Đa cấp biến tướng ẩn nấp dưới mác "thương mại điện tử"

Ứng dụng BBI Mall bị lên án chưa được cấp phép, hoạt động dưới danh nghĩa sàn giao dịch tiện ích mua sắm online. Thế nhưng, trên thực tế đã diễn ra hàng loạt các hoạt động được cho là "mô hình đa cấp biến tướng". Đặc biệt, phó Chủ tịch HĐQT CEN Group Phạm Thanh Hưng từng là nhà đầu tư "thiên thần" rót vốn cho BBI Mall.

Ứng dụng BBI Mall do Công ty Cổ phần công nghệ Internet BBI Việt Nam (Công ty BBI Việt Nam) thực hiện hoạt động và vận hành, hướng đến các đối tượng thành viên là cá nhân, doanh nghiệp có thể tham gia hoạt động thương mại điện tử.

Được biết, BBI Mall là một ứng dụng mua sắm kết nối người bán và người mua, cho phép tích điểm lên đến 100% giá trị sản phẩm. BBI Mall cho biết, sau khi mua sắm mỗi ngày người dùng được 0,05% giá trị tích điểm được chuyển vào ví chuyển đổi, sau khi ví chuyển đổi đạt 500.000 đồng tích lũy thì có thể được rút về ngân hàng.

Với châm ngôn hoạt động “mua càng nhiều, số điểm càng cao, hoàn tiền càng lớn”, sau 2 năm hoạt động ứng dụng này đã dễ dàng thu hút được hàng trăm ngàn người tham gia. Tuy nhiên hoạt động của công ty bị biến tướng dưới nhiều hình thức…

Đa cấp biến tướng ẩn nấp dưới mác "thương mại điện tử" - Ảnh 1
Trụ sở chính của BBI Mall tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Lãi suất khủng khiến BBI thu hút người tham gia

Sau hai năm đi vào hoạt động, BBI Mall đã có hơn 600.000 User ID trên cả 2 nền tảng IOS và Android, đồng thời cũng liên kết với hơn 500 doanh nghiệp và hơn 3.000 Shop online, tạo ra hàng triệu giao dịch thành công trên ứng dụng.

Có được kết quả như này, đều do lời mời chào hết sức hấp dẫn đến từ lãnh đạo BBI Việt Nam khi nói rằng ứng dụng BBi Mall có cơ chế tích điểm và hoàn lại số điểm một cách dần dần, tiêu dùng càng nhiều, tích điểm càng lớn.

Theo báo điện tử Công Luận, BBI có dấu hiệu biến tướng trong hoạt động khi có nhiều giao dịch “ảo” mua bán những sản phẩm không có thật, chỉ nhằm mục đích thu hút người sử dụng đổ tiền vào ứng dụng, tương tự với hoạt động đa cấp.

Cụ thể, khi khách hàng mua sắm trên App BBI sẽ được doanh nghiệp (người bán) chiết khấu % nhất định, tối thiểu 1% giá trị sản phẩm. BBI Mall sẽ lấy số tiền đó và thanh toán cho người tiêu dùng gấp 8 lần nếu tài khoản BBI hạng thường còn nếu là tài khoản bạch kim thì được trả theo cơ chế 0,05%/ngày (tương đương 18%/năm).

Đã có nhiều người được mời tham gia sử dụng ứng dụng BBI Mall và được hướng dẫn lập 2 tài khoản: một tài khoản bán hàng và một tài khoản mua hàng. Sau đó, người dùng tự thực hiện giao dịch “ảo” giữa 2 tài khoản của mình.

Đa cấp biến tướng ẩn nấp dưới mác "thương mại điện tử" - Ảnh 2
Giao diện chính của ứng dựng BBI Mall. (Ảnh chụp màn hình).

Báo Lao động ngày 11/12 mới đây đưa tin, Chị P. (Hà Nội) được mời tham gia sử dụng BBI Mall. Ban đầu, chị này được hướng dẫn lập 1 tài khoản bán hàng và 1 tài khoản mua hàng bằng 2 thông tin khác nhau rồi thực hiện 1 giao dịch ảo trị giá 400 triệu đồng giữa các tài khoản.

Với tư cách là người bán, chị P. sẽ chuyển trực tiếp khoản hoa hồng 40 triệu đồng (tương đương 10% giá trị đơn hàng) vào tài khoản ngân hàng của Công ty BBI Việt Nam với lý do "phí dịch vụ". Đổi lại, trong tư cách người mua, chị sẽ được tích 400 triệu điểm trên ứng dụng BBI. Số điểm này theo công thức hoàn tiền được quảng cáo là ưu việt của BBI, sẽ được chuyển đổi thành tiền mặt theo tỉ lệ 0,05% mỗi ngày và trả liên tục về cho chủ tài khoản cho đến khi hết số điểm tích lũy.

Tính ra với 40 triệu đồng “đầu tư”, chị P. sẽ được tích 400 triệu điểm và sau 12 tháng sẽ thu về tổng cộng hơn 73 triệu đồng, tương ứng với lãi suất 180%/năm. Chưa kể việc ở trong vai người bán, chị cũng vẫn sẽ BBI trả số điểm tương đương với khoản hoa hồng nộp vào là 40 triệu điểm. Nếu tính cả 2 khoản này, sau 1 năm, chị P. nhận về 80 triệu đồng - Tương đương lãi suất 200%.

Đây là mức siêu lãi suất mà khách hàng có được khi dùng ứng dụng BBI Mall. Chỉ có điều là không có sản phẩm thật, hàng hóa chỉ là sản phẩm “ảo” với mục đích giúp người dùng liên tục tạo ra các đơn hàng rồi chuyển tiền, tích điểm. Bản chất là người dùng đang mua một sản phẩm không có thật, nhưng lại gửi tiền mặt vào hệ thống của Công ty BBI Việt Nam.

Đặc biệt, để thu hút các khách hàng, ứng dụng BBI Mall còn tạo ra cơ chế giới thiệu cá nhân sẽ được hưởng 5% tổng điểm tích lũy trong tài khoản tích điểm cho tới đời thứ 9.

Cụ thể, nếu người số 1 giới thiệu người số 2 vào hệ thống thì người số 1 ngay lập tức nhận được 5% hoa hồng dựa trên mức chi tiêu của người 2. Người 2 giới thiệu người 3 thì người 2 nhận 5%, còn người 1 cũng nhận được 2,5% hoa hồng của người 3. Cứ thế cho đến người tham gia thứ 10.

Ví dụ, người thứ 2 tiêu dùng 100 triệu thì người đứng đầu sẽ được hưởng 5% tương đương với 5 triệu. Người thứ 3 (do người thứ 2 giới thiệu) tiêu 100 triệu thì người đầu tiên được hưởng 2,5% tương đương với 2,5 triệu và người thứ 2 cũng được hưởng 5% theo quy định.

Riêng đối với doanh nghiệp sẽ được hưởng ít nhất từ 2,5% đến 5% tổng tích điểm, tiếp đó sẽ được hưởng hoa hồng cho tới đời doanh nghiệp thứ 5, qua đó sẽ giúp khách hàng có những khoản thu nhập “khủng” mà không cần làm gì.

Như vậy, hoạt động của công ty BBI Mall Việt Nam không nhắm tới việc bán hàng, kinh doanh mà chỉ nhằm mục đích huy động để người sử dụng nộp tiền vào hệ thống nhằm hưởng lãi, quyền lợi “ảo”.

Cũng theo báo Lao động, ứng dụng BBI Mall vẫn chưa được giấy phép hoạt động. Thậm chí, công ty này còn không có cả website giao dịch. Tra cứu thông tin từ Cổng thông tin Quản lý hoạt động Thương mại điện tử của Bộ Công thương, cái tên BBI Mall hoàn toàn không có trong cơ sở dữ liệu đã được cấp phép.

Lợi dụng người nổi tiếng để tăng niềm tin cho khách hàng

Đa cấp biến tướng ẩn nấp dưới mác "thương mại điện tử" - Ảnh 3
BBI Mall dùng những người nổi tiếng để tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng ứng dụng.

BBI Mall Việt Nam thực sự rất tinh vi khi lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng có uy tín để gia tăng sức hút. Người nổi tiếng đó không ai khác chính là “người nhà”, doanh nhân Phạm Thanh Hưng (còn gọi là Shark Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup) để quảng cáo trên các trang mạng xã hội và thậm chí đưa luôn vào các tài liệu phát hành chính thức.

Theo Đời sống và Pháp lý, Shark Phạm Thanh Hưng từng đánh giá BBI Mall là mô hình startup non trẻ, đang trong giai đoạn phát triển và thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Vì thế, BBI Mall sẽ gặp phải những vấn đề liên quan đến pháp lí cần điều chỉnh và khắc phục trong tương lai.

Đa cấp biến tướng ẩn nấp dưới mác "thương mại điện tử" - Ảnh 4
Shark Hưng luôn "đồng hành" cùng BBI Mall Việt Nam khiến nhiều khách hàng tin tưởng đổ tiền vào ứng dụng.

Tháng 1/2019, Shark Phạm Thanh Hưng đã kí kết thỏa thuận hợp tác với ứng dụng mua sắm tích điểm BBI Mall.
Trong một sự kiện khác tổ chức vào tháng 3, Shark Hưng còn vui vẻ khẳng định "sau lễ ký kết, hôm nay tôi đã trở thành người nhà của BBI rồi".

Tuy nhiên, sau lùm xùm hoạt động không giấy phép và “trá hình đa cấp”, ngày 13/12, đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ Internet Việt Nam (BBI Việt Nam) cho biết Shark Hưng đã thoái toàn bộ vốn khỏi ứng dụng mua sắm tích điểm BBI Mall, không còn là “nhà đầu tư thiên thần”.

Shark Hưng cũng khẳng định mình không còn liên quan đến startup này trong thời gian tới.

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục