Tôn Hòa Phát – khi “gã khổng lồ” không thể ngồi yên

(Kinhdoanhnet) – Chi 1.000 tỷ thành lập Công ty TNHH Tôn Hòa Phát và chi 4.000 tỷ xây dựng nhà máy tôn mạ công suất 400.000 tấn/năm, thị trường tôn màu mỡ đang khiến “gã khổng lồ” Hòa Phát không thể ngồi yên.

Mảnh đất màu mỡ

Mới đây, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã thông qua phương án thành lập Công ty TNHH MTV Tôn Hòa Phát với vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, Tập đoàn này cũng chi ra 4.000 tỷ đồng, trong đó vốn cố định khoảng 2.000 tỷ đồng để đầu tư nhà máy sản xuất tôn mạ màu 400.000 tấn/năm. Những động thái này cho thấy, Hòa Phát đang có những bước đi xâm nhập thị trường tôn nói chung và thị trường tôn mạ nói riêng rõ ràng và mãnh liệt đến thế nào.

 

Tôn Hòa Phát – khi “gã khổng lồ” không thể ngồi yên - Ảnh 1

“Ông trùm” ngành thép Hòa Phát chi hàng nghìn tỷ đồng để xâm nhập ngành tôn. Ảnh: Internet

Thị trường tôn mạ Việt Nam hiện nay bị thống trị bởi 5 doanh nghiệp, bao gồm: Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim, Tôn Đông Á, Tôn Phương Nam và Sun Steel. Trong đó, Tập đoàn Hoa Sen là đơn vị thống lĩnh thị trường với thị phần thường xuyên được duy trì ở quanh mức 35%.

Đáng chú ý, trong quý I/2016, hai doanh nghiệp thống trị ngành tôn mạ là Tập đoàn Hoa Sen và Thép Nam Kim đều có mức tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc. Cụ thể, theo báo cáo tài chính riêng quý II niên độ tài chính 2015 – 2016 của Tập đoàn Hoa Sen từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/03/2016, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của Tập đoàn Hoa Sen đạt tới 265,92 tỷ đồng, gấp 5,6 lần cùng kỳ niên độ tài chính 2014 – 2015. Thêm vào đó, tập đoàn này cũng công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu NĐTC 2015 – 2016 với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt tổng cộng 605 tỷ đồng, hoàn thành 91,67% kế hoạch cả niên độ.

 

Tôn Hòa Phát – khi “gã khổng lồ” không thể ngồi yên - Ảnh 2

Lợi nhuận quý I/2016 của 2 doanh nghiệp thống trị ngành tôn là Tập đoàn Hoa Sen và Thép Nam kim đều tăng trưởng vượt bậc. Ảnh: Internet

Trong khi đó, CTCP Thép Nam Kim cũng không chịu thua kém khi trong quý I/2016, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn này đã đạt 65,89 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm ngoái. Tất nhiên con số tuyệt đối này không thể sánh với Hoa Sen, tuy nhiên, việc lợi nhuận sau thuế quý I/2016 gấp 3,2 lần lợi nhuận sau thuế quý I/2015 cũng là một kỳ tích với Nam Kim.

Trước một thị trường màu mỡ như vậy thì hẳn “ông trùm” ngành thép Việt Nam không thể ngồi yên, nhất là khi tiềm lực tài chính của Hòa Phát là vượt trội so với ngay chính Tập đoàn Hoa Sen – đơn vị đang thống trị ngành tôn mạ Việt Nam hiện nay chứ chưa nói đến các đơn vị khác. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Hòa Phát tại thời điểm kết thúc năm 2015 là 14.466 tỷ đồng, gấp 4,5 lần con số 3.213 tỷ đồng của Tập đoàn Hoa Sen. Tổng tài sản của Hoa Sen năm 2015 cũng chỉ bằng khoảng 1/3 tổng tài sản của Hòa Phát.

Tôn Hòa Phát soán ngôi?

Nhưng tiềm lực tài chính không phải là tất cả. Để xâm nhập ngành tôn nói chung và ngành tôn mạ nói riêng, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải xây dựng và định vị được thương hiệu cũng như phải thiết lập được kênh phân phối đủ mạnh. Nói ngắn gọn, thương hiệu và kênh phân phối là 2 rào cản cạnh tranh lớn nhất của ngành tôn. Và, “gã khổng lồ” Hòa Phát sở hữu thừa đủ nguồn lực để vượt qua 2 rào cản này.

Hòa Phát hiện đang sở hữu lợi thế cực lớn trong cạnh tranh ngành tôn Việt Nam, đó là thương hiệu. Nếu ai đó nói rằng chưa mấy ai biết đến thương hiệu Tôn Hòa Phát tại thời điểm hiện tại thì quả thật họ nói đúng. Nhưng kể từ thời điểm này trở đi, người tiêu dùng Việt Nam sẽ nhanh chóng làm quen với thương hiệu Tôn Hòa Phát. Đơn giản bởi vì thương hiệu Hòa Phát đã quá quen thuộc với bất kỳ người dân Việt Nam nào, đặc biệt là đối với những người làm trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng. Chỉ cần một vài chiến lược truyền thông bài bản là thương hiệu Tôn Hòa Phát sẽ dễ dàng định vị trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.

 

Tôn Hòa Phát – khi “gã khổng lồ” không thể ngồi yên - Ảnh 3

Thương hiệu Hòa Phát đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam. Ảnh: Hòa Phát Group

Lợi thế thứ hai của Hòa Phát trong cạnh tranh ngành tôn là kênh phân phối. Vốn dĩ Tập đoàn Hòa Phát đã là “ông trùm” trong ngành thép nói riêng và ngành vật liệu xây dựng nói chung. Vì vậy, mối quan hệ hiện tại của Hòa Phát với khách hàng có nhu cầu mua sắm vật liệu xây dựng là rất rộng và sâu, cả trong và ngoài nước, cả chủ thầu xây dựng và khách hàng nhỏ lẻ. Số lượng kênh phân phối nhỏ lẻ của Hòa Phát cũng rải đều khắp các tỉnh thành trên cả nước. Hòa Phát rất dễ dàng có thể tích hợp thêm sản phẩm Tôn Hòa Phát vào các kênh phân phối này cùng với các sản phẩm ống thép và thép xây dựng truyền thống.

Rõ ràng, việc “gã khổng lồ” Hòa Phát mạnh tay chi hàng nghìn tỷ đồng xâm nhập thị trường tôn với thương hiệu Tôn Hòa Phát đang “phả hơi nóng” vào cuộc đua đến ngôi vị số 1 trong ngành tôn Việt Nam vốn khá ảm đạm bởi sự thống trị của Tôn Hoa Sen trong nhiều năm qua.

Tùng Lâm

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục