Con trai Tổng giám đốc PVI Bùi Vạn Thuận làm sếp lớn công ty dệt may

Con trai của Tổng giám đốc, Ủy viên HĐQT Tổng công ty bảo hiểm PVI Bùi Vạn Thuận vừa thôi chức vụ Thành viên HĐQT PVI RE, một công ty con của PVI sau hơn 3 năm tại nhiệm.

Con trai Tổng giám đốc PVI Bùi Vạn Thuận làm sếp lớn công ty dệt may - Ảnh 1
Tổng công ty CP Tái bảo hiểm PVI (PVI RE) vừa có Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng quản trị đối với ông Bùi Vạn Thành.

Tổng công ty CP Tái bảo hiểm PVI (PVI RE) vừa có Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Hội đồng quản trị đối với ông Bùi Vạn Thành và ông Trịnh Anh Tuấn và bầu bổ sung 2 thành viên thay thế là các ông Vũ Bảo Lâm và ông Lâm Nhật Sơn.

Ông Bùi Vạn Thành sinh ngày 20/8/1990, là con trai duy nhất của ông Bùi Vạn Thuận- Tổng giám đốc kiêm Ủy viên HĐQT Công ty CP PVI. Ông Bùi Vạn Thành được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT PVI RE (Công ty con của CTCP PVI, nơi bố ông Thành đang làm lãnh đạo cấp cao) từ tháng 10/2013, chỉ sau thời điểm sinh nhật lần thứ 23 của ông ít ngày.

Cuối tháng 9/2016, ông Thành đã có đơn từ nhiệm chức vụ thành viên hội đồng quản trị PVI RE, với lý do để dành nhiều thời gian cho công việc tại doanh nghiệp ông đang làm việc.

Chỉ vài ngày sau đó, ngày 4/10/2016, vị quý tử họ Bùi được bầu làm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giày da và May mặc xuất khẩu (Legamex), thay cho người đại diện phần vốn nhà nước tại đây là ông Lê Đông Triều (sinh năm 1958).

Legamex có vốn điều lệ 74 tỷ đồng, trong đó 51% là vốn nhà nước được nắm giữ thông qua Công ty Dệt May Gia Định. Doanh nghiệp này hoạt động không mấy nổi bật. Song đáng chú ý, Legamex cuối năm 2010 đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án Lega Fashion House có tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng tại số 106, đường 3/2, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh.

Khoản 5, Điều 37 Luật Phòng, Chống Tham nhũng 2005 quy định: Cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác trong doanh nghiệp của Nhà nước không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.

Theo Đình Khương/Thời báo Doanh nhân

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục