Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển: Xứng tầm Doanh nhân Châu Á

Doanh nhân Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T là một trong số những doanh nhân thành đạt, nhưng vẫn đang ngày đêm nỗ lực phấn đấu, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đỗ Quang Hiển kể rằng, Hiển là con út trong một gia đình có 3 chị em và bố mẹ anh đều là những cán bộ công tác trong ngành Y tế, nhưng ngay từ thuở thiếu thời, tố chất trong con người anh lại mách bảo rằng, định hướng của cuộc đời anh sẽ dành cho niềm đam mê khác.

Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển: Xứng tầm Doanh nhân Châu Á - Ảnh 1
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T

Năm 1978, sau khi tốt nghiệp Phổ thông trung học, nhờ có kết quả học tập tốt lại đam mê các bộ môn khoa học tự nhiên nên Hiển đăng ký thi vào khoa Vật lý, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả thi và ý thức rèn luyện, nhà trường có ý định đưa Hiển sang theo học khoa Kinh tế chính trị. Song niềm đam mê khoa học cuối cùng đã đưa anh trở về với chuyên ngành vô tuyến điện trực thuộc khoa Vật lý, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Thời gian theo học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là quãng đời đẹp nhất của anh. Ngoài những giờ lên lớp học tập và nghiên cứu khoa học, niềm đam mê thể thao, đặc biệt là bóng đá lại có dịp được đánh thức. Anh tham gia tích cực vào các phong trào thể dục, thể thao do trường tổ chức và trở thành cầu thủ trong đội bóng đá của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Dù chỉ hoạt động mang tính nghiệp dư, nhưng đội bóng của anh đã tham dự các giải đấu rất sôi động với một số trường đại học khác. Đó là những kỷ niệm khó quên đối với anh để rồi không thể ngờ rằng khi trở thành một doanh nhân, Đỗ Quang Hiển đồng thời là ông chủ của 3 đội bóng tham gia các giải đấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Trở thành nhà doanh nghiệp hoạt động đa ngành

Tiếp nối những câu chuyện về cuộc đời, Đỗ Quang Hiển kể rằng, năm 1983, sau khi tốt nghiệp bộ môn Vô tuyến điện, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Hiển về đảm nhận công việc của một cán bộ kỹ thuật ở Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình trực thuộc Đài phát thanh, Truyền hình Hà Nội.

Đến năm 1988, Đỗ Quang Hiển chuyển về công tác tại Viện nghiên cứu Công nghệ quốc gia. Tại đây, lúc đầu anh được phân công về làm việc ở Viện Công nghệ Lade, sau đó chuyển tiếp về Viện Công nghệ Quang học, rồi từ một cán bộ làm công tác nghiên cứu, anh chuyển sang đảm nhận các công việc lắp ráp, sửa chữa các loại máy tính, ti vi đen trắng; ít lâu sau, anh lại được lãnh đạo đơn vị cử đi tiêu thụ sản phẩm ở các địa phương, chủ yếu là các tỉnh phía Nam.

Đây là thời kỳ nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng khan hiếm do hậu quả của cơ chế quản lý tập trung, quan liêu và bao cấp. Sau ngày miền Nam giải phóng, hàng tiêu dùng ở các tỉnh phía Nam qua nhiều nguồn được đưa ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ thì đến những năm cuối của thập kỷ 80, thế kỷ 20, các kênh tiêu thụ hàng hóa lại đảo ngược, hàng tiêu dùng ở phía Bắc lại đảo dòng chảy vào các tỉnh phía Nam.

Hai năm đảm nhận công tác đưa hàng đi tiêu thụ ở các địa phương đã đưa Đỗ Quang Hiển đến với nhiều miền quê của đất nước, tiếp xúc và đặt quan hệ với nhiều đối tác và khách hàng. Cũng từ đây giúp anh tích lũy thêm được vốn sống, cách thức kinh doanh và tạo tiền đề để anh đi đến một quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời - thành lập một doanh nghiệp cho chính mình.

Công ty T&T ra đời năm 1993. Khác với nhiều doanh nghiệp khi thành lập, người chủ của nó thường đặt cho doanh nghiệp những cái tên hoa mỹ, nhưng đối với Đỗ Quang Hiển thì lại khác, doanh nghiệp mà anh thành lập chỉ vẻn vẹn hai chữ T&T. Trả lời câu hỏi của chúng tôi, tại sao lại lấy tên T&T mà không phải là một cái tên khác?

Đỗ Quang Hiển giải thích, T&T là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Trade & Technology - Công nghệ và Thương mại. Theo đó lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp giai đoạn đầu chủ yếu là đại lý phân phối các sản phẩm điện tử, điện lạnh, điện gia dụng của các hãng nổi tiếng của Nhật Bản như National, Panasonic, Mitsubishi v.v…

Thời điểm này, công cuộc đổi mới đất nước đang mở ra nhiều cơ hội cho các thành phần kinh tế phát triển. Cùng với làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt cũng từng bước đặt mối quan hệ làm ăn với các đối tác nước ngoài. Đời sống của người dân ở các vùng miền đất nước sau những năm gặp nhiều khó khăn đã trở lên đầy đủ hơn. Người ta không còn phải lo cái ăn, cái mặc đơn thuần mà đã bắt đầu hướng đến những hàng hóa, đồ dùng cao cấp phục vụ cho việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Nhận biết được điều này, doanh nghiệp của Đỗ Quang Hiển đã xúc tiến việc việc nhập khẩu hoặc làm đại lý, phân phối các mặt hàng điện lạnh gia dụng như tủ lạnh, máy điều hòa của các hãng sản xuất ở Nhật Bản đưa về bán tại thị trường Việt Nam và từ đây, công ty của anh đã đưa hàng lên tàu chuyển vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ.

Làm ăn không phải lúc nào cũng suôn sẻ, có lúc cũng gặp phải thác ghềnh. Chủ tịch Tập đoàn T&T kể rằng, hồi đó khi thấy anh chuyển hàng điện lạnh vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ, một số người chủ động hỏi anh: “Ông chở củi về rừng à?”, song anh vẫn vững tâm về việc làm của mình. Bởi trước đó, qua nắm bắt tình hình, anh biết các mặt hàng điện lạnh mà công ty đang kinh doanh vẫn đang trong tình trạng khan hiếm ở thị trường phía Nam. Do cung không đủ cầu nên việc kinh doanh của Đỗ Quang Hiển lúc đầu tương đối thuận lợi. Nhưng chỉ sau đó một thời gian, việc kinh doanh gặp trở ngại bởi sự cản trở quyết liệt của các đối thủ cạnh tranh trên thương trường.

Thế nhưng, khó khăn chưa dừng lại ở đó. Năm 1998, thị trường Việt Nam bị tuồn vào khối lượng rất lớn hàng điện tử, điện lạnh… dưới dạng trốn, lách thuế và bán giá rất rẻ. Sản phẩm của T&T nhập chính ngạch và nộp thuế đầy đủ lên tới 60% nên giá thành không thể cạnh tranh với các đơn vị trên. T&T và rất nhiều đơn vị kinh doanh hàng điện tử tại Việt Nam cùng chung số phận là không bán được hàng và rơi vào làm ăn sa sút.

Thời gian khủng hoảng kéo dài 3 năm, T&T đang từ số 1 trở nên trắng tay với gánh nặng nợ thuế và áp lực vô cùng. Trước hoàn cảnh đó, Đỗ Quang Hiển vẫn cố gắng chu cấp cho nhân viên đầy đủ, khuyến khích họ chuyển qua công ty khác làm việc vì ở lại thì rất khó khăn. Còn bản thân Đỗ Quang Hiển vẫn quyết bám trụ, chạy vạy khắp nơi để tìm cách xử lý, giải quyết hàng tồn kho trả nợ thuế và định hướng kinh doanh mới.

Khi T&T đã trở lại vững vàng trên thị trường điện tử, điện lạnh, Đỗ Quang Hiển bắt đầu tính chuyện "tấn công" sang thị trường xe máy với dự liệu trước sự phát triển của một mảng kinh doanh nhiều tiềm năng sắp bùng nổ sau chủ trương nội địa hoá của Chính phủ.

Cũng phải nói thêm là ở vào thời điểm năm 1998 và những ngày tháng cuối cùng của thập kỷ 90, thế kỷ 20, giá xe máy ở Việt Nam rất đắt, mặc dù đây là phương tiện chủ yếu của cán bộ công nhân viên trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước và người tiêu dùng xã hội. Để hạn chế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ, Chính phủ chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức lắp ráp xe gắn máy dạng IKD, nội địa hóa 15%.

Sẵn có kinh nghiệm từ việc lắp ráp các sản phẩm điện lạnh, doanh nhân Đỗ Quang Hiển đã kịp thời nắm bắt cơ hội, bắt đầu từ việc thành lập xí nghiệp lắp ráp xe máytại phường Vĩnh Tuy, Hà Nội. Từ những kết quả và kinh nghiệm có được của việc lắp ráp xe gắn máy ở dạng IKD, đầu năm 2000, Công ty T&T đã đi đến một quyết định táo bạo. Đó là đầu tư một số vốn lớn để sản xuất động cơ xe gắn máy, bởi theo Đỗ Quang Hiển thì động cơ chính là “trái tim” của chiếc xe máy.

T&T đãliên tục đầu tư hàng chục triệu USD để bổ sung và nâng cấp thiết bị cho dây chuyền sản xuất động cơ xe gắn máy. Kết quả là đến năm 2006, động cơ xe gắn máy do T&T nghiên cứu và sản xuất đã nâng mức nội địa hóa lên 95%. Trung bình một năm từ dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp, công ty đã tung ra thị trường 700.000 xe gắn máy; trong đó tiêu thụ ở trong nước 80%; 20% số xe gắn máy còn lại, công ty xuất khẩu sang các thị trường một số nước Châu Phi và Nam Mỹ.

Từ nền tảng đó, sau 25 năm hoạt động, đến nay Công ty T&T đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một tập đoàn đa ngành hoạt mang tầm vóc quốc tế với quy mô tổng tài sản đạt gần 25.700 tỷ VNĐ, vốn điều lệ 8.000 tỷ VNĐ. Các lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn T&T bao gồm Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm, Kinh doanh Bất động sản, Thương mại xuất nhập khẩu, Khoáng sản năng lượng, Hạ tầng giao thông, Kinh doanh nông sản, nông nghiệp công nghệ cao, Đầu tư và kinh doanh cảng biển – logistics, công nghiệp sản xuất, lắp ráp, Y tế - Giáo dục – Thể thao.

T&T Group cũng là một trong số hiếm hoi những Tập đoàn kinh tế tư nhân vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất - Nhì - Ba do Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trao tặng và nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đầu năm 2018, Tập đoàn T&T Group vinh dự nhận giải doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam năm 2018 khi đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng FAST500 năm 2018.

Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, năm 2017 và 2018 có thể gọi là hai năm bứt phá mạnh mẽ của T&T Group khi liên tục bắt tay với một loạt “đại gia” sừng sỏ trên thế giới như Boskalis, Hitachi… để hiện thực hóa mục tiêu trở thành tập đoàn đa lĩnh vực, khẳng định vị thế, tên tuổi trên thị trường quốc tế.

Mới đây nhất, ngày 28/3/2018, T&T Group gây bất ngờ khi chính thức hợp tác với Tập đoàn Bouygues của Pháp để triển khai hai dự án bom tấn. Đó là biên bản ghi nhớ xây dựng, cải tạo sận vận động Hàng Đẫy, Hà Nội tổng vốn 250 triệu Euro và dự án “Đầu tư đường sắt đô thị số 3 tại Hà Nội”, tổng giá trị đầu tư lên tới 1,4 tỉ Euro.

Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển: Xứng tầm Doanh nhân Châu Á - Ảnh 2
Lễ ký kết hợp tác giữa T&T và Tập đoàn Bouygues 

Trong buổi ký kết giữa 2 tập đoàn tại Cung điện Elysees, Tổng thống Pháp Emmanuel Macronđã đánh giá cao sự hợp tác giữa hai tập đoàn hàng đầu của hai quốc gia. Tổng thống Pháp khẳng định dự án này chính là biểu tượng đánh dấu tinh thần hợp tác ngày càng bền chặt giữa 2 quốc gia, minh chứng cho tiềm năng hợp tác của hai nước trong lĩnh vực kinh tế.

Xứng tầm Doanh nhân châu Á

Có một thực tế và được xem như quy luật đối với các doanh nghiệp và doanh nhân trong nền kinh tế thị trường là khi họ đã thành công trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tích lũy được số vốn lớn, có thị trường, khách hàng ổn định, họ đều muốn mở rộng hoạt động sang lĩnh vực tài chính - tiền tệ. Đỗ Quang Hiển và Tập đoàn T & T cũng không nằm ngoài xu thế ấy. Ngay từ năm 2005, T&T đã tham gia đầu tư vào Ngân hàng cổ phần Nông thôn Nhơn Ái ở Cần Thơ.

Đây là ngân hàng hoạt động chủ yếu ở các vùng nông thôn Cần Thơ với số vốn điều lệ chỉ dừng lại ở 12 tỷ đồng. Tại đây, Đỗ Quang Hiển đã mua 30% cổ phần; sau đó cùng một số nhà đầu tư khác nâng vốn, làm thủ tục để chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Suốt từ thời điểm đó đến nay, doanh nhân Đỗ Quang Hiển kiêm thêm vai trò là Chủ tịch HĐQT của SHB.

Sau một thời gian hoạt động, với định hướng phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả cùng sự chèo lái của “thuyền trưởng” Đỗ Quang Hiển, đến nay SHB tiếp tục đạt được những tăng trưởng vượt bậc trong hoạt động kinh doanh, giữ vững vị trí là 1 trong 5 Ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam. Số liệu vừa được SHB công bố cho biết, tính đến 31/12/2017, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng này đạt 286.010 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cuối năm 2016, đạt 105,93% kế hoạch;vốn điều lệ đạt 11.197 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động đạt 266.680 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 198.290 tỷ đồng.

Đáng chú ý,tổng lợi nhuận trước thuế của SHB năm 2017 đạt 1.925 tỷ đồng, tăng trưởng 66,5%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây. Ngoài 2 ngân hàng con 100% vốn tại Lào và Campuchia, SHB còn đang chuẩn bị kế hoạch khai trương 1 văn phòng đại diện tại Myanmar.

Chính bởi khả năng quản trị ngân hàng gặt hái được nhiều thành công như vậy, cuối năm 2017 ông Đỗ Quang Hiển đã được Enterprise Asia trao tặng giải thưởng "Doanh nhân Châu Á 2017" (Asia Pacific Entrepreneurship Awards – APEA). Ông là doanh nhân duy nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam được APEA xướng tên dịp này.

Thời hội nhập, doanh nhân phải có Tài và có Tâm

Với một “núi” công việc, mà việc nào xem ra cũng đều quan trọng vây quanh, quả thực tôi rất băn khoăn không hiểu doanh nhân Đỗ Quang Hiển xử lý thế nào. Trước khi kết thúc cuộc tiếp xúc với anh, tôi đưa câu hỏi ấy đặt ra cho Đỗ Quang Hiển. Thật tự tin, anh trả lời với vai trò là Chủ tịch Tập đoàn T & T, Chủ tịch SHB và Chủ tịch SHS, trong công việc hàng ngày, anh giữ vai trò định hướng, hỗ trợ việc điều hành, còn điều hành trực tiếp là các tổng giám đốc, giám đốc các đơn vị thành viên.

Được biết đến nay Tập đoàn T&T Group có gần 70 công ty trực thuộc và thành viên liên doanh. Và để thực hiện điều ấy, đòi hỏi phải thiết lập hệ thống quản trị và nhân lực có hiệu quả trong tập đoàn. Theo đó từ việc ban hành và thực hiện hàng loạt các quy chế mang tính chuyên nghiệp để thúc đẩy các thành viên tập đoàn nỗ lực đưa mọi hoạt động vào nề nếp.

Rất may là trong hoàn cảnh bận rộn và phải xử lý rất nhiều các mối quan hệ như thế, doanh nhân Đỗ Quang Hiển có một hậu phương vững chắc. Vợ anh là người bạn từ thời học phổ thông, hiện là một cán bộ trong ngành công an, chị không chỉ hiểu, thông cảm cho công việc bận rộn của chồng mà còn thường xuyên động viên, chia sẻ với anh.

Như nhiều doanh nhân thành đạt khác, Đỗ Quang Hiển đưa ra một nhận xét khá khách quan về đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ở nước ta trong thời hội nhập: “Các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trước yêu cầu hội nhập dường như còn thiếu và yếu. Chúng ta không chỉ thiếu về con người mà còn thiếu cả về quy trình, quy chế và kiến thức hội nhập; trong đó nổi lên là tính chuyên nghiệp trong điều hành” - Đỗ Quang Hiển nói.

Thời hội nhập theo Đỗ Quang Hiển, đối với các doanh nghiệp và doanh nhân ở nước ta, điều đầu tiên là phải có Tài. Rõ ràng là với bất cứ một ngành nghề nào, người ta đều phải có tài năng thì mới thành công được, nhất lại là trong kinh doanh. Nhưng chỉ có tài năng thôi thì chưa đủ. Có Tài rồi phải có Tâm. Nếu có Tài mà không có Tâm thì cái Tài đó không có đất sống.

Thương hiệu T&T, hiểu theo nghĩa tiếng Anh là Trade & Technology - thương mại và công nghệ, còn hiểu theo nghĩa tiếng Việt là Tâm và Tài. Trong thời gian qua, ngoài việc tập trung vào sản xuất kinh doanh, T&T còn luôn lấy chữ “Tâm” làm đầu và rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện, ủng hộ và giúp đỡ các đối tượng chịu thiệt thòi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã hội. Đối với người lãnh đạo doanh nghiệp, ngoài Tâm và Tài ra, tôi cho rằng cần phải có tính toán quyết đoán, đôi khi phải chấp nhận mạo hiểm nữa. Không có tính quyết đoán thì không thể đạt được những thành công lớn.

Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển: Xứng tầm Doanh nhân Châu Á - Ảnh 3
Vị doanh nhân trọn vẹn 2 chữ "Tâm - Tài" Đỗ Quang Hiển

“Đi một ngày đàng phải học một sàng khôn”, sự đúc kết ấy của người đời xưa thật có ý nghĩa trong thời hội nhập, nhất là đối với giới doanh nhân. Với Đỗ Quang Hiển, các chuyến đi công tác nước ngoài, các chuyến đi tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước thăm hữu nghị chính thức các nước để rồi qua đó đặt mối quan hệ, gặp gỡ với các đối tác trên đất nước họ đã giúp anh nhận ra rằng nhiều vấn đề mình còn thua kém họ.

Do vậy muốn đưa doanh nghiệp đi lên, không có con đường nào khác là phải học hỏi; đặc biệt là tính chuyên nghiệp trong việc quản lý và điều hành doanh nghiệp. Lời khẳng định ấy của Đỗ Quang Hiển khiến tôi mới chợt nhận ra rằng cuộc đời không dễ gì cho ai những trái ngọt, có chăng đó là kết tinh sự phấn đấu không biết mệt mỏi, niềm đam mê, ý thức học hỏi; bản lĩnh và ý chí vươn lên, mồ hôi và nước mắt.

Doanh nhân Đỗ Quang Hiển là vậy, mặc dù phải gánh vác cả “núi” công việc, nhưng xem ra vẫn còn nhiều việc đang chờ anh ở phía trước; nhưng với cái Tâm và cái Tài của một người Doanh nhân Châu Á, tôi tin rằng anh biết mình sẽ phải làm gì để vượt lên!.

Lưu Vinh/KD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục