Doanh nhân Lê Thanh Thản: Nghiệp và đời đâu dễ thênh thang

Thật khó nhận ra anh ngay từ lần gặp đầu tiên, bởi trong hình dung của tôi, một doanh nhân thành danh như anh phải khác xa với những gì anh thể hiện.

Lần thứ hai, gặp lại anh tại khách sạn Mường Thanh, Hà Nội vào mùa hoa ban nở, không chỉ còn là phong thái giản dị, chân chất và có chút gì quê kiểng của lần đầu mà tôi gặp ở thành Vinh. Anh vừa gần gũi, vừa thật khó nắm bắt. Người ta nói rằng, mỗi cái tên đều có một số phận tương ứng. Thế nhưng, anh lại nhận phận mình “ấm ít lạnh nhiều”, nửa đời ở Tây Bắc, cuối đời Tây Nguyên mà vẫn chưa thanh thản. Có thể cũng bởi tại trời đã “trêu chọc” với tên anh. Mà cũng có thể bởi anh quá nghiêm khắc, quá khắt khe với chính mình.

Anh là Lê Thanh Thản, người đầu tiên thành lập doanh nghiệp xây dựng tư nhân ở Lai Châu, cũng là người làm cho thương hiệu Mường Thanh nổi danh ngay giữa lòng đất nước, người có khả năng làm cho “đất hóa vàng”, qua tay anh những vùng đất hoang vu ở hầu hết các tỉnh thành bỗng chốc trở thành những khu thương mại, chung cư đông đúc.

Doanh nhân Lê Thanh Thản: Nghiệp và đời đâu dễ thênh thang - Ảnh 1
Doanh nhân Lê Thanh Thản.

Tay trắng lập nghiệp

Có lẽ, ít có doanh nhân nào mà lý lịch trích ngang lại ngắn gọn như Lê Thanh Thản: “Nhà có năm anh em, 3 trai, 2 gái. Ông nội là một lão thành cách mạng còn bố là giáo viên rồi chuyển sang làm chủ nhiệm. Nhà đông con nên vất vả. Quê nghèo. Cầm tinh con trâu nên quanh năm suốt tháng cứ phải kéo cày.” Cũng “nhút mặn cà chua” như bao học trò nghèo lớn lên trên vùng đất ấy, mảnh đất cha ông.

Năm 1970, học xong trung học, anh vào bộ đội rồi tham gia trận mạc ở chiến trường Trị Thiên Huế. Kỷ niệm về đời lính đã cho anh những câu thơ để đời: “Trải nghiệm đời ở cả hai vai… Thiếu đủ điều, chỉ thừa lửa chiến tranh … Một phút dừng chân cũng quá mơ hồ”… (Kỷ niệm đời lính, 1972). Năm 1976, chiến tranh kết thúc như bao người lính khác, anh khoác ba lô về quê.

Tại đây lúc đầu anh làm Bí thư đoàn xã rồi Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong huyện. Được cử đi học trường Đảng, sau đó đầu quân lên Tỉnh ủy Lai Châu. Kế đến là thời gian điều động công tác qua các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Lay và cuối cùng là Điện Biên. Đường quan lộ đang thênh thang rộng mở thì năm 1987 (bắt đầu đổi mới), anh bất ngờ rẽ lối ra làm kinh doanh riêng để lấp dần những thiếu thốn, cái đói, cái nghèo.

Khởi nghiệp từ việc làm gạch, ngói, đốt vôi, buôn bán nông sản... nhỏ lẻ thôi! Nhưng sau 2 năm, với sự đóng góp của anh, toàn bản Mường Lay đã được ngói hóa 100%. Sau đó, cũng chính anh là người quyết định “liều” vì ngày đó chưa có kỹ thuật xây cao tầng. Tất cả, anh đều mày mò tự học. Và tất nhiên, đó cũng là cái nhà cao tầng đầu tiên của tỉnh Lai Châu, đơn vị đầu tiên trong ngành xây dựng của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Cơ hội đến, anh “đổ bộ” sang Lào xây dựng hàng loạt công trình trên đất bạn. Công trình xây dựng đầu tiên là trụ sở Tỉnh ủy Phongsaly (Lào), cũng là công trình nhà 2 tầng đầu tiên trên đất bạn. Ngày ấy, khó khăn lớn nhất là về chuyên môn và nhân công. Thế nhưng với sự quyết đoán của mình, anh vừa làm vừa học, rồi táo bạo vào tận miền Nam đưa một đội ngũ thợ có trình độ kỹ thuật cao sang Lào làm việc, chấp nhận chi phí cao gấp mấy lần.

Sau thành công của công trình này, anh tiếp tục trúng thầu các công trình hạ tầng lớn khác trên nước bạn. Cho đến năm 1996 (sau gần 10 năm), khi đồng kíp mất giá, anh mới rút về nước, rồi mở rộng sang kinh doanh khách sạn để rồi đến thời điểm này, một seri gồm 53 khách sạn đạt chuẩn 4 – 5 sao mang thương hiệu Mường Thanh trải dài ở mọi miền đất nước.

Người ta còn nhớ năm 1999, Lê Thanh Thản bắt đầu chiến dịch “đổ bộ” xuống Hà Nội.Và nơi anh chọn để dựng cơ nghiệp tại Thủ đô là khu đô thị Linh Đàm. Theo lời anh giải thích, Linh Đàm là đất có hồ thiêng, vốn là vùng đất ngập úng của Hà Nội, nhưng lại hợp với tử vi của anh. Những ngày đầu mới mua đất làm nhà, ở đây vắng vẻ đến mức, đêm 30 Tết anh phải ra đường chèo kéo mấy ông xích lô vào nhà cùng uống rượu đón giao thừa. Và bây giờ, Linh Đàm đã trở thành một trong những khu đô thị mới ở Hà Nội. Nên mỗi khi nhắc đến khu đô thị này, nhiều người không thể không nhắc đến tên anh.

Từ khách sạn Mường Thanh, Linh Đàm rồi Đầm Trấu, Định Công, những tòa nhà cao tầng liên tục đua nhau mọc lên trên những vùng đất trước đây vốn dĩ là bãi rác, người ta chê ỏng chê eo mua đi bán lại cũng chỉ vài triệu đồng một mét vuông nhưng qua tay anh “đất đã hóa vàng”. Tuy nhiên, với cái triết lý kinh doanh “mỗi người hưởng một chút lộc”, anh xây căn hộ bán với giá rẻ. Độ ấy ở Hà Nội, với cơn sốt ảo nhà chung cư, người ta đổ xô đi ghi tên, đặt tiền trước để mua căn hộ rồi bán lại cho nhau trên giấy.

Có những thời điểm, nếu may mắn mua được giá gốc, người ta kiếm được cả trăm triệu bằng cách mua đi bán lại. Có thời điểm một ki ốt 17 m² ở chung cư Định Công, anh chỉ bán 170 triệu đồng trên sổ sách từ khi động thổ, người ta sang tên cho nhau ngay với giá 350 triệu, đến khi nhận nhà lên tới 550 triệu và bây giờ là tiền tỷ. Với cung cách làm ăn “lộc bất tận hưởng” này, đã có rất nhiều người giàu lên từ việc mua lại 3 tòa nhà với 300 căn hộ của anh.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể cắt nghĩa được về cách làm việc cũng như bí quyết làm giàu của anh. Chỉ biết rằng, anh luôn là người quyết đoán, đã có ý định làm gì thì làm cho bằng được, với những ý tưởng đi trước nhiều người, bạn bè và những người biết anh đều cho rằng, anh vượt trội hơn người đời bởi cái tính quyết đoán, anh bước vào thương trường và đến với cuộc đời bằng triết lý của một người luôn coi trọng chữ tâm! Không quản trị kinh doanh cũng chẳng công nghệ thông tin - vốn là những công cụ dường như không thể thiếu với doanh nhân thời 4:0 - Anh kinh doanh bằng cách riêng của mình, chẳng giống ai, cứ như là thiên bẩm vậy!

Là nhà báo tôi đã có hàng chục chuyến tháp tùng các vị lãnh đạo cấp cao đến thăm hữu nghị các nước của 5 châu lục, được bố trí ăn ở tại các khách sạn của các tập đoàn khách sạn tầm cỡ thế giới như Hintơn, Novotel,…Tôi chợt nhận ra rằng: Ở Việt Nam, người đang hiện hữu chuỗi khách sạn sang trọng như thương hiệu của các tập đoàn ấy, không ai khác chính là Mường Thanh và doanh nhân làm nên thương hiệu ấy là Lê Thanh Thản.

Cách đây không lâu, trong dịp về quê anh, vùng Diễn Lâm - Diễn Châu trong dịp khánh thành Trường PTTH tư thục Nguyễn Du, anh có tâm sự với chúng tôi: Sau khi hoàn thành những tâm nguyện với quê hương, anh sẽ rút vào hậu trường để ngơi nghỉ, để lòng thanh thản. Nhưng xem ra cả sự nghiệp lẫn đời của anh đâu có dễ thênh thang. Cái số cầm tinh con trâu khiến anh vẫn phải lặng lẽ “kéo cày”. Những kế hoạch đầu tư lớn lại tiếp tục được anh hoạch định.

Trước mắt, bên cạnh chuỗi Khách sạn Mường Thanh đang hiện hữu ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, xem chừng anh vẫn chưa muốn dừng lại mà tiếp tục bổ sung thêm nhiều khách sạn sang trọng nữa. Ngoài chuỗi khách sạn đang hiện hữu, từ năm 2007, anh đưa quân đổ bộ vào đầu tư các khu đô thị với các tòa nhà giá rẻ. Sau khu khu đô thị mới Xa La (Hà Đông) với diện tích khoảng 30 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hàng nghìn tỷ đồng khởi công từ ngày 15/03/2007, tại đây ngoài những căn hộ chung cư, còn có 400 nhà liền kề, 300 biệt thự cùng Trung tâm thương mại, câu lạc bộ, hội trường, khu vui chơi giải trí, công viên, trường học, bệnh viện, khu đô thị mới Xa La còn dành một không gian lớn cho cây xanh công viên, thể dục thể thao, chiếm 10.94% diện tích đất xây dựng khu nhà ở, đạt bình quân 3,98 m/người.

Ngoài diện tích cây xanh tập trung, cây xanh còn được trồng dọc hai bên các tuyến đường giao thông, các khu vực thể dục thể thao tạo không gian yên tĩnh, trong lành cho người già và các em nhỏ. Sau ít năm xây dựng, làng Xa La hôm nay đã trở thành một trung tâm thương mại, khu đô thị sầm uất, hiện đại, tiện lợi vào bậc nhất của quận Hà Đông – Hà Nội, một trong những cửa ngõ quan trọng của thủ đô Hà Nội.

Từ những thành công trong việc đầu tư xây dựng khu đô thị Xa La, doanh nhân, đại gia điếu cày Lê Thanh Thản, cách nay 1 năm người ta thấy anh đổ bộ vào việc đầu tư khu đô thị Thanh Hà. Với cái duyên đầu tư, kinh doanh nhà giá rẻ, phù hợp với túi tiền của số đông người dân, tại khu đô thị Thanh Hà, như anh nói: Chỉ trong 3 tháng đã bán hết 4000 căn hộ. Nhiều gia đình thu nhập vừa đã bán nhà trên phố về đây mua 2 căn hộ, một cho vợ chồng con cái, một cho bố mẹ và còn để tiền mua thêm một cái ô tô để đi vào trung tâm làm việc.

Nặng trĩu ân tình xứ Nghệ

Sáng Nghệ An, chiều Hà Nội, tối Lai Châu. Đó là chuyện của những năm trước, còn bây giờ thì sáng Hà Nội, chiều Nha Trang, tối Cần Thơ, Phú Quốc… Năm quê, bốn chốn là nhà, anh cứ mải miết đi như một người sợ mình lỡ hẹn với thời gian. Bao năm đi qua, nhưng những thói quen cố hữu và có phần “bảo thủ” của anh nông dân xứ Nghệ chất phác, ngang ngang ngày nào vẫn vậy: Phòng không biển hiệu, không điện thoại cố định, cũng không danh thiếp. Vẫn trung thành với tương cà, mắm muối. Vẫn đắm say với những khúc hát dân ca, những điệu đò dưa ví dặm, những vần thơ nặng trĩu chữ tình.

Bao năm qua, từ khi chỉ có cái khách sạn mini Điện Biên Phủ cho đến nay, khi đã là ông chủ của cơ nghiệp xếp vào hàng "top ten" của đất nước, dường như anh chẳng hề thay đổi! Vẫn là người đàn ông nước da nâu và thô ráp, khuôn mặt đặc sệt “dòng dõi nhà quê” như cách nói của nhà văn Nguyễn Trọng Tạo, ngồi bên chiếc điếu cày, “bắn” thuốc lào với những đụn khói đùn lên trắng xóa, uống nước chè chát từ cốc này đến cốc khác, mọi cử chỉ đều chậm rãi, nhàm chán.

Mỗi buổi sáng anh cũng chỉ điểm tâm bằng bát cơm nguội chan với nước mắm Vạn Phần. Rượu Tây thì không hề biết uống, cứ ngửi thấy mùi là đã say. Bữa cơm nhà anh bao giờ cũng chỉ có món tép đồng rang mặn, cá biển nướng kho mặn, dưa muối dọc mùng và cơm nấu xoong gang.

Ai đi xa mà chẳng yêu quê, nhất lại là quê nghèo, cũng giống như người con thương mẹ! Anh cũng vậy. Dường như tình yêu ấy đã theo anh vào cả những giấc mơ. Nó thôi thúc anh phải làm một điều gì đó để tri ân với “mẹ” nghèo. Đó là Diễn Lâm - Diễn Châu, một vùng đất nức tiếng hiếu học nhưng cũng nức tiếng… nghèo. Trời chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt.

Nơi mà cách đây hơn 60 năm, mới vào lớp 6, anh đã phải một buổi đi học, một buổi đi chặt củi để phụ giúp gia đình. Sáng sớm tinh mơ, đã gánh củi với đôi chân trần không dép, quần rách toác, bụng đói meo, đi bộ gần 12km ra chợ Giát bán, rồi lại vòng về trường đi học. Nơi mà những người dân quê anh luôn sống trong cảnh lam lũ, thiếu thốn triền miên. Nơi mà kiếp sông con người chỉ gói gọn trong những ước mơ nhỏ nhoi về cơm áo…

Thế mà sau gần 30 năm anh trở lại, điều kiện vật chất ở quê anh xem ra vẫn chẳng có gì thay đổi, lớp trẻ vẫn phải lội bộ đến trường trên những con đường xa lắc (từ 12-14km).Dân quê anh vẫn còn quá nhiều người trong diện đói nghèo. Nghẹn lòng, anh quyết định xây trường. Dốc hết tâm sức để hoàn thành trước ngày khai giảng. Chỉ trong vòng 7 tháng, ngôi trường tư thục hiện đại, khang trang đầu tiên trên đất Diễn Châu đã mọc lên sừng sững như một niềm tin, một hy vọng, một nỗi tự hào.Tiếp đó là một bệnh viện để chữa bệnh cho người dân quê anh.Không vì mục đích kinh doanh mà mong sao cuộc sống người dân nơi đây được cải thiện.

Tôi đã từng có cơ hội diện kiến nhiều doanh nhân – nghệ sỹ. Nhưng nghệ sỹ đến mức như anh thì tôi dám chắc không nhiều. Có phải cũng vì điều này mà anh kết thân với nhiều nghệ sỹ chăng? Tôi không khẳng định bởi đó chỉ là phỏng đoán. Nhưng có điều tôi biết, chất nghệ sỹ ấy đã thấm trong anh tự thuở nào. Âm nhạc đã được nuôi dưỡng trong anh suốt một thời chăn trâu, cắt cỏ. Tiếng thơ tiếp thêm sức mạnh cho anh trong suốt những cuộc hành quân. Những câu hò ví dặm đã theo anh đi “qua bao thác, bao ghềnh”, rồi lắng lại thành cái chất Nghệ hồn nhiên, đậm đà mà vô cùng trong trẻo.

Dường như qua rất nhiều thăng trầm, song với anh vẫn không hề thay đổi. Vẫn đa cảm. Vẫn nặng lòng với những câu ví giận thương. Vẫn luôn khắc khoải bởi hình ảnh ấy không chỉ chập chờn trong mỗi giấc mơ mà còn hiện hữu trong chính những bức ảnh mà anh “chớp” được mỗi khi có dịp về thăm mẹ.

Trong số những tác phẩm mà anh “đặc tả” quê hương, tôi đặc biệt bị chinh phục bởi bức ảnh “Phiên chợ Giát” - không chỉ bởi mối liên tưởng đến tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Minh Châu mà còn vì qua nụ cười “như mùa thu tỏa nắng” của các mẹ, các chị, người xem dễ dàng cảm nhận được cái tình quê sâu lắng luôn thường trực trong tâm hồn người con xa xứ. Rồi những bài thơ anh viết, nếu tập hợp lại cũng có thể in được thành mấy quyển. Trong đó, có nhiều bài đã được phổ nhạc, đã ngân vang khắp cả hệ thống khách sạn mang thương hiệu Mường Thanh trên toàn quốc, đã khiến nhiều người nghe, dù vô tình hay cố ý đều không thể không xúc động, vấn vương…

Sau lễ khánh thành trường THPT Tư thục Nguyễn Du (2006), là việc hoàn thành bệnh viện, đường sá (với vốn đầu tư toàn bộ hàng trăm tỷ đồng). Công trình khánh thành vào dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19/05/2007 để người dân Diễn Lâm quê anh bớt nhọc nhằn, để các thế hệ trẻ tương lai có điều kiện học tập và khám chữa bệnh ngang bằng các địa phương khác là lòng anh… thanh thản.

Mà không chỉ có vậy, hằng năm cứ vào dịp Tết, hàng chục tấn gạo lại được anh cho người chở về quê để phát cho tất cả các hộ trong làng. Ngôi đình cổ hơn 300 năm cũng được anh tu sửa và xây dựng lại khang trang, hoành tráng. Dường như ở Diễn Châu, xứ Nghệ từ người già đến trẻ, từ sự kiện lớn đến bé ở quê bao giờ cũng gắn với tên anh. Người ta không chỉ gọi đường ông Thản, trường ông Thản mà còn là đình ông Thản, thậm chí là gạo ông Thản, trâu ông Thản…

Doanh nhân Lê Thanh Thản: Nghiệp và đời đâu dễ thênh thang - Ảnh 2
Ông Lê Thanh Thản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh tặng tỉnh Phú Thọ bức tranh "Mã đáo thành công".

Làm kinh doanh thời bấy giờ, theo anh là phải biết dừng đúng lúc. Không tham quá và phải biết chia sẻ. Trên đời này, nếu mình chỉ biết lo cho mình thì sẽ không ai lo cho mình cả. Anh đã nói vậy, đã làm vậy và cũng không hề giấu giếm cái ý định muốn được dừng lại, được nghỉ ngơi. Nhưng rồi cứ nghĩ, nhiều anh em mình cả đời mà vẫn không mua nổi cái nhà. Rồi còn bao nhiêu anh em, bạn bè, bà con không có công ăn việc làm. Mình làm kinh doanh có thể đỡ đần được nhiều người.

Mà không nói đâu xa, những người đồng nghiệp, đồng chí gắn bó với anh từ thuở hàn vi, trận mạc trong chiến tranh từ ngày khởi nghiệp đến nay, bây giờ gia đình ai cũng có điều kiện và khấm khá. Với anh, đó chính là phần thưởng, cũng là niềm hạnh phúc lớn hơn bất kỳ mọi giải thưởng và danh hiệu.

Thế là anh lại cố, lại bị cuốn vào những kế hoạch và dự định mới, dường như chưa bao giờ được dừng lại để ngơi nghỉ… Không biết mẹ anh, một người mẹ nghèo, khi đặt tên con có gửi gắm cái nguyện ước con mình sẽ được thanh thản trong cuộc đời đầy gian khó! Chỉ biết rằng, anh đã phấn đấu, đã lựa chọn và đã tạo ra được một cái kết… thanh thản cho cuộc đời mình, nhưng xem ra không dễ, bởi nghiệp và đời của anh đâu dễ có thênh thang.

Lưu Vinh/KD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục