Vì sao vốn chủ sở hữu của Vigecam giảm đi một nửa chỉ sau 1 năm?

(Kinhdoanhnet) – Vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ - Vigecam giảm từ mức 226,6 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2015 xuống còn 118,5 tỷ đồng thời điểm kết thúc năm 2015. Nguyên nhân vì sao?

Làm ăn bết bát

Năm 2015 là năm đầu tiên Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp – Công ty mẹ (Vigecam) kinh doanh thua lỗ trong vòng 5 năm trở lại đây. Và không những thua lỗ, Vigecam còn thua lỗ rất nặng.

Theo Báo cáo tài chính công ty mẹ 2015 đã kiểm toán của Vigecam thì tổng công ty này đã lỗ tới 57,8 tỷ đồng chỉ trong năm 2015. Đây là con số lỗ rất lớn, bằng tới 1/4 vốn chủ sở hữu của Vigecam thời điểm đầu năm 2015. Điều này đồng nghĩa với việc, vốn chủ sở hữu của Vigecam đã giảm tới 1/4 chỉ sau 1 năm.

 

Vì sao vốn chủ sở hữu của Vigecam giảm đi một nửa chỉ sau 1 năm? - Ảnh 1

Công ty mẹ - Vigecam lỗ rất nặng trong năm 2015. Nguồn: BCTC công ty mẹ kiểm toán 2015, 2014, 2013, 2012 của Vigecam

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lỗ nặng của Vigecam trong năm 2015. Nguyên nhân thứ nhất bắt nguồn từ năng lực kinh doanh yếu kém. Mặc dù doanh thu thuần năm 2015 của Vigecam gấp đôi năm 2014, đạt mức 219 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán lại lên đến 214 tỷ đồng, chiếm tới 97,7% doanh thu thuần năm 2015. Điều này khiến lợi nhuận gộp của Vigecam trong năm 2015 chỉ vỏn vẹn có 5 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng công ty này lại phải “cõng” tới 38,6 tỷ đồng chi phí bán hàng, 11,8 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp.

Nguyên nhân thứ hai đến từ hoạt động tài chính. Năm 2015, chi phí tài chính của Vigecam đột nhiên vọt lên mức 41 tỷ đồng, trong đó chỉ có 3 tỷ đồng là chi phí lãi vay. Vigecam cũng không hề lý giải trong thuyết minh báo cáo tài chính rằng những khoản chi phí tài chính này là những khoản nào mà lớn đến vậy.

Kết thúc năm 2015, Vigecam lỗ thuần tới 82,1 tỷ đồng. Nếu không nhờ khoản lợi nhuận khác 24,3 tỷ đồng thì Vigecam khó lòng “đạt được” mức lỗ 57,8 tỷ đồng.

Định giá lại vốn góp của chủ sở hữu

Nhưng làm ăn bết bát trong năm 2015 mới chỉ khiến cho vốn chủ sở hữu của Vigecam hụt đi 1/4. Vậy 1/4 vốn chủ sở hữu còn lại của Vigecam vì sao lại mất đi?

Câu trả lời là do Vigecam định giá lại vốn góp của chủ sở hữu.

Đầu năm 2015, vốn góp của chủ sở hữu Vigecam là 186,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm kết thúc năm 2015, vốn góp của chủ sở hữu Vigecam chỉ còn 125 tỷ đồng. Nguyên nhân là trong năm 2015, Vigecam đã tiến hành định giá lại số vốn góp này và điều chỉnh giảm 61,7 tỷ đồng.

 

Vì sao vốn chủ sở hữu của Vigecam giảm đi một nửa chỉ sau 1 năm? - Ảnh 2

Định giá lại vốn góp chủ sở hữu khiến vốn chủ sở hữu của Vigecam giảm đi 1/4. Ảnh: T.L

Như vậy, khoản lỗ 57,8 tỷ đồng cộng với khoản điều chỉnh giảm vốn góp của chủ sở hữu 61,7 tỷ đồng đã khiến vốn chủ sở hữu của Vigecam giảm tới 119,5 tỷ đồng trong năm 2015. Cũng may là nhờ khoản tăng do chênh lệnh đánh giá lại tài sản (12,3 tỷ đồng) và khoản tăng do phân loại lại và trích quỹ đầu tư phát triển (6,7 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu cuối năm 2015 mới được ở mức 118,5 tỷ đồng, bằng 52% con số 226,6 tỷ đồng hồi đầu năm 2015.

Ở thời điểm kết thúc năm 2015, Vigecam vẫn là một Tổng công ty Nhà nước với 100% vốn góp của Nhà nước. Vậy ai là người phải chịu trách nhiệm trước việc vốn Nhà nước bị giảm đi cả trăm tỷ đồng tại Vigecam chỉ trong năm 2015?

Kình Dương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục