Sự cố MTM và câu chuyện cổ phiếu “ruồi” trên UPCoM

Việc Cơ quan an ninh điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Trần Hữu Tiệp, Chủ tịch HĐQT của MTM lại một lần nữa dấy lên dư luận về thái độ của cơ quan quản lý lẫn nhà đầu tư đối với các cổ phiếu “hạng ruồi” trên sàn UPCoM.

MTM từng là cái tên gây bão thị trường chứng khoán vào giữa tháng 6 năm nay. Được đưa lên giao dịch trên UPCoM từ giữa tháng 4/2016 và nhanh chóng trở thành một trong những cổ phiếu được mua bán sôi động nhất, song đến tháng 6/2016, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa ra thông báo về việc tạm ngừng giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM đối với 31 triệu cổ phiếu MTM từ ngày 20/6/2016.

Lý do tạm ngừng giao dịch là HNX xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp nhận. Trường hợp ngừng giao dịch này căn cứ theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 9, Quy chế Đăng ký giao dịch.

Sự cố MTM đã gây ra phản ứng dữ dội trong dư luận. Những nhà đầu tư đã lỡ mua cổ phiếu MTM trước đó, giờ không có chỗ mua bán đã khiếu nại khắp nơi, tạo sức ép đối với cả Công ty lẫn các cơ quan quản lý nhà nước.

Sau đó, một số thông tin khác tiếp tục gây hoang mang cho nhà đầu tư, như việc công ty này đã tạm ngừng hoạt động, trụ sở Công ty tại Vinh là một quán ăn… Trước những thông tin gây hoang mang đó, các nhà đầu tư đã lỡ “ôm bom” vẫn tiếp tục lên tiếng chỉ trích kịch liệt và buộc tội đây là công ty ma, lừa đảo.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến bình tĩnh hơn khi đưa ra phân tích 2 khả năng có thể xảy ra: nếu MTM đúng là một công ty ma, lên sàn để lừa đảo thì cần sự vào cuộc của các cơ quan pháp luật; nếu Công ty có những thay đổi trụ sở, báo cáo thuế, nhưng chậm công bố thông tin, thì chỉ là vi phạm quy định công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Sau sự cố trên, phía MTM cũng đã bắt đầu có những động thái khắc phục tình hình, như thay đổi một số nhân sự chủ chốt, chuyển trụ sở Công ty từ Nghệ An ra Hà Nội, lần lượt công bố báo cáo tài chính năm 2015, quý I và quý II/2016… Mặc dù các con số trong báo cáo tài chính cho thấy những thông tin rất đáng thất vọng, nhưng dù sao, việc có công bố thông tin cũng là một động thái tích cực hơn so với trước đây.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý II/2016, Công ty lỗ ròng hơn 1 tỷ đồng và lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm hơn 2 tỷ đồng, doanh thu 6 tháng đầu năm gần như không có. Ngoài ra, công ty này cũng đang triệu tập Đại hội đồng cổ đông để tìm phương án thoát khỏi khủng hoảng hiện nay.

Ở góc độ nhà đầu tư, bài học từ MTM cũng đã đánh lên tiếng chuông cảnh báo phải thận trọng trong việc đầu tư vào các cổ phiếu sàn UPCoM. Nhiều ý kiến cho rằng, sàn UPCoM không phải là sàn niêm yết, mà là nơi giao dịch cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa niêm yết, theo đó các quy định về việc đưa cổ phiếu lên giao dịch cũng như các yêu cầu đối với doanh nghiệp đơn giản hơn rất nhiều so với quy định niêm yết trên sở giao dịch chính thức.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, mục tiêu ban đầu khi xây dựng thị trường UPCoM là tạo nơi giao dịch cho các chứng khoán chưa niêm yết, thu hẹp thị trường tự do (OTC). Trước đây, khi chưa có thị trường UPCoM, giao dịch của thị trường tự do đã từng xảy ra vô số kiểu “tai nạn” khác nhau (giá cả không đồng nhất, mua nhưng không nhận được cổ phiếu, bán không lấy được tiền, tung tin thất thiệt, lừa đảo…). Khi ra đời, thị trường UPCoM đã hạn chế đáng kể những rủi ro đó.

Ở góc độ cơ quan tổ chức thị trường là HNX, để tránh việc đánh lận con đen, tốt xấu lẫn lộn, cơ quan này đã thực hiện phân bảng cổ phiếu trên UPCoM. Theo đó, những cổ phiếu đạt chuẩn đã được đưa vào bảng UPCoM Premium, trong khi những cổ phiếu chất lượng kém được đưa sang nhóm Cảnh báo nhà đầu tư.

Theo HNX, việc phân tách các nhóm cổ phiếu thông qua sức khỏe doanh nghiệp cũng là một cách để cung cấp thêm thông tin cho nhà đầu tư tham khảo nhằm hạn chế rủi ro trước quyết định đầu tư.

Trong bối cảnh hiện nay, giới chuyên môn cho rằng, việc tiếp tục nghiên cứu đưa ra thêm các công cụ giám sát trên UPCoM nhằm bảo vệ nhà đầu tư là cần thiết, nhưng cũng không thể nâng tiêu chuẩn UPCoM quá cao để biến thành một sàn niêm yết thứ 3. Lý do là, nếu đưa ra các quy định quá chặt đối với UPCoM, thì vai trò của UPCoM sẽ không còn, không thu hút được các doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên UPCoM và như vậy mục tiêu thu hẹp thị trường tự do sẽ bị tắc nghẽn.

Theo Chí Tín/Báo Đầu Tư

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục