Gỗ Trường Thành lỗ thêm 122 tỷ sau kiểm toán, vốn chủ sở hữu âm hơn 630 tỷ đồng

Giai đoạn 2016 - 2019 ngoài năm 2017 có lãi gần 11 tỷ đồng thì năm nào Gỗ Trường cũng ghi nhận lỗ và phía Kiểm toán lại tiếp tục nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp.

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young.

Sau kiểm toán, khoản lỗ của Gỗ Trường Thành tăng thêm 122 tỷ đồng lên 1.003 tỷ đồng chủ yếu do tăng khoản lỗ khác và lỗ trong công ty liên doanh, liên kết.

Gỗ Trường Thành lỗ thêm 122 tỷ sau kiểm toán, vốn chủ sở hữu âm hơn 630 tỷ đồng - Ảnh 1
Số liệu kinh doanh trước và sau kiểm toán (Nguồn: HK tổng hợp)
 

Lỗ trong công ty liên doanh, liên kết tăng 22 tỷ đồng do thay đổi từ lợi nhuận sau thuế của Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành OJT, công ty liên kết của nhóm công ty là 3 tỷ đồng thành lỗ sau thuế 40 tỷ đồng. Phát sinh khoản lỗ từ Trồng rừng Trường Thành là do đơn vị này thực hiện xoá sổ một phần chi phí trồng rừng và một phần giá trị quyền phát triển vào báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019.

Đáng chú ý, chi phí khác tăng gần 126 tỷ đồng do nhóm công ty đã điều chỉnh phân loại lại khấu hao tài sản cố định ngưng sử dụng từ tài khoản giá vốn hàng bán vào tài khoản chi phí khác hơn 78 tỷ đồng đồng thời điều chỉnh trích trước chi phí bồi thường quyền phát triển rừng do không cung cấp đủ diện tích rừng trồng như cam kết vào chi phí khác hơn 46 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, tổng nợ phải trả của Gỗ Trường Thành vượt tổng nguồn vốn 632 tỷ đồng, vốn lưu động âm 811 tỷ đồng.

Gỗ Trường Thành lỗ thêm 122 tỷ sau kiểm toán, vốn chủ sở hữu âm hơn 630 tỷ đồng - Ảnh 2
Chi tiết khoản vay quá hạn chưa thanh toán (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2019)
 

Hết năm 2019 Công ty có 494 tỷ đồng nợ đi vay trong đó có hơn 130 tỷ đồng nợ quá hạn chưa thanh toán, trong đó Ngân hàng Đông Á là 123 tỷ đồng.

Lỗ luỹ kế của Gỗ Trường Thành tại ngày 31/12/2019 là 3.019 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 632 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm, nợ quá hạn, vốn lưu động âm là những điều kiện cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục. Vấn đề này cũng được Kiểm toán E&Y đề cập nhiều lần trong các kỳ báo trước.

Hiện đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến ngành gỗ của Việt Nam. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, 5 thị trường xuất khẩu chính gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm tới trên 90% thị phần xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 đang thực hiện lệnh phong tỏa khiến các doanh nghiệp gỗ liên tiếp bị hủy đặt hàng, giãn đơn hàng khiến các đơn vị này sụt 80% đơn hàng.

Bộ Công Thương nhận định: “Nếu tình hình không được cải thiện, sau 1 - 2 tuần tới doanh nghiệp ngành gỗ dự kiến sẽ phải cắt giảm 70% công suất, chỉ duy trì chế độ làm luân phiên.

Ngoài Tập đoàn Vingroup là khách hàng chính cùng với  các khách hàng khác trong lĩnh vực bất động sản thì tháng 5/2019, Gỗ Trường Thành đã dự kiến dành 20.000 m2 xưởng để làm hàng xuất khẩu sang Mỹ; chưa kể doanh nghiệp còn đẩy mạnh xuất sang châu Âu, Nhật Bản. Dù hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý I nhưng có thể nói đại dịch Covid-19 ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới Gỗ Trường Thành.

 

Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục