Hà Nội: Cứ nhồi cao ốc vào nội đô, đi xe đạp cũng tắc

Bình luận về việc cấm xe máy ở Hà Nội, bạn đọc đề nghị nên xem lại quy hoạch giao thông của Hà Nội trước.

Bàn về việc Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng đề án cấm xe máy vào nội đô, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Tại sao lại cấm xe máy mà không phải ô tô?

Cấm xe máy hay ô tô?

Bạn Vinh cho rằng nên cấm ô tô vì ô tô chiếm diện tích nhiều hơn xe máy.

“Rõ ràng kẹt xe là do ô tô”, bạn Thanh Tâm nêu quan điểm và làm phép tính để dẫn chứng: “Một ô tô con choán diện tích gấp 6 lần xe máy, mà thường thì đi 2 người, còn xe máy 6 chiếc chở được 12 người.

Thử hỏi cấm xe nào? Tôi dư điều kiện mua xe ô tô nhưng thấy đi nội thành bất tiện quá nên mới bán xe”, bạn Tâm chia sẻ.

 

Hà Nội: Cứ nhồi cao ốc vào nội đô, đi xe đạp cũng tắc - Ảnh 1
Nhiều bạn đọc cho rằng nên cấm ô tô thay vì cấm xe máy

 

Bạn Hoàng Hà viết, mỗi lần tắc đường toàn ô tô dàn hàng ngang, xe máy không còn chỗ đi, phải leo cả lên vỉa hè. Mỗi khi có ô tô quay đầu, sang đường hoặc ra vào ngõ là tắc ngay.

“Đường 2 làn xe thì 3 cái ô tô dàn hàng ngang kín cả mặt đường. Cùng quãng đường như nhau nếu đi xe buýt mất thời gian gấp 2-3 lần đi xe máy thì sao cứ bắt dân đi”, bạn Hà băn khoăn.

Bạn Trần Thế Vinh kiến nghị nên nghiên cứu cải thiện tình hình giao thông trước.

Phân tích rõ hơn, bạn Vinh nói “Còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm chỗ buôn bán, trông xe thì làm sao không tắc đường.

Thử hỏi ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng có bao nhiêu con đường mặt đường bằng phẳng, hay toàn là ổ gà, nắp hố ga… Đó chính là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.

Tại sao? Vì ùn tắc giao thông cấu thành bởi nhiều yếu tố gồm: ý thức của người tham gia giao thông, mật độ giao thông, tốc độ lưu thông. Thiết nghĩ chúng ta nên giải quyết các vấn đề này trước sau đó hãy tính đến việc giảm hoặc cấm”.

Bạn Hoan Nguyễn cho rằng, ý thức của mỗi người mới là mấu chốt của vấn đề. Nhiều người đi ô tô nhưng ý thức cũng không cao.

Trong khi đó, bạn Duc Anh và Nguyen Thanh ủng hộ việc TP cấm xe máy. Theo bạn Thanh, việc để nhiều xe máy chạy trong TP vừa lãng phí xã hội, vừa ô nhiễm. Bạn Duc Anh đề xuất nên cấm ở các khu phố trung tâm và phố hẹp trước để khuyến khích người dân đi bộ.

Còn bạn Quân cho hay: “Nên cấm hết, không cho bất cứ loại xe nào vào trừ phương tiện công cộng, cảnh sát, cấp cứu. Các cán bộ đi làm hay xe công cũng không được đi vào. Như vậy sẽ đỡ chi phí xe công mà cán bộ đi chung phương tiện với dân sẽ gần dân hơn”.

Bạn Hoàng Nga cũng cho rằng nếu cấm thì cấm hết, còn không thì thôi vì ô tô hay xe máy đều bình đẳng như nhau.


Để không cần cấm cũng tự bỏ xe máy


Bạn Nguyễn Lễ nêu thực trạng: Thu nhập 5 triệu/tháng, metro không có, tàu điện thì 10 năm chưa xong, xe buýt BRT chậm hơn cả xe buýt thường. Bạn đặt câu hỏi “Cấm xe máy thì dân đi bằng gì?”.

Bạn Đỗ Quang cho rằng, nếu cấm dân đi xe máy, họ mua ô tô thì còn nghẽn và ô nhiễm hơn nữa. Theo bạn, cần chỉ thẳng việc nghẽn tắc là do TP cho xây cao ốc ở các quận trung tâm.

 

Hà Nội: Cứ nhồi cao ốc vào nội đô, đi xe đạp cũng tắc - Ảnh 2
Nhiều chung cư cao tầng khu vực Lê Văn Lương khiến đường Hà Nội thêm quá tải

 

Cùng quan điểm, bạn Minh Quang đề nghị nên xem lại quy hoạch giao thông của TP trước.

“Cứ nhồi cao ốc với chung cư nhiều vào nội đô rồi đến đi xe đạp cũng bị tắc đường và phải cấm cả đi bộ. Tầng lớp trung lưu ở thủ đô giờ ngoài xe máy nhà mỗi người một cái thì ô tô cũng vài cái”, bạn Quang nói.

Bạn Lê Quang Trà cũng bày tỏ sự khó hiểu khi Hà Nội muốn cấm xe máy để chống tắc đường nhưng vẫn cho xây dựng công trình cao tầng chung cư, nâng cấp bệnh viện trường học... trong TP.

Bạn Thanh Hùng nhấn mạnh, cấm không phải là giải pháp tốt, cần nghiên cứu và thống kê để đề ra giải pháp. Việc đầu tiên là di dời các cơ quan ra ngoại ô.

“Xây dựng tràn lan, nhà cao tầng mọc như nấm không còn khoảng trống để thở, thì có máy bay trực thăng cũng vẫn tắc”, bạn Hoa Hong than thở.

Bạn Mini bức xúc nói “Phá bỏ hết nhà cao tầng nội đô, mở rộng đường, làm nhánh ô bàn cờ xem còn tắc nữa không. Lúc nào cũng đổ tội cho dân là sao?”.

Theo bạn Minh Tri, xã hội phát triển và văn minh thì không phải cấm xe máy người dân cũng tự bỏ. Khi cấm, cơ quan quản lý phải đáp ứng cho người dân đi phương tiện khác được thuận tiện.

Bạn Khánh hỏi: “Nếu Hà Nội không còn xe máy mà đường vẫn tắc thì ai chịu trách nhiệm?”.

“Thay vì cấm, hãy để người dân tự giác không còn sử dụng nhiều phương tiện cá nhân. Đó mới là trách nhiệm của người quản lý”, bạn Dong KonTum nói.

Bạn Vinh cũng cho hay, nếu phương tiện công cộng thuận tiện và lợi hơn thì TP không cần cấm mọi người cũng không đi xe máy.

 

Hương Quỳnh - Vietnamnet.


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục