Hết Hùng Vương đến Thủy sản An Giang bất ngờ chuyển từ lãi thành lỗ 120 tỷ đồng sau kiểm toán bán niên

Do xuất hiện thêm khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến gấp hơn 15 lần đã gây ra khoản lỗ 120 tỷ đồng trong 6 tháng niên độ 2018 - 2019.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Mã: AGF) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên niên độ 2018 – 2019 (1/10/2018  - 30/9/2019) được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.

Hết Hùng Vương đến Thủy sản An Giang bất ngờ chuyển từ lãi thành lỗ 120 tỷ đồng sau kiểm toán bán niên - Ảnh 1
Các chỉ tiêu kết quả kinh doanh của AGF trước và sau kiểm toán (Nguồn: HK tổng hợp)

Sau soát xét, lợi nhuận gộp của AGF giảm nhẹ 7% còn 51 tỷ đồng. Các khoản mục chi phí tài chính và chi phí bán hàng cùng tăng nhẹ 6%. Tuy nhiên chi phí quản lý doanh nghiệp lại ghi nhận tăng đột biến gấp hơn 15 lần so với báo cáo tự lập lên mức 122 tỷ đồng do xuất hiện thêm khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 116 tỷ đồng.

Việc xuất hiện thêm khoản dự phòng phải thu khiến cho AGF chuyển từ lãi 1,7 tỷ đồng sang lỗ 120 tỷ đồng sau soát xét. Lỗ 120 tỷ đồng trong 6 tháng niên độ 2018 – 2019 đã nâng tổng số lỗ lũy kế của AGF lên gần 391 tỷ đồng. Phía kiểm toán nhấn mạnh cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.

Tại ngày 31/3/2019 tổng tài sản sau kiểm toán của AGF giảm gần 12% xuống còn 944 tỷ đồng.

Trong đó khoản phải thu ngắn hạn giảm 117 tỷ đồng còn 448 tỷ đồng vì khoản dự phòng phải thu ngắn  hạn khó đòi tăng từ 165 tỷ đồng ở báo cáo tự lập lên 280 tỷ đồng sau kiểm toán.

Đáng chú ý, ở báo cáo tự lập thì khoản tạm ứng cho Công ty cổ phần Nông Thủy sản Việt Phú và Công ty TNHH MTV Thủy sản Hưng Thành với tổng giá trị 175 tỷ đồng xuất hiện trong kỳ được doanh nghiệp đưa vào khoản “Phải thu ngắn hạn khác” song sau kiểm toán khoản này đã được chuyển sang “Phải thu cho vay ngắn hạn” vì đây là khoản cho vay tín chấp và không hề có lãi suất. Khoản cho vay với hai đơn vị này đều được đáo hạn vào ngày 30/4/2019.

Liên tục thua lỗ khiến công ty mẹ của AGF là Công ty cổ phần Hùng Vương (Mã: HVG) mới đây đã công bố thoái một phần vốn tại AGF với tỷ lệ sở hữu sau khi thoái dự kiến dưới 50%. Trước đó Hùng Vương sở hữu 22,37 triệu cổ phần của AGF, tương ứng tỷ lệ 79,58%.

Một tháng trước AGF đã nhận được tin xấu là công ty mẹ thoái vốn thì tới nay Công ty lại tiếp tục báo lỗ tới 120 tỷ đồng trong 6 tháng đầu niên độ. Trước đó, hoạt động kinh doanh của AGF “bết bát” khi hết niên độ 2017 – 2018 (1/10/2017 – 30/9/2018) Công ty lỗ sau thuế 178 tỷ đồng, thuộc diện bị HOSE  kiểm soát từ ngày 21/1/2019.

Hùng Vương đang phải đẩy nhanh thoái bớt khỏi các tài sản xấu để thu hồi vốn và chuyển hướng đầu tư khi mới đây sau kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất nửa niên độ 2018 – 2019 (1/10/2018 – 31/3/2019), Hùng Vương tiếp tục gây “sốc” cho nhà đầu tư khi khoản lợi nhuận sau thuế biến từ dương 28 tỷ sang âm 134 tỷ đồng chưa kể còn bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Hiện cổ phiếu AGF đang bị tạm ngừng giao dịch từ ngày 25/6 do liên tục vi phạm các quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. 

 

Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục