Cổ phần Sabeco hấp dẫn, còn Habeco ra sao?

(Kinhdoanhnet) – Habeco sẽ tiến hành cổ phần hoá ra sao và liệu cổ phần Habeco có hấp dẫn nhà đầu tư như cách mà Sabeco đã làm được hay không?

Thời gian gần đây, Bộ Công thương đang tiến hành chuẩn bị để thoái vốn khỏi 2 doanh nghiệp là Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Mặc dù cùng là 2 doanh nghiệp thuộc Sở hữu Nhà nước thế nhưng dường như quy mô lớn của Sabeco đã gây được nhiều sự chú ý hơn là Habeco.

Sabeco hiện vẫn là cái tên khá nóng đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Với việc rất nhiều hãng bia danh tiếng nước ngoài xếp hàng để được mua cổ phần của doanh nghiệp này, cộng với việc dù chưa niêm yết chính thức nhưng cổ phiếu Sabeco đã được thổi giá lên rất cao trên sàn OTC, có thể thấy cổ phần tại Sabeco đang hấp dẫn nhà đầu tư hơn bao giờ hết.

Trong khi cổ phần tại Sabeco hấp dẫn như vậy thì cổ phần tại Habeco ra sao?.

Dù đã cả 2 doanh nghiệp đều đã tiến hành cổ phần hoá nhưng phần vốn Nhà nước tại 2 doanh nghiệp này vẫn là rất lớn. Cụ thể, Nhà nước hiện đang sở hữu gần 90% cổ phần tại Sabeco, và gần 82% vốn điều lệ tại Habeco. Ngoài gần 82% vốn điều lệ do Nhà nước sở hữu, tại Habeco còn có 1,86% vốn điều lệ do người lao động nắm giữ, cùng với cổ đông chiến lược là Carlsberg nắm giữ 15,76% vốn điều lệ.

Nếu xét giá cổ phiếu của Habeco trên sàn OTC hiện nay thì cũng chỉ vào khoảng gần 50.000 đồng/cổ phiếu, có tăng một chút so với thời điểm Bộ Công thương đưa ra lộ trình thoái vốn khỏi Habeco. Nếu so với mức giá cách đây 8 năm khi Habeco tiến hành IPO thì vẫn thấp hơn đôi chút.

Theo tiến trình thoái vốn của Bộ công thương đề ra thì sẽ thoái toàn bộ gần 82% vốn Nhà nước tại Sabeco trong năm 2016, tương đương khoảng 9.000 tỷ đồng.

Habeco sở hữu 20% thị phần bia tại Việt Nam

Theo thống kê của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), trong năm 2015, chỉ tính riêng 4 doanh nghiệp sản xuất bia là Sabeco, Heineken, Habeco và Carlsberg đã chiếm gần 90% thị phần tiêu thụ bia trong nước, trong đó Habeco chiếm gần 20%.

Cụ thể, trong năm 2015, cả nước tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia, thì Sabeco dẫn đầu với sản lượng bia lên tới 1,28 tỷ lít, Heineken với 729 triệu lít, Habeco đóng góp 668 triệu lít và Carlsberg đóng góp 229 triệu lít.

 

Cổ phần Sabeco hấp dẫn, còn Habeco ra sao? - Ảnh 1

Năm 2015, Habeco sở hữu 20% thị phần bia tại Việt Nam. Ảnh. Q.T.

Có thể thấy, sở hữu 20% thị phần bia trong một thị trường tiêu thụ bia nhiều như tại Việt Nam không phải là chuyện đơn giản đối với một doanh nghiệp với vốn điều lệ xấp xỉ 6.000 tỷ đồng như Habeco.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, Habeco ghi nhận tổng tài sản ước đạt 9.936 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2014. Tổng nợ phải trả của Habeco tính đến hết năm 2015 là hơn 3.849 tỷ đồng, trong đó phần lớn là các khoản nợ ngắn hạn.

Trong năm 2015, Habeco ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 9.638 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với năm trước. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ước đạt 1.171 tỷ đồng. Lãi ròng sau thuế doanh nghiệp đạt 952 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2015, số lượng công ty con của Habeco cũng lên tới con số 17 công ty, phần lớn hoạt động sản xuất trong lĩnh vực sản xuất bia, một số ít hoạt động sản xuất rượu.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, Habeco ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.039 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2015. Lãi ròng sau thuế 6 tháng đầu năm của Habeco chỉ đạt gần 320 tỷ đồng, giảm tới hơn 40% so với cùng kỳ năm 2015 đạt 540 tỷ đồng. Đây rõ ràng là một điểm trừ của Habeco trong mắt các nhà đầu tư trước khi cổ phiếu Habeco được niêm yết khi mà thị phần tiêu thụ bia ngày càng giảm cùng với kết quả kinh doanh có dấu hiệu tụt dốc.

Bị truy thu hơn 920 tỷ đồng tiền thuế trong giai đoạn 2012-2015

Sau đợt kiếm toán từ cuối năm 2015, phía Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra đề nghị truy thu thêm đối với Habeco 920,2 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó tại Công ty mẹ - Habeco là 838,2 tỷ đồng và các đơn vị liên kết là 82 tỷ đồng.

Habeco sau đó đã cầu cứu Bộ Công thương, Bộ Công thương đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng rằng các kiến nghị truy thu thuế TTĐB cho giai đoạn 2012-2015 mà phía Kiểm toán Nhà nước đưa ra đối với Habeco đang dựa trên cách giải thích khác với quy định và khác với hướng dẫn của Tổng cục thuế ban hành trước đó. Theo Bộ công thương đề nghị, trong thời gian chờ Thủ tướng xem xét và chỉ đạo giải quyết, Habeco sẽ chưa phải nộp thuế bổ sung TTDDB như kiến nghị của phía Kiểm toán Nhà nước đưa ra.

Nếu như Chính phủ không chấp nhận với các giải thích của Bộ Công thương về trường hợp bị truy thu thuế của Habeco, rất có thể Habeco sẽ phải chi ra hơn 920 tỷ đồng tiền thuế, như vậy, kết quả kinh doanh của Habeco sẽ càng tồi tệ hơn.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm, Habeco phải nộp thuế cho Nhà nước 1.467 tỷ đồng, tăng hơn so với con số 1.316 tỷ đồng giai đoạn đầu năm 2016.

 

Cổ phần Sabeco hấp dẫn, còn Habeco ra sao? - Ảnh 2

Kể từ khi kết duyên cùng Carlsberg, kết quả kinh doanh của Habeco không khá hơn là bao, thậm chí gần đây còn có dấu hiệu sụt giảm. Ảnh. Q.T.

Về thông tin các nhà đầu tư muốn sở hữu cổ phần tại Habeco. Không như phía Sabeco thông tin về việc các nhà đầu tư xếp hàng chờ mua cổ phần rất rầm rộ, thì phía Habeco thông tin các nhà đầu tư muốn đầu tư vào là rất ít. Chỉ duy nhất việc Nhà nước có ưu đãi cho phép bán thêm 11,7% cổ phần cho cổ đông hiện tại là Carlsberg, thế nhưng đến nay sau gần 5 năm kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu của Carlsberg tại Habeco từ 15,76% lên 30% vẫn bất thành. Nguyên nhân là do Habeco không muốn bán thêm vốn cho hãng bia nước ngoài này. Thậm chí, Habeco còn tỏ ra khá thất vọng với chuyện kết duyên cùng với hãng bia Carlsberg. Thật vậy, từ khi thương vụ giữa Habeco và Carlsberg diễn ra thì tình hình kinh doanh của hãng cũng không có nhiều thay đổi, nửa đầu năm 2016 doanh thu Habeco giảm gần 13% so với cùng kỳ, lợi nhuận giảm gần 40%. Điều này đặt ra câu hỏi liệu Habeco có còn muốn bán cổ phần cho doanh nghiệp bia nước ngoài nữa hay không?.

Hiện tại, Habeco đang trong quá trình lựa chọn đơn vị tư vấn có uy tín, kinh nghiệm để thương thảo và ký hợp đồng tư vấn thực hiện các thủ tục, quy trình niêm yết chứng khoán theo đúng quy định.

Quang Thắng

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục