TMT: Kết quả kinh doanh đi xuống, hơn một nửa tài sản là tiền vay ngắn hạn

(Kinhdoanhnet) – Theo BCTC Quý 3/2016, doanh thu riêng Quý 3 và luỹ kế 9 tháng đầu năm của TMT có sự sụt giảm đáng kể, nguyên nhân là do việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn dẫn tới doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh.

Công ty Cổ phần ô tô TMT (TMT) mới đây đã công bố BCTC Quý 3/2016 với tình hình kết quả kinh doanh của công ty có dấu hiệu đi xuống so với cùng kỳ năm 2015.

Cụ thể, tính cho đến hết ngày 30/9/2016, tổng tài sản TMT ước đạt hơn 2.232 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Tính riêng trong Quý 3/2016, TMT đạt 527 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm mạnh 40% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó giá vốn hàng bán cũng có xu hướng giảm xuống còn 466 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận gộp của TMT trong Quý 3 giảm gần 1 nửa so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn đạt 61 tỷ đồng.

Đáng chú ý trong Quý 3/2016, ghi nhận khoảng tăng tới gần 20 tỷ tiền chi phí lãi vay của TMT. Cụ thể, riêng Quý 3 TMT phải chi trả tới 28 tỷ đồng tiền lãi vay, trong khi con số này cùng kỳ năm 2015 chỉ là gần 9 tỷ đồng. Những kết quả kinh doanh đi xuống ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận thuần của TMT khiến lãi trước thuế trong Quý 3 công ty chỉ đạt vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt gần 51 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của TMT đạt 2.005 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2015. Lãi trước thuế ước đạt vỏn vẹn 61 tỷ đồng, chỉ bằng ¼ lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2015.

 

TMT: Kết quả kinh doanh đi xuống, hơn một nửa tài sản là tiền vay ngắn hạn - Ảnh 1

Kết quả kinh doanh Quý 3 và luỹ kế 9 tháng đầu năm của ô tô TMT. Ảnh: QT.

Nguyên nhân TMT đưa ra cho sự sụt giảm doanh thu thời gian qua là do trong tháng 2/2016, TMT có ký hợp tác độc quyền với nhà sản xuất sản phẩm ô tô Sinotruk nhập linh kiện để lắp ráp. Tuy nhiên, trong kỳ do chính sách kiểm soát dòng xe tải nhập khẩu nguyên chiếc từ các nhà cung cấp xuất khẩu làm giá xe tải nhập khẩu nguyên chiếc thấp hơn giá thực tế khiến lượng tiêu thụ xe tải của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp như TMT sụt giảm nặng. Điều này là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của TMT trong 9 tháng đầu năm 2016.

Ngoài ra, tính tới hết ngày 30/9/2016, TMT có tổng cộng 83 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn. Trong khi giá trị lượng hàng tổn kho lên tới 1.633 tỷ đồng, phần lớn là hàng gửi đi bán với giá trị 655 tỷ đồng và giá trị thành phẩm là 484 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo kết quả kinh doanh của TMT là tính cho tới ngày 30/9/2016, tổng các khoản vay và nợ thuê tài chính của TMT lên tới 1.318 tỷ đồng, trong đó hơn 1.299 tỷ đồng là tiền vay ngắn hạn sắp đến hạn trả, chiếm gần 60% tổng tài sản của TMT và 19 tỷ đồng là tiền vay dài hạn.

Các khoản vay ngắn hạn của TMT phần lớn là các khoản vay ngắn hạn tại các ngân hàng như Agribank 174 tỷ đồng, BIDV 600 tỷ đồng, Vietcombank 250 tỷ đồng, Vietinbank 26 tỷ đồng, TPBank 178 tỷ đồng, Techcombank 31 tỷ đồng, HDBank 23 tỷ đồng và các khoản nợ dài hạn đến hạn trả là gần 8 tỷ đồng, 9 tỷ đồng là vay đối tượng khác.

 

TMT: Kết quả kinh doanh đi xuống, hơn một nửa tài sản là tiền vay ngắn hạn - Ảnh 2

Tính tới ngày 30/9/2016, TMT đi vay tới 1.318 tỷ đồng, trong đó hơn 1.299 tỷ đồng là vay ngắn hạn sắp đến hạn trả, tương đương 60% tổng tài sản công ty. Ảnh: QT.

Hầu hết các khoản vay ngắn hạn đều là các khoản phát sinh trong kỳ 9 tháng đầu năm 2016. Trừ một số khoản nợ tại Vietinbank đầu năm là 121 tỷ đồng, TMT đã hoàn trả gần xong và còn nợ lại 26 tỷ đồng tại ngày 30/9/2016, cùng với khoản nợ tại Agribank còn lại 174 tỷ đồng, đầu năm là 388 tỷ đồng.

Trong khi kết quả kinh doanh đang đi xuống rõ rệt thì các khoản vay vẫn tăng lên, khối lượng các khoản vay quá lớn, chiếm tới 60% tổng tài sản công ty. Vì vậy nếu tình hình kinh doanh trong Quý 4/2016 và đầu năm 2017 không tiến triển tốt hơn, rất có thể TMT sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết các khoản nợ vay  đến hạn trong năm 2017.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục