Tăng thanh khoản cho thị trường, hướng đến sự phát triển bền vững

Để thúc đẩy nền kinh tế, không chỉ đẩy mạnh cổ phần hóa, nhà nước nên thoái vốn tại các doanh nghiệp, đồng thời mạnh tay nâng tỉ lệ sở hữu nước ngoài (nới room) để thu hút nhà đầu tư, tăng thanh khoản cho thị trường chứng khoán.

Để thu hút được nhà đầu tư tham gia thị trường, phải kết hợp tổng lực nhiều giải pháp từ cơ quan quản lý, thành viên tham gia thị trường, tổ chức trung gian… Trong đó, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, chủ động thoái vốn.

Tăng thanh khoản cho thị trường, hướng đến sự phát triển bền vững - Ảnh 1

Thực tế thị trường

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Phát triển của HOSE cho biết, thanh khoản của TTCK Việt Nam còn quá bé so với các nước trong khu vực, điều này làm kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài.

Theo báo cáo của HOSE, giá trị vốn hóa và giá trị giao dịch của TTCK Việt Nam hiện thấp nhất so với các thị trường trong khu vực, chỉ đạt 40 tỷ USD về vốn hóa và 50 triệu USD giá trị giao dịch/ngày. Nếu tính về giá trị quay vòng chứng khoán để loại đi yếu tố về quy mô thị trường, Việt Nam cũng chỉ đứng trên Philippines. Trong đó, quy mô các công ty niêm yết nhỏ, phần lớn là các doanh nghiệp có giá trị vốn hóa dưới 50 triệu USD, chỉ có khoảng 10 công ty có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD và 22 công ty có giá trị vốn hóa trên 500 triệu USD. So với thị trường Philippines, mặc dù chỉ có 257 công ty niêm yết, nhưng vốn hóa thị trường gấp gần 7 lần so với thị trường Việt Nam.

Từ đầu năm đến nay, số cổ phiếu niêm yết mới trên thị trường đã chững lại. Năm 2013, chỉ có 4 doanh nghiệp (DN) niêm yết trong khi có đến 15 DN bị hủy niêm yết. Năm tháng đầu năm 2014, tiếp tục có thêm 4 DN nữa rời sàn.

Từ đầu năm 2014, giao dịch bình quân phiên tăng từ 50 triệu USD năm 2013 lên 100 triệu USD 5 tháng đầu năm. Trong đó, nhóm VN30 chiếm 56% giá trị giao dịch toàn thị trường, VNMidcap 20% và VNSmallcap 12%. Nếu xét theo từng công ty, thanh khoản sẽ nhỏ hơn nhiều.

Ngoài ra, lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung cũng giảm gần 32% so cùng kỳ năm ngoái. Đó là chưa kể quy mô DN niêm yết hiện vẫn còn quá nhỏ. Cả 2 sàn chỉ có 10 DN vốn điều lệ trên 1 tỉ USD, 6 công ty có vốn từ 500 triệu đến 1 tỉ USD trong khi lại có đến gần 300 DN có vốn dưới 50 triệu USD.

Đặt vấn đề về tầm quan trọng của thanh khoản trên thị trường, ông Johan Nyvene, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán TP HCM (HSC), nói: "Kỳ đại hội cổ đông hồi tháng 4 vừa qua, giá trị giao dịch mỗi phiên lên đến 3.500-4.000 tỷ đồng nên chúng tôi buộc phải tăng kế hoạch lợi nhuận năm 2014 lên theo ý kiến của cổ đông.

Nhưng những ngày qua, thanh khoản thị trường bất ngờ giảm, giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay chỉ còn khoảng 2.200 tỷ đồng/phiên. Và tình hình èo uột tiếp tục vài ngày gần đây với chỉ hơn 1.000 tỷ đồng, nếu còn kéo dài, chắc chắn chúng tôi sẽ không đạt kế hoạch".

Thanh khoản thị trường được nhận định sẽ không thu hút được các NĐT tổ chức, các quỹ đầu tư nước ngoài cho dù nhận thấy có nhiều cơ hội hấp dẫn từ các DN niêm yết.

Ông Lê Hải Trà - thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc HOSE - cho rằng thanh khoản là thước đo niềm tin của NĐT đối với DN. "NĐT có tin tưởng thì họ mới mua vào, vì vậy tính công khai, minh bạch từ các DN niêm yết cũng tác động rất lớn đến thanh khoản" - ông Lê Hải Trà nhấn mạnh.

Giải pháp để tăng tính thanh khoản cho thị trường

Tăng biên độ hay kéo dài thời gian giao dịch?

Khi nói đến giải pháp tăng thanh khoản, giải pháp được nhiều nhà đầu tư đề cập đến là tăng biên độ giao dịch và kéo dài thời gian giao dịch. Tuy nhiên, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho rằng, giải pháp này hiện chưa hợp lý khi các biện pháp kiểm soát hay cơ chế ngắt mạch tự động chưa được tốt, nhất là khi thị trường chịu tác động của những thông tin nhạy cảm như vừa qua.

“Không cần kéo dài thời gian giao dịch, biên độ có thể nới thêm, nhưng hiện tại mức 7 - 10% là phù hợp”, Giám đốc Công ty quản lý quỹ MB đánh giá.

Nói về rào cản kỹ thuật giao dịch, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC ông Johan Nyvene cho biết, những nhà đầu tư tổ chức nước ngoài kiến nghị xem xét yêu cầu ký quỹ. Theo ông Johan Nyvene, các nhà đầu tư này, họ đã quen với thị trường khớp lệnh trước, sau đó đến ngày thanh toán mới gửi tiền đi. Việc quản lý tiền, chứng khoán được thực hiện qua ngân hàng lưu ký toàn cầu và qua ngân hàng lưu ký địa phương, nên nếu phải chia tiền ra để ở các nơi thì thanh khoản sẽ thấp. Nhà đầu tư nước ngoài cũng thiệt thòi hơn so với nhà đầu tư cá nhân khi không thể mở nhiều tài khoản để mua bán 1 cổ phiếu trong cùng một phiên. Đối với nhà đầu tư giao dịch qua một môi giới ở nước ngoài thì khi có lệnh mua bán cùng loại chứng khoán trong phiên, nếu có 2 nhà đầu tư cùng đặt lệnh thì chỉ có một lệnh được khớp.

Tăng thanh khoản cho thị trường, hướng đến sự phát triển bền vững - Ảnh 2

Tăng thanh khoản cho trái phiếu doanh nghiệp

Trong khi đó, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) đề xuất, nên có cơ chế giao dịch như cổ phiếu dành cho trái phiếu doanh nghiệp chuyển đổi, để tăng thanh khoản, nhằm thu hút nhà đầu tư vào kênh đầu tư an toàn, với lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm.

“Chúng tôi sắp phát hành trái phiếu và đã trả phí cho ngân hàng để bất cứ lúc nào trái chủ cũng có thể thế chấp trái phiếu vay vốn. Nếu trái phiếu được giao dịch như cổ phiếu, nhà đầu tư có vốn vài chục triệu cũng có thể tham gia thị trường”, ông Bình nói.

Đồng tình với ý kiến này, Tổng giám đốc MB Capital ông Phan Phương Anh cho biết, MB Capital thành lập quỹ mở trái phiếu mục tiêu là hút vốn nhà đầu tư cá nhân. Nhưng quy định hiện nay chỉ cho phép Quỹ đầu tư trái phiếu Chính phủ, lợi suất không cao (khoảng 10,2%/năm trong năm 2013 và 5 tháng đầu năm là 11%/năm) nên khó thu hút nhà đầu tư cá nhân trong nước tham gia.

“Kiến nghị Bộ Tài chính nới quy định cho quỹ mở trái phiếu được đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết”, ông Phương Anh đề xuất, đồng thời kiến nghị nên có giải pháp khuyến khích nhà đầu từ cá nhân tham gia vào quỹ, như chính sách miễn giảm thuế…

Theo thống kế của HOSE, hiện 74% giá trị giao dịch trên thị trường đến từ nhà đầu tư trong nước, chỉ 15% đến từ nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và 10% từ tổ chức đầu tư trong nước. Cơ cấu giao dịch ở thị trường đã phát triển là 30% cá nhân và 70% là tổ chức.

Tăng minh bạch thông tin

Tăng thanh khoản, tăng quy mô thị trường là một trong các điều kiện để tổ chức MSCI quyết định nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên nhóm thị trường mới nổi. Nhưng để có thể nâng hạng, các chủ thể tham gia thị trường cần nỗ lực để đáp ứng hàng loạt các tiêu chí của tổ chức này. Trong đó, nâng cao quản trị công ty, quản trị rủi ro tại tổ chức phát hành cũng như CTCK và minh bạch hóa thông tin là hai vấn đề nhà đầu tư quan ngại nhất.

Ông Sơn cho biết, sắp tới UBCK sẽ sửa quy định cung cấp thông tin bằng tiếng Anh của doanh nghiệp niêm yết quy mô vốn lớn từ khuyến khích sang bắt buộc. Hiện UBCK đã làm việc với các đối tác để dịch tất cả các quy định liên quan đến thị trường vốn, đưa lên website của Ủy ban. Các quy định về quản trị công ty cũng liên tục được sửa đổi hướng đến tiêu chuẩn quốc tế.

Nói về việc minh bạch thông tin, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT CTCP Cơ điện lạnh (REE) băn khoăn, có những thương vụ đang trong quá trình đàm phán, công ty không dám công bố sớm vì kết thúc có thể thành công hoặc không. Nhưng theo ông Bình, nếu không công bố ngay từ khi khởi đầu một thương vụ thì thị trường sẽ luôn giao dịch trong nghi ngờ. Nếu vì lý do nào đó mà thương vụ không thành, công ty cũng công bố và giải thích lý do rõ ràng.

“Nhà đầu tư đủ tỉnh táo để hiểu thông tin đó là thông tin thực chứ không phải là tạo ra cầu ảo”, ông Bình nói.

Cổ đông Nhà nước: thoái vốn xuống dưới 65%

Nâng hạng cho TTCK Việt Nam là điều mà cả nhà đầu tư cũng như các cơ quan quản lý thị trường mong muốn. Và một trong những giải pháp có thể tác động nhanh và trực tiếp đến thanh khoản thị trường, được các thành viên thị trường nhấn mạnh đến đó là vai trò của cổ đông Nhà nước.

“Nhiều doanh nghiệp quy mô vốn lớn được nhà đầu tư quan tâm, nhưng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp chỉ 10 - 30%, cổ đông Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ lớn. Đây là bất cập lớn nhất của TTCK Việt Nam so với các thị trường khác trong khu vực, đồng thời đây cũng là bất cập của các DNNN sau cổ phần hóa”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, nếu cổ đông Nhà nước nắm giữ tỷ lệ quá lớn trong doanh nghiệp, sẽ làm triệt tiêu quản trị công ty khi với tỷ lệ đó, Nhà nước có thể thông qua mọi quyết định tại doanh nghiệp. Vì thế, trước tiên cổ đông Nhà nước cần thoái bớt vốn xuống dưới 65% để không thể tự quyết hết các vấn đề. Nhà nước cũng cần thoái vốn ở các công ty lớn ở những ngành, lĩnh vực đã IPO mà Nhà nước không cần nắm quyền chi phối theo chủ trương chung.

Ông Johan Nyvene đề xuất, khi cần thời gian để thực hiện các giải pháp khác thì giải pháp cơ học là tăng số công ty niêm yết, tăng số cổ phiếu có thể giao dịch. Theo đó, cần có quy định chế tài buộc các công ty sau cổ phần hoá, IPO phải đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường tập trung.

Được biết, tới đây, Chính phủ sẽ có quy định cơ chế để DNNN thoái vốn dưới giá vốn, đảm bảo theo giá thị trường thay vì thoái vốn nhưng bảo toàn vốn đầu tư ban đầu như hiện nay.

Một diễn đàn bàn về nâng cao tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán đã được Sở GDCK TP.Hồ Chí Minh (HSX) tổ chức chiều 6/6 tại TP.HCM. Diễn đàn có sự tham dự của đại diện UBCKNN, đại diện của các công ty niêm yết thuộc rổ VN100, các công ty chứng khoán thành viên, công ty quản lý quỹ, ngân hàng lưu ký….

Diễn đàn được kỳ vọng sẽ là cơ hội để các thành viên thị trường trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp cải thiện, bổ sung quy định, chính sách với các cơ quan quản lý thị trường nhằm hoàn thiện hơn cơ chế hoạt động thị trường, hướng đến sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam.

N.N.(Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục