Bóng đèn Rạng Đông bật sáng “thủ phủ” cây thanh long

(Kinhdoanhnet) - Theo ông Nguyễn Như Cường – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT): “Ngày nay, với việc sử dụng đèn chuyên dụng CFL 20W NN-R của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông để thay thế cho đèn sợi đốt 60W trong chiếu sáng cây thanh long điều khiển ra hoa trái vụ, nông dân có thể tiết kiệm trên 50% chi phí điện năng tiêu thụ, đồng thời giúp tăng năng suất, chất lượng quả thanh long”.

Hiệu quả vượt trội của đèn compact

Việt Nam là quốc gia có diện tích, sản lượng thanh long lớn nhất châu Á và cũng là nước xuất khẩu thanh long hàng đầu thế giới với thị trường hơn 40 quốc gia/vùng lãnh thổ. Tổng diện tích trồng Thanh Long cả nước khoảng 37.000 ha, trong đó tập trung nhiều nhất ở Bình Thuận, Tiền Giang…

Ông Nguyễn Như Cường cho biết: “Thanh long là cây ưa sáng, cần có ngày dài để phân hóa mầm hoa. Bởi vậy, giai đoạn thu hoạch thanh long chính vụ từ khoảng tháng 4 – 9 (có ngày dài, đêm ngắn). Tuy nhiên, trong quá trình lao động sáng tạo, những “nhà khoa học chân đất” đã tìm ra bí quyết giúp điều khiển thanh long ra hoa trái vụ (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau) bằng cách chọn đèn thắp sáng trong đêm”.

Bóng đèn Rạng Đông bật sáng “thủ phủ” cây thanh long - Ảnh 1

Chong đèn thắp sáng trong đêm để thanh long ra hoa trái vụ

Là người đam mê nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Bằng, Trưởng ban Kinh tế xã hội – Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, chia sẻ: Trước đây, nhu cầu sử dụng điện chong đèn thắp sáng (từ 8 – 11 giờ/đêm) để kích thích thanh long ra hoa trái vụ rất lớn. Số lượng bóng đèn tròn sợi đốt (công suất tiêu thụ 60W) được các hộ dân sử dụng để thắp sáng lên tới vài chục triệu bóng. Chi phí điện năng chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí sản xuất, trong khi đó bóng sợi đốt lại nhanh hỏng, tốn nhiều điện năng.

Từ năm 2014 đến nay, Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận phối hợp với Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông xây dựng rất nhiều mô hình khảo nghiệm thay thế bóng đèn sợi đốt 60W bằng bóng đèn huỳnh quang compact 20W để điều khiển cây thanh long ra hoa trái vụ. Kết quả đánh giá cho thấy, các mô hình chuyển đổi sử dụng bóng đèn đã thu được hiệu quả vượt trội. Với cùng một thời gian thắp sáng như nhau, sử dụng bóng đèn huỳnh quang compact 20W tiết kiệm được khoảng 60% điện năng tiêu thụ so với sử dụng bóng đèn sợi đốt (tương đương hơn 20 triệu đồng/ha).

Như vậy, với trên 30.000 ha trồng thanh long, trong đó khoảng 70% diện tích đang trong thời kỳ thu hoạch (tương đương khoảng 21.000), nếu chuyển đổi sang đèn compact thay thế cho đèn tròn, mỗi năm nông dân tỉnh Bình Thuận có thể tiết kiệm trên 400 tỷ đồng.

Đã dùng là mê

Là người tiên phong không dùng bóng đèn sợi đốt của tỉnh Bình Thuận, ông Ung Ngọc Hải – chủ trang trại Ngọc Hân quyết định chọn đèn huỳnh quang compact của Công ty Rạng Đông để chong đèn thanh long trái vụ cách đây hơn 5 năm. Với diện tích gần 18 ha, khoảng 14 nghìn trụ thanh long hiện có của mình tại thôn Dân Phú, xã Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam), mỗi năm nông dân này thu hoạch trên 4 tỷ đồng.

Ông Hải phân tích, mỗi chu kỳ chong đèn kích thích cây thanh long ra hoa kéo dài từ 18-20 ngày. Khi dùng bóng đèn compact, chi phí tiền điện bình quân chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Với diện tích hiện có, mỗi chu kỳ chong đèn ông Hải tiết kiệm được hơn 200 triệu đồng so với dùng đèn sợi đốt. Vì vậy, dù vốn đầu tư ban đầu sử dụng bóng đèn compact cao gấp 5 - 6 lần so với bóng đèn sợi đốt, song chỉ cần sau 3 chu kỳ thắp thì có thể lấy lại vốn. Đó là chưa kể, tỷ lệ bóng hư hỏng khi gặp sự cố như mưa, gió trong thời gian chong đèn của bóng đèn compact thấp hơn nhiều so với bóng đèn sợi đốt 60W.

Bóng đèn Rạng Đông bật sáng “thủ phủ” cây thanh long - Ảnh 2
Lợi nhuận của trang trại Ngọc Hân tăng cao từ khi sử dụng bóng đèn huỳnh quang Compact 20W thay thế bóng đèn sợi đốt.

Nhờ tiết kiệm chi phí điện, lợi nhuận ròng của trang trại Ngọc Hân tăng lên đáng kể, đạt từ 50 - 60% tổng doanh thu, giải quyết công ăn việc làm, đời sống ổn định cho 22 lao động thường xuyên.

Trợ giúp khó khăn cho nông dân

Có người cho rằng chong đèn compact nhiệt ít hơn nên cây cho ra hoa ít, trái sẽ không sai quả, dẫn đến sản lượng thu về không cao. Điều này đúng về mặt hiện tượng, nhưng sai về bài toán kinh tế. Bởi, theo ông Đỗ Chí Thi, một nông dân có kinh nghiệm trồng thanh long ở thôn Xuân Phú, Phong Lẫm, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận: “Nếu sử dụng bóng đèn sợi đốt chiếu sáng, trên một dây thanh long ra quá nhiều hoa, chúng phá hết gai của cây thanh long dẫn đến sức khỏe của cây thanh long suy giảm. Các nhà vườn phải tốn công cắt bỏ bớt trái để cây đủ sức nuôi dưỡng trái. Còn nếu sử dụng bóng compact Rạng Đông chiếu sáng, mỗi dây thanh long chỉ đậu khoảng 3 – 4 trái. Số lượng quả rất lý tưởng mà cây có đủ dinh dưỡng để nuôi. Do vậy, sản lượng Thanh Long khi sử dụng hai loại bóng là như nhau.

“Từ năm 2009 trở về trước, sau một trận mưa to, gió lớn, chúng tôi phải mua cả thùng bóng đèn tròn để thay thế bóng hỏng, chập cháy. Nhưng từ khi sử dụng bóng đèn compact của công ty Rạng Đông, chúng tôi ăn ngon ngủ yên, không hề mảy may lo lắng vì bóng đèn có khả năng chịu nước và rung lắc rất tốt”, ông Thi chia sẻ.

Mặc dù biết rằng chi phí điện tiêu thụ thấp hơn nhiều so với bóng đèn sợi đốt, nhưng vì thiếu vốn đầu tư, nhiều nông dân ở Bình Thuận ngần ngại chuyển đổi bóng điện cho vườn thanh long. Trong bối cảnh đó, thông qua chương trình phối hợp với Hội Nông dân Bình Thuận, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông quyết định hỗ trợ các mô hình thay thế bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn huỳnh quang compact 20W với giá ưu đãi (giảm 10% giá thành bóng đèn), đồng thời cho nông dân trả chậm sau 3 tháng sử dụng. Nhờ vậy, hàng trăm nông dân tỉnh Bình Thuận đã hào hứng chuyển đổi, giảm áp lực cho ngành điện lực và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Minh Phúc

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục