Khánh Hòa: Tình yêu mỏ và sự trắc trở của Ole

Lúc đó tờ báo Tết của cơ quan tôi cũng đã hoàn tất và tôi đang nhâm nhi ly cà phê, tôi nhận được điện thoại từ một anh bạn kể về một "ông Tây" bị Công an Khánh Hòa khởi tố và muốn gặp tôi gấp...

Vào một ngày cuối Đông năm Mậu Tuất, khi mà không khí ở Hà Nội đang hối hả với những thứ đồ trang trí cho ngày Tết truyền thống. Người người mua sắm quà bánh tất bật… người ở xa quê thì chuẩn bị mọi thứ tốt nhất để về quê ăn Tết… Sau khi nhận được cuộc điện thoại kể trên, tôi vội dập điếu thuốc cháy dở trên tay, tôi đến gặp anh để nghe câu chuyện cho rõ ngọn ngành.

Khánh Hòa: Tình yêu mỏ và sự trắc trở của Ole - Ảnh 1
Khu mỏ Hòn Thị mà Ole đã gửi tình yêu vào đó.

Từ chỗ tôi uống cà phê tới cơ quan anh ở Trung tâm quận Ba Đình không xa nên gặp chỉ trao đổi về sơ bộ về câu chuyện, anh ấn cho tôi một nắm hồ sơ và nói: “Anh thấy việc này có gì không ổn! Chú tìm hiểu xem sao?”.

Nhìn tập hồ sơ có mấy bản quyết định khởi tố của công an về việc vi phạm khai thác khoáng sản nhưng lại thấp thoáng có bản quyết định của UBND tỉnh cho phép khai thác tôi thấy sự mâu thuẫn nổi cộm lên, với khí phách hóng tin, hay xen vào chuyện xã hội tôi đã nhấc máy gọi một đồng nghiệp đi cùng…

Theo số điện thoại của người cần giao dịch, chúng tôi đã gọi điện đặt vé bay ngay vào Sài Gòn. Người mà chúng tôi gặp tự giới thiệu là bạn thân của ông Patrick - Chủ đầu tư dự án đang có tổng giám đốc, giám đốc và một nhân viên kế toán bị khởi tố hồi tháng 10 năm 2018.

Trao đổi hồi lâu tới quá trưa, người bạn của Patrick mời chúng tôi ở lại vài ngày nhưng vì những thông tin ông cho biết chúng tôi thấy rất nhiều mâu thuẫn cần phải giải đáp nên chúng tôi đã từ chối và quyết định bay ngay ra Nha Trang để tìm hiểu thực hư sự việc. Chiều cùng ngày, chúng tôi đã gặp được cả ba “đối tượng” đang bị khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú. Trong đó có một ông Tây tên là Ole Bollingtoft, chừng 70 tuổi, người Đan Mạch.

Biết chúng tôi là nhà báo, Ole niềm nở đón tiếp, nhìn nét mặt khắc khổ của một "ông Tây", tôi biết Ole đang bế tắc và toát lên trong chính ông một câu hỏi không lời giải là không hiểu vì sao ông lại rơi vào tình cảnh này. Mặc dù Ole đã làm ăn sinh sống ở Việt Nam gần 20 năm nhưng vẫn không biết tiếng Việt và chúng tôi thì không biết tiếng Đan Mạch, còn tiếng Anh thì một bạn đồng nghiệp đi cùng tôi nghe, nói được nhưng không hiểu kỹ… Tuy nhiên, sau buổi trao đổi chúng tôi cảm nhận Ole là người rất yêu Việt Nam, yêu nghề mỏ.

Ông khẳng định là ông không làm gì sai, ông là một Giám đốc hết mình với công việc, trách nhiệm với ông chủ Patrick và luôn làm đúng theo hướng dẫn của nhà chức trách tỉnh Khánh Hòa trong việc khai thác mỏ đá ở núi Hòn Thị. Công ty ông đã hỗ trợ làm đường, luôn gắn kết với cộng đồng dân cư và đã được lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tặng bằng khen. Ngay cả lúc này, khi công ty bị dừng hoạt động ông vẫn trả lương đều cho gần 70 cán bộ, công nhân…

Chia tay Ole, chúng tôi về Hà Nội nghiên cứu hồ sơ và quả là Ole nói ông không làm gì sai cũng có phần đúng. Nhưng theo cơ sở pháp luật thì cứ không có Giấy phép khai thác mà vẫn hoạt động khai thác là vi phạm. Trên thông tin đại chúng thì đa phần các bài báo chỉ nêu hiện tượng lãnh đạo Công ty... bị khởi tố ngày… vì vi phạm hoạt động khai khoáng…

Thoáng nghĩ đến hình ảnh thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa trong những năm gần đây phát triển với tốc độ nhanh chóng, thành phố được thay da đổi thịt, tiềm năng thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư là rất lớn. Có doanh nghiệp như ông Patrick đã đầu tư từ gần 20 năm nay là rất quý, mà giờ lại có chuyện xảy ra với công ty của ông như vậy thì không ổn. Việc này không khéo sẽ ảnh hưởng đến chủ truong của Nhà nước khi Chính phủ đang tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài… những suy nghĩ đó cứ lôi cuốn, thôi thúc tôi.

Với trách nhiệm của người làm báo, chúng tôi đã lên kế hoạch vào Nha Trang để tác nghiệp và nội dung sự việc đại ý là Công ty liên doanh Khai thác đá Hòn Thị (sau được đổi thành Công ty TNHH Khai thác đá Hòn Thị - gọi tắt là Công ty Hòn Thị được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy phép đầu tư từ ngày 16/11/1996; Giấy phép khai thác khoáng sản năm 1997 với nội dung cho phép Công ty Hòn Thị khai thác khoáng sản làm VLXD tại mỏ đá Hòn Thị, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Thời hạn khai thác là 20 năm trên tổng diện tích khai thác là 29,9 ha đất và được cấp Giấy CNQSD đất.

Từ đó, Công ty Hòn thị cơ bản đã chấp hành các quy định và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thế, phí với Nhà nước. Đến năm 2011, với chủ trương mở rộng TP. Nha Trang về phía Tây nên việc tiếp tục khai thác khoáng sản sẽ làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, vì vậy UBND tỉnh có yêu cầu Công ty Hòn Thị chấm dứt hoạt động khai thác, chế biến đá và đồng ý về chủ trương cho Công ty Hòn Thị được thực hiện thủ tục lập Dự án đầu tư Khu đô thị tại diện tích đất mỏ Hòn Thị.

Để dự án triển khai đảm bảo tính khả thi, phù hợp với địa hình thực tế và cảnh quan môi trường tại khu vực, công ty đã lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 trình thẩm định, phê duyệt theo quy định và xin phép tận thu khối lượng đất đá dôi dư theo cốt nền, đồ án quy hoạch đã được duyệt… Công ty bắt đầu được phép thực hiện việc hạ cốt nền từ ngày 01/01/2015 theo đồ án quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) đã được duyệt và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến các khoản thuế, tài chính do Nhà nước quy định, cùng với đó tiếp tục triển khai các bước thiết kế, lập dự án nhà ở theo quy định và công ty đã làm theo các hướng dẫn, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần nhưng vẫn bị cho là chậm tiến độ và vi phạm.

Sau nhiều ngày tìm hiểu, thu thập hàng vài chục kg tài liệu, tôi đã trực tiếp báo cáo Tổng Biên tập và triển khai kế hoạch cho ra loạt bài phản ánh về sự việc. Mỗi bài viết của chúng tôi hé lộ một phần sự thật của vụ việc mà Ole đang dính vào rắc rối nên cả Ole và Ban Lãnh đạo Công ty Hòn Thị rất cảm động. Điều đáng nói là chính “sếp” tôi - Tổng Biên tập cũng rất vui mừng vì loạt bài do nhóm phóng viên chúng tôi thực hiện được công chúng đánh giá cao, “sếp” đã đưa vấn đề này vào cuộc họp giao ban cơ quan và trăn trở tìm cách để công lý được thực thi một cách công tâm.

Trao đổi việc này và từng bài báo một cũng được dịch gửi Chủ đầu tư Patrick, ông rất cảm động và mong muốn được cơ quan báo tiếp tục đồng hành để phản ánh khách quan sự việc, bảo vệ cái đúng.

Tuy thời gian kể từ khi chúng tôi biết sự việc đến nay mới khoảng 2 tháng, tôi và ông Ole gặp nhau vài lần nhưng có vẻ như chúng tôi đã rất thân thiện bởi tôi cảm nhận Ole rất yêu đất nước tôi, yêu nghề khai thác mỏ và Ole cũng có cảm nhận tốt là chúng tôi là những người làm báo có trách nhiệm, cơ quan báo tôi xứng với cái tên “Kinh doanh và Pháp luật” cho dù Ole biết chúng tôi cũng rất áp lực khi thực hiện loạt bài điều tra xung quanh việc Công ty Hòn Thị và các dự án dẫn đến đường cùng của doanh nghiệp.

Chiều ngày 20/3, trao đổi cả buổi với tôi, Ole cho biết: Tôi rất lo lắng vì cách làm của cơ quan chức năng đẩy tôi đến tình cảnh này, các kiến nghị của các Đại sứ quán ở Việt Nam, của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, của ông Patrick gửi Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu tỉnh Khánh Hòa báo cáo, tờ báo của các bạn cũng đã phản ánh rất trung thực, khách quan và mang tính cầu thị nhưng họ vẫn không có động thái giải quyết theo hướng tích cực. Vì sao?

“Sáng nay, khi làm việc với công an tôi cũng đề nghị họ mời tất cả các ông lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Sở TN&MT và các ông có trách nhiệm cho công ty tôi khai thác tận thu đất đá, hướng dẫn nộp các loại thuế, phí tận thu và cơ quan thuế để công an điều tra làm rõ. Họ cũng đã ghi vào biên bản làm việc. Vì nếu họ cho rằng tôi có tội thì những người hướng dẫn, cho phép tôi phải là chủ mưu, là đồng phạm chứ”, Ole thẳng thắn nói với tôi, và ông cũng lo ngại cho chúng tôi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên tôi biết cả Patrick và Ole rất quyết tâm để những rắc rối hiện nay phải được làm sáng tỏ.

Tôi cũng chuyển tải tới Patrick, Ole và lãnh đạo Công ty Hòn Thị thông điệp: Với tinh thần chỉ đạo công tâm của “sếp” tôi - một Đại tá Công an nhân dân Việt Nam, người đã có hơn 12 năm giữ cương vị Phó Tổng Biên tập báo Công an nhân dân, với trách nhiệm báo chí đồng hành cùng sự phát triển đất nước, chúng tôi sẽ bằng vai trò báo chí của mình để kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc, kiên quyết đấu tranh chống lại những sai phạm, khuất tất để bảo vệ những con người, doanh nghiệp làm ăn chân chính. Hy vọng rồi đây, tình yêu mỏ của Ole sẽ không còn trắc trở.

Nhật Thăng/KD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục