Số phận “những đứa con” của Vinashin

(Kinhdoanhnet) - Vinashin sụp đổ và được thay áo mới với tên gọi Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). Trong khi công ty này vẫn đang trong tiến trình tái cơ cấu thì 73 công ty con của doanh nghiệp này đang không biết đi đâu về đâu.

Hiện nay SBIC vẫn đang gặp khó khăn trong quá trính tái cơ cấu sau 6 năm sụp đổ của Vinashin. Với một doanh nghiệp đang ì ạch cơ cấu lại thì việc mang thêm gánh nặng là 73 công ty con của Vinashin là điều không thể. Tuy nhiên phải giải quyết thế nào với 73 doanh nghiệp này khi mà Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã phủi tay thật sự là bài toán khó với SBIC.

Cũng dễ hiểu cho SCIC, vì với tình trạng hoạt động kinh doanh không còn hiệu quả của các công ty con, lại phải gánh trên vai những khoản nợ thì chẳng công ty nào muốn tiếp nhận những “quả tạ” này.

Cho đến nay, SBIC đã gửi 73 bộ hồ sơ doanh nghiệp sang Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nhưng không công ty con nào của SBIC được tiếp nhận do "không đủ điều kiện".

Chỉ có duy nhất Công ty TNHH MTV đầu tư và xuất nhập khẩu Công nghiệp tàu thủy được coi là điểm sáng nhưng những hồ sơ về đất đai, dự án đầu tư, nợ vay phải trả SBIC của nó lại chưa làm thỏa mãn SCIC.

Quay lại thời gian năm 2010 khi mà có 5 doanh nghiệp từ tập đoàn Vinashin được sáp nhập vào Vinalines là Công ty vận tải viễn dương Vinashinlines, Công ty vận tải Viễn Đông, Công nghiệp tàu thủy Sông Hậu, Công nghiệp tàu thủy Cà Mau và Cảng Năm Căn thì mỗi năm Vinalines đã phải trả lãi tới 150 tỷ đồng. Sau đó công ty Vinshinlines đã được phá sản theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.

Trong tháng 5 vừa rồi Công ty Hàn Quốc Samsung Heavy Industries cũng đã được phê duyệt mua đến 50% một chi nhánh đóng tàu của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Vinashin tại cảng Cam Ranh, chuyên trang thông tin tàu biển Seaship News đưa tin.

Số phận “những đứa con” của Vinashin - Ảnh 1
Samsung đang muốn thâu tóm 1 chi nhánh của Vinashin tại cảng Cam Ranh.

Vậy 73 công ty con này sẽ ra sao? Liệu nó có nằm trong số 50 đơn vị thành viên đã được SBIC lên kế hoạch giải thể. Câu trả lời là hoàn toàn có thể.

Vì trước đó SBIC đã phải làm thủ tục giải thể 12 đơn vị. Và hiện tại doanh nghiệp cũng đang triển khai triển khai thủ tục phá sản 11 doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ góp vốn điều lệ và 10 doanh nghiệp khác chưa hoàn thành nghĩa vụ góp vốn điều lệ.

SBIC cũng đã thực hiện rút vốn thương hiệu bằng hình thức giảm vốn điều lệ ở 45 công ty trong tổng số 105 doanh nghiệp thuộc Vinashin phải thực hiện rút vốn. Và trong thời gian tới công ty sẽ tiếp tục thu hồi giấy phép, giải thể, phá sản cho 39 doanh nghiệp nằm trong số còn lại.

Trong tình cảnh bi đát hiện tại ít ai hình dung được Tổng công ty này đã có thời hoàng kim khi mỗi ngày “đẻ ra” một công ty.

Không chỉ có công ty con mà ngay cả công ty mẹ hiện nay là SBIC cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình cổ phẩn hóa khi mà công tác tái cơ cấu nợ của Vinashin vẫn chưa hoàn thành. Hiện tại, kế hoạch cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty cũng mới chỉ dừng ở việc thành lập Ban chỉ đạo.

Mặc dù SBIC cũng đang được ưu ái về đất đai, tín dụng, và nhiều chính sách khác, song vẫn chưa thể vực lại. Hậu quả mà Vinashin để lại thật quá lớn, không chỉ cho hậu duệ là SBIC mà còn cho các công ty con và cháu nữa.

 NQ (Tổng Hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục