Công ty tài chính mọc lên như nấm, thị phần của Home Credit ngày càng teo tóp

Các ngân hàng rầm rộ lên kế hoạch thành lập, mua lại công ty tài chính để đẩy mạnh mảng tín dụng tiêu dùng, vì vậy thị phần của "ông lớn" cho vay tiêu dùng một thời là Home Credit đang bị thu hẹp dần.

Home Credit – "ông lớn" tài chính đến từ Cộng hòa Czech bắt đầu hoạt động trong mảng cho vay tiêu dùng trả góp ở Việt Nam từ năm 2008. Sau 9 năm hoạt động, Công ty đã xây dựng được mạng lưới gần 9.000 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Năm 2017, Home Credit công bố doanh số 28.934 tỉ đồng, tăng 50% so với năm 2016. Sản phẩm tăng mạnh nhất vẫn là phân khúc cho vay mua đồ gia dụng.

Cuối năm 2018, dư nợ cho vay của Home Credit đạt 17.452 tỷ đồng, thị phần cho vay của công ty này chưa đến 20%. Trong khi đó, thị phần cho vay của FE Credit lên tới 55%. Tốc độ tăng trưởng của Home Credit trong năm 2018 cũng chậm hơn hẳn so với những năm trước đó, chỉ tăng 12%.

Vốn điều lệ của Home Credit ở mức 550 tỷ, nhưng công ty còn khoản lợi nhuận chưa phân phối khá lớn lên tới 3.209 tỷ.

Thế nhưng, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này có xu hướng đi xuống. Cụ thể, năm 2018 lãi trước thuế giảm 219 tỷ, chỉ đạt 1.845 tỷ đồng. Nguyên nhân đều đến từ việc chi phí dự phòng tăng mạnh. Theo đó, Home Credit trích lập tới 1.465 tỷ đồng, tăng 56% và "bào mòn" 44% lợi nhuận thuần. Trong cơ cấu nguồn thu, thu nhập lãi thuần tại Home Credit đóng góp tới 94% cho tổng thu nhập hoạt động.

Vị thế của Home Credit

Công ty tài chính mọc lên như nấm, thị phần của Home Credit ngày càng teo tóp - Ảnh 1

 

Công ty tài chính mọc lên như nấm, thị phần của Home Credit ngày càng teo tóp - Ảnh 2

Gần chục năm trước, hàng loạt công ty tài chính đã ra đời, trong đó có một số công ty trực thuộc ngân hàng. Tuy nhiên, qua quá trình cạnh tranh, khá nhiều công ty đã chấp nhận rời khỏi cuộc chơi, số đông còn lại hoạt động cầm chừng. Vài năm trở lại đây, thị trường nổi lên nhiều công ty tài chính cạnh tranh khốc liệt với Home Credit như Home Credit, HD Saison,...

Đầu tiên phải nói tới FE Credit, công ty tài chính thuộc VPBank. Chỉ sau 7 năm gia nhập thị trường, 55% thị phần cho vay tiêu dùng đã rơi vào tay công ty này. Còn Home Credit hiện chỉ chiếm 20% thị phần. Tuy nhiên, năm 2018, FE Credit lãi trước thuế 4.118 tỷ, giảm 82 tỷ so với năm 2017 do trích lập tới hơn 7.500 tỷ đồng dự phòng rủi ro.

HD Saison cũng là đối thủ đáng gờm với Home Credit. HD Saison có tốc độ tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây và đóng góp một tỷ lệ lợi nhuận đáng kể cho ngân hàng mẹ ( HDBank). Cụ thể, trong tổng lợi nhuận đạt được năm 2017 của HDBank là hơn 2.400 tỷ đồng trước thuế, HD Saison đóng góp khoảng 35%.

Hiện HD Saison có mặt tại nhiều điểm bán xe máy, ô tô, cửa hàng điện thoại và thiết bị gia dụng, cửa hàng nội thất như Thế giới di động, FPT Shop, Viễn thông A, Chợ Lớn, Big C, Honda, Yamaha, Piaggio và Nguyễn Kim,...Năm 2017, HDSaison đóng góp gần 39% vào lợi nhuận của HDBank hợp nhất.

MCredit của MBBank cũng liên tục đẩy mạnh hoạt động trong những năm gần đây, có lãi ngay từ năm đầu tiên và tăng trưởng bình quân hơn 200% hàng năm. Năm 2018, Mcredit cũng đã có LNTT đạt 320 tỷ đồng.

Ngay cả Lotte Card và Shinhan cũng đã chính thức tham gia vào thị trường khi mua lại các công ty tài chính Việt Nam. Đây cũng sẽ là những đối thủ đáng gờm trên thị trường tín dụng tiêu dùng với Home Credit.

Vietcombank cũng dự kiến sau khi bán một phần vốn của công ty cho thuê tài chính sẽ thành lập công ty tài chính tiêu dùng. ACB, Sacombank, OCB có kế hoạch mua lại hoặc thành lập mới công ty tài chính cho vay tiêu dùng… Chắc chắn, những thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này tương lai sẽ còn sôi động hơn nữa.

Sự nổi lên của nhiều công ty tài chính trong những năm vừa qua, như FE Credit, HD Saison và nhiều công ty mới mọc lên, thị phần của Home Credit dường như đang bị thu hẹp.

Hà Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục