Thấy gì từ báo cáo tài chính của “đại gia” ô tô Hoàng Huy?

(Kinhdoanhnet) – Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015. Theo đó, quy mô của công ty này tăng gấp đôi trong năm 2015 nếu tính theo giá trị tài sản và tăng gấp 3,69 lần nếu tính theo vốn chủ sở hữu. Đây là cơ hội lớn đối với “đại gia” ô tô Hoàng Huy nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức trong tương lai.

Tài sản phình to

Năm 2015 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy khi hầu hết các chỉ số tài chính của công ty này đều rất ấn tượng, đặc biệt là về tăng trưởng tài sản. Kết thúc năm 2015, tổng tài sản của Hoàng Huy tăng gấp đôi, từ mức 1.441 tỷ đồng lên mức 2.937 tỷ đồng. Điểm tích cực là ở chỗ, nguyên nhân chủ yếu của việc tăng gấp đôi tài sản này lại đến từ việc gia tăng nguồn vốn chủ sở hữu chứ không phải đến từ việc gia tăng nợ.

Thấy gì từ báo cáo tài chính của “đại gia” ô tô Hoàng Huy? - Ảnh 1
 

Cơ cấu nguồn vốn của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy 5 năm gần đây. Đơn vị: tỷ đồng

Trong năm 2015, vốn chủ sở hữu của Hoàng Huy tăng gấp 3,69 lần, từ mức 747 tỷ đồng lên mức 2,761 tỷ đồng. Sự gia tăng ngoạn mục này chủ yếu đến từ đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 thu về 1,109 tỷ đồng và đợt hoán đổi hơn 47,8 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy với CTCP Phát triển dịch vụ Hoàng Giang, biến Hoàng Giang trở thành công ty con của Hoàng Huy và đương nhiên, vốn chủ sở hữu của Hoàng Giang cũng hợp nhất với Hoàng Huy. Xét trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu của Hoàng Huy bình quân đạt mức 94%/năm, một tốc độ tăng trưởng rất cao.

Rất có thể, trong những năm tiếp theo, tổng tài sản của Hoàng Huy sẽ tiếp tục phình to khi nợ phải trả năm 2015 của công ty này chỉ bằng 6,37% vốn chủ sở hữu, trong khi bình quân 4 năm về trước, tỷ lệ này là 51%. Việc tổng tài sản đột ngột phình to và sẽ tiếp tục phình to trong tương lai không phải là điều xấu, nhất là đối với trường hợp của Hoàng Huy. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra vấn đề nan giải trong việc sử dụng vốn đối với lãnh đạo công ty này. Hoạt động kinh doanh chính của Hoàng Huy là buôn bán ô tô sẽ khó lòng mở rộng với tốc độ nhanh do nhu cầu thị trường không thay đổi nhiều, trong khi cạnh tranh trên thị trường này hiện đang rất gay gắt. Ngoài việc đầu tư vào hoạt động kinh doanh chính thì nhiều khả năng, lượng vốn “khủng” này sẽ được Hoàng Huy sử dụng để đầu tư vào ngành khác hoặc/và thực hiện các thương vụ M&A trong tương lai. Việc đầu tư ngoài ngành hay theo đuổi các thương vụ M&A luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường trước được.

Tồn kho tăng vọt

Đầu năm 2015, tổng giá trị hàng tồn kho của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy ở mức 214,5 tỷ đồng. Đến cuối năm, con số này của Hoàng Huy tăng gấp 3,8 lần, đạt mức 817,4 tỷ đồng.

Thấy gì từ báo cáo tài chính của “đại gia” ô tô Hoàng Huy? - Ảnh 2
 

Giá trị tồn kho của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy 5 năm gần đây. Đơn vị: tỷ đồng

Nguyên nhân hàng tồn kho của Hoàng Huy tăng vọt chủ yếu là do công ty này vừa hợp nhất với CTCP Phát triển dịch vụ Hoàng Giang vốn cũng là một doanh nghiệp kinh doanh ô tô, đồng thời Hoàng Huy cũng nắm trong tay lượng vốn lớn hơn 1.000 tỷ đồng sau khi phát hành cổ phiếu thì việc mở rộng kinh doanh, gia tăng tồn kho cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, giá trị tồn kho hàng hóa của Hoàng Huy tăng gấp 8 lần trong năm 2015, từ mức 36,2 tỷ đồng lên mức 289 tỷ đồng, tăng nhanh hơn nhiều so với mức tăng 3,2 lần của giá trị tồn kho hàng gửi bán. Nếu như tỷ lệ bình quân tồn kho hàng hóa so với tổng giá trị tồn kho của 4 năm trước là 13,3% thì tỷ lệ này năm 2015 của Hoàng Huy là 35,4%.  Đây có thể là dấu hiệu không mấy tích cực trong tình hình tài chính vốn rất sáng sủa trong năm qua của Hoàng Huy, vì việc tồn kho hàng hóa nhiều không chỉ khiến chi phí quản lý tồn kho gia tăng mà công ty còn phải chịu nhiều rủi ro về sự thay đổi giá bán, về hao mòn tài sản và tổn thất sẽ lớn hơn khi chính sách thay đổi theo hướng tiêu cực. Một trong những giải pháp phổ biến cho tình trạng này là “đẩy” lượng hàng hóa này đi gửi bán. Tuy nhiên, như đã nói, việc “đẩy” lượng hàng hóa này đi gửi bán khó lòng đạt tốc độ nhanh khi nhu cầu thị trường không đổi nhiều và thị trường này cũng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt.

Có thể thấy, những vấn đề về tài sản phình to hay tồn kho tăng vọt chưa phải là vấn đề lớn đối với “đại gia” ô tô Hoàng Huy. Nhưng nắm giữ trong tay một lượng vốn lớn, chắc hẳn các cổ đông của Hoàng Huy sẽ kỳ vọng lãnh đạo công ty này có thể sử dụng nguồn vốn của họ một cách hợp lý để đưa Hoàng Huy lên một vị thế mới trong ngành ô tô.

Tùng Lâm

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục