Đã có 18 ngân hàng "tốt nghiệp" Basel 2, công ty con của SCIC muốn thoái sạch vốn khỏi MBBank

Tuần qua, BIDV là ngân hàng thứ 18 đạt chuẩn Basel 2. Đồng thời, Sacombank tiếp tục chật vật chào bán lần thứ 9 lô cổ phiếu 'con cưng' một thời của đại gia Trầm Bê. Ngoài ra, công ty con của SCIC muốn thoái toàn bộ vốn tại MBBank. BIDV lại chật vật s

Đã có 18 ngân hàng được áp dụng Basel 2 trước hạn

Basel là một trong những chuẩn mực quản trị rủi ro được áp dụng tại hầu hết các ngân hàng thương mại hàng đầu trên thế giới từ nhiều năm qua. Tại Việt Nam, từ năm 2017 trở về trước, khái niệm Basel 2 còn khá xa lạ, nhưng từ cuối năm 2018 đến nay nó đã trở nên quen thuộc hơn với thị trường.

Cách đây 6 năm đã giao cho 10 ngân hàng áp dụng thí điểm Basel 2 về an toàn vốn (trụ cột thứ nhất của Basel 2) – mà sau đó đến cuối năm 2016 được cụ thể hóa tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41). 10 cái tên được chọn để thí điểm là những ngân hàng lớn nhất lúc bấy giờ, bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Sacombank, MB, Techcombank, ACB, VIB, Maritime Bank (MSB) và VPBank.

Cuối tháng 11/2018, VIB và Vietcombank là 2 ngân hàng đầu tiên được thống đốc trao quyết định áp dụng Basel 2 trước thời hạn.

Đã có 18 ngân hàng "tốt nghiệp" Basel 2, công ty con của SCIC muốn thoái sạch vốn khỏi MBBank - Ảnh 1

Mới đây nhất, ngày 29/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành quyết định chấp thuận cho BIDV triển khai áp dụng Thông tư 41/2016 về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đối với các tổ chức tín dụng theo chuẩn Basel II từ ngày 1/12.

Được biết, BIDV là 1 trong 10 ngân hàng thương mại được NHNN Việt Nam lựa chọn triển khai thí điểm Basel 2. Từ năm 2015, BIDV đã thuê tư vấn phân tích chênh lệch và xây dựng Lộ trình triển khai Basel.

Trong suốt giai đoạn từ 2015 đến 2019, BIDV đã đồng loạt tổ chức triển khai các dự án nhằm tuân thủ các tiêu chuẩn Basel bao gồm: các dự án về cơ cấu tổ chức quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel; các dự án về hệ thống khung quản trị và kho dữ liệu; các dự án về phương pháp luận quản lý các loại rủi ro trọng yếu; dự án về giải pháp đo lường, quản lý các loại rủi ro trọng yếu; nâng cao năng lực kiểm toán theo chuẩn mực Basel.

Như vậy, đến thời điểm này trong nhóm 4 ngân hàng lớn nhất mới chỉ có BIDV và Vietcombank đáp ứng được Basel 2, còn Agribank và VietinBank vẫn "án binh bất động".

Đến nay, chỉ còn khoảng 15 ngày nữa thời hạn áp dụng của thông tư 41/2016/TT-NHNN của NHNN sẽ có hiệu lực. Tính đến thời điểm này đã có 16 ngân hàng trong nước và 2 ngân hàng nước ngoài được áp dụng trụ cột 1 của chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế Basel 2. Gồm Vietcombank, ACB, MB, Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, SeABank, MSB, Viet Capital Bank, OCB, VIB, VietBank, LienVietPostBank, NamABank, Standard Chartered Việt Nam, Shinhan Việt Nam và BIDV.

Đầu tư SCIC muốn thoái sạch vốn khỏi MBBank

Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) (công ty con của SCIC) đã đăng kí bán toàn bộ gần 1,8 triệu cổ phần nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - MBB) theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 12/12/2019 đến ngày 10/1/2020.

Giao dịch theo mục đích đầu tư tài chính theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Hiện SIC đang nắm giữ gần 1.8 triệu cổ phiếu MBBank, tương đương tỷ lệ sở hữu vốn là 0.077%. Nếu giao dịch thành công, SIC sẽ không còn là cổ đông của MBBank.

Tuy nhiên, công ty mẹ của SIC là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện vẫn đang là cổ đông lớn của MBBank khi nắm 227.3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu vốn là 9.58%.

Đã có 18 ngân hàng "tốt nghiệp" Basel 2, công ty con của SCIC muốn thoái sạch vốn khỏi MBBank - Ảnh 2

Trước đó, nguồn tin từ Bloomberg cho hay, MB có kế hoạch huy động khoảng 240 triệu USD từ việc bán 7,5% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài (tương đương 141,5 triệu cổ phiếu mới và 47 triệu cổ phiếu quỹ). Như vậy, tính ra, mỗi cổ phiếu MBB được kỳ vọng bán với giá khoảng 30.000 đồng.

Thương vụ này dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 11, theo nguồn tin từ Bloomberg. Đồng nghĩa có thể đến thời điểm hiện tại, MB đã đàm phán xong một phần hoặc toàn bộ thương vụ và động thái bán ra 23 triệu cổ phiếu quỹ là bước đi đầu tiên.

Được biết, MB đã chào bán cổ phần cho khoảng 100 nhà đầu tư và hiện đang làm việc với khoảng 40 nhà đầu tư từ các quốc gia bao gồm Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore và Hàn Quốc.

MBBank cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 với lãi sau thuế 5.718 tỷ đồng, cao hơn 30% so với cùng kỳ 2018. Tổng tài sản ở mức 385.516 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm trước. Tiền gửi khách hàng đạt 255.627 tỷ đồng, tăng 6,2%.

Tất cả mảng kinh doanh của MBBank đều ghi nhận sự tăng trưởng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 16% lên 3.734 tỷ đồng, trong khi thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 38% lên 368,4 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh khác tăng 1,5 lần lên 887 tỷ đông, đồng thời hoạt động đầu tư góp vốn dài hạn cũng chuyển từ âm 48 tỷ đồng năm trước sang có lãi 160 tỷ đồng trong năm nay.

Tuy nhiên, dư nợ tăng 11% lên gần 230.143 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ ở mức 1,35%, tăng so với con số 1,22% cuối năm trước, chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng gần 390 tỷ đồng lên 1.345 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nguồn tiền gửi "giá rẻ" tại MBBank sụt giảm rõ rệt. Cuối tháng 9, tiền gửi không kỳ hạn tại MBBank là 70.709 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Tiền gửi vốn chuyên dùng cũng giảm hơn một nửa xuống còn 2.194 tỷ đồng. Tiền gửi ký quỹ giảm 22% xuống 12.134 tỷ. Theo đó, ước tính tỷ lệ CASA của ngân hàng giảm từ mức 41% hồi đầu năm xuống còn 33% cuối tháng 9.

Sacombank lại chật vật chào bán lô cổ phiếu 'con cưng' một thời của Trầm Bê

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tiếp tục thông báo về việc chào bán lô cổ phần sở hữu tại Công ty Cổ phần Thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam (NJC).

Trong lần rao bán thứ 9 này, Sacombank sẽ bán 17.96 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 86.75 tỷ đồng/lô cổ phiếu, giảm 114 tỷ đồng so với mức giá rao bán lần đầu.

Trong lần đầu tiên chào bán cổ phiếu của NJC, Sacombank đưa ra mức khởi điểm chào bán hơn 201 tỷ đồng/lô cổ phiếu.

Thời gian đăng ký và đặt cọc từ ngày 09/12/2019 đến 16h00 ngày 13/12/2019.

Được biết, trước đó, nhà băng này đã 8 lần rao bán lô cổ phần tại công ty vàng nói trên nhưng không thành công.

Đã có 18 ngân hàng "tốt nghiệp" Basel 2, công ty con của SCIC muốn thoái sạch vốn khỏi MBBank - Ảnh 3

NJC được thành lập đầu năm 2007 với hậu thuẫn là Ngân hàng Phương Nam. Ông Trầm Bê từng là cổ đông sáng lập và giữ chức Phó chủ tịch HĐQT công ty này.

Đạt đỉnh vào giai đoạn 2009-2010 với doanh thu từ 6.600-7.600 tỷ đồng và lợi nhuận gần 40 tỷ đồng, hoạt động của công ty bắt đầu lao dốc sau đó một năm như các đơn vị cùng ngành và lần đầu ghi nhận lỗ vào năm 2013.

Xuất phát từ những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, giữa tháng 8/2013, NJC đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua việc chuyển đổi mô hình công ty từ công ty cổ phần sang công ty TNHH 2 thành viên.

Khi đó, ông Trầm Bê tuyên bố sẽ mua lại cổ phần của cổ đông khi chuyển mô hình hoạt động. Tuy nhiên, quyết định thời điểm đó không được thông qua do Đại hội phải tạm hoãn. Kế hoạch chuyển đổi cũng bị tạm dừng cho đến hiện tại với lý do được ban lãnh đạo đưa ra là cổ đông chưa bán lại hết cổ phần.

Tuy nhiên, từ năm 2011 -2016, hoạt động kinh doanh của Vàng Phương Nam bắt đầu lao dốc và lần đầu ghi nhận thua lỗ vào năm 2013.

Theo BCTC, tổng tài sản của NJC đến cuối năm 2016 ở mức 1.015 tỷ đồng. Nợ phải trả chiếm 61% tổng tài sản với hơn 616 tỷ đồng, chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn.

Trước khi ông Trầm Bê bị bắt, NJC cố gắng xoay sở để đưa mô hình về công ty TNHH nhưng không thành. Sau những khoản lỗ, NJC chuyển hướng đẩy mạnh sang kinh doanh vàng nữ trang song không thể cạnh tranh lại với các thương hiệu lớn như PNJ, DOJI,…

Hà Phương (t/h)


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục