỉ tạo ra 9.199 tỷ đồng doanh thu thuần nhưng lại đem về tới 335 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đáng ra năm 2015, lợi nhuận của PNJ còn bỏ xa thời kỳ đỉnh cao doanh thu 2011 hơn nữa nếu như công ty này không phải trích lập khoản dự phòng rủi ro khi đầu tư vào DongABank lên tới 300 tỷ đồng. Năm 2016 hứa hẹn sẽ là năm kỷ lục lợi nhuận của PNJ khi chỉ trong 6 tháng đầu năm, công ty này đã ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế lên tới 304,5 tỷ đồng.

Thành quả của sự vượt trội dành cho PNJ không chỉ là lợi nhuận cao, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường trang sức, đặc biệt là phân khúc trung và cao cấp mà còn khiến giá cổ phiếu của công ty này tăng chóng mặt. Chỉ trong vòng nửa năm, thị giá cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đã tăng gần gấp đôi, từ mức 42.200 đồng/cổ phiếu tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 08/01/2016 lên mức 81.000 đồng/cổ phiếu tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 08/07/2016.

Tùng Lâm

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục