Hình bóng của Shark Liên tại Bảo hiểm Viễn Đông

Ảnh hưởng của bà Đỗ Thị Kim Liên tại CTCP Bảo hiểm Viễn Đông sẽ càng trở nên rõ ràng hơn sau khi bà và công ty liên quan (của bà Liên và em gái) nhận chuyển nhượng 29,3 triệu cổ phần VASS từ CTCP Bamboo Capital và được phát hành riêng lẻ.

Hình bóng của Shark Liên tại Bảo hiểm Viễn Đông - Ảnh 1
Bảo hiểm Viển Đông

 

Thâu tóm cổ phần của TCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) là thương vụ trong ngành bảo hiểm thứ hai của bà Đỗ Thị Kim Liên và em gái Đỗ Thị Minh Đức (sau khi bà và chồng nhượng vốn của công ty này cho Tập đoàn AIG của Australia). Dù vậy, VASS mang nhiều hơn dấu ấn của bà Đỗ Thị Minh Đức. Cụ thể, ngoài việc đang giữ chức Chủ tịch HĐQT VASS, bà cũng đang nắm 9% vốn VASS.

VASS được thành lập từ tháng 11/2003 với quy mô vốn điều lệ 72 tỷ đồng. 7 năm sau, cùng với việc mở rộng mạng lưới, công ty nhiều lần thực hiện tăng vốn và đạt quy mô vốn điều lệ ở mức 400 tỷ đồng vào tháng 11/2010.

VASS từng gây ấn tượng với giới đầu tư khi là một trong số ít doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh có lãi. Tuy vậy, hoạt động đầu tư thất bại (vào bất động sản, chứng khoán) khiến VASS nhanh chóng gặp khó khăn. Cụ thể, đỉnh điểm tháng 2/2012, VASS mất khả năng thanh toán nợ đến hạn liên quan đến các khoản vay nợ ngân hàng, các khoản nợ khác và phải bán 2 khối tài sản lớn là bất động sản để tất toán các khoản nợ đến hạn với ngân hàng.

Ngày 11/7/2012, Bộ Tài chính có văn bản chấp thuận phương án tái cấu trúc của VASS, đánh dấu trường hợp đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến nay được giảm vốn xóa lỗ đối với một công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính (CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) trong năm 2012 cũng có đề xuất tương tự nhưng không được thông qua).

Nhà đầu tư cá nhân Đỗ Thị Minh Đức sau đó thông qua CTCP Bamboo Capital (mã BCG) rót 260 tỷ đồng, đẩy vốn điều lệ của VASS lên 300 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính các năm 2012, 2013, 2014 của VASS không được công bố, tuy nhiên BCTC kiểm toán của Bamboo Capital cho thấy bà Đỗ Thị Minh Đức đã đổ vào VASS lần lượt 130 tỷ, 20 tỷ và 110 tỷ đồng trong 3 năm 2012-2014.

Mặc dù có sự tham gia điều hành của nhân tố mới, song tình hình của VASS thậm chí còn xuống dốc thậm chí còn nhanh hơn giai đoạn trước, với lỗ lũy kế tới cuối năm 2016 là 886 tỷ đồng, gần gấp 3 vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu ở mức âm 584 tỷ đồng.

Tình hình sau đó chuyển biến dần tích cực hơn khi VASS báo lãi trước thuế 249 tỷ đồng vào năm 2017. Tiếp nối âm hưởng này, công ty lãi gần 105 tỷ đồng năm 2018 và tiếp tục lãi trước thuế 52,4 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019.

Dù vậy, quá trình tái cơ cấu VASS nhằm xử lý những hậu quả trong khứ vẫn còn rất gian nan. Nhìn về mức lãi sau nửa đầu năm 2019, VASS mới chỉ hoàn thành gần 30% chỉ tiêu ĐHĐCĐ đề ra. Cùng với đó, công ty này vẫn đang gánh khoản lỗ sau thuế chưa phân phối lên đến hơn 433,3 tỷ đồng.

Sau khi thông qua BCG để nắm giữ cổ phần chi phối tại VASS, bà Đỗ Thị Minh Đức đã trở thành Chủ tịch HĐQT VASS từ ngày 30/6/2014.

Hình bóng “Shark” Liên tại VASS

Như đã đề cập phần trên, bà Đỗ Thị Minh Đức là em gái của bà Đỗ Thị Kim Liên (“Shark” Liên) - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Aqua One và cũng là Chủ tịch của Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ngoài ra, em gái của “Shark” Liên cũng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các công ty liên quan đến “hệ sinh thái” của Tập đoàn Aqua One, đơn cử CTCP Đầu tư Một Trăm (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng) - cổ đông chiến lược của CTCP Đóng tàu và Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (Vungtau Shipyard) – chủ đầu tư dự án Cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ đã bị thu hồi do chủ đầu tư không hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định (mời đọc bài: Tập đoàn Aqua One bị thu hồi siêu dự án cảng biển 10.000 tỷ)

Dữ liệu cũng cho thấy một số nhân sự cấp cao tại VASS cũng từng là lãnh đạo tại CTCP Bảo hiểm AAA do “Shark” Liên sáng lập.

Trong đó, có bà Trương Ngô Sen - Phó Chủ tịch VASS - từng là Giám đốc pháp chế của công ty Bảo hiểm AAA. Ngoài ra, Tổng Giám đốc VASS, ông Đặng Điệp Đại Khoa cũng từng đảm nhiệm vai trò Giám đốc định phí và phát triển sản phẩm Bảo hiểm AAA.

Không chỉ có vậy, mối liên hệ giữa VASS và “Shark” Liên còn thể hiện qua một số giao dịch tài chính.

Cụ thể, VASS trong nửa đầu năm 2019 đã cho CTCP Nước Aqua One vay 32,1 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, đây là khoản vay có hạn mức không quá 50 tỷ đồng của VASS cho CTCP Nước Aqua One tại mọi thời điểm trong năm nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh. Mức lãi suất ở mức khá “ưu đãi” là 6%/năm.

Ngoài ra, VASS trong nửa đầu năm 2019 đã chi 380 tỷ đồng cho “Shark” Liên để mua lại căn nhà (5 tầng và 2 tầng hầm) do bà sở hữu, tại số 19 Phùng Khắc Khoan, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM (có diện tích 291,68 m2). Mục đích để làm trụ sở chính của VASS.

Bên cạnh đó, như đã đề cập, VASS từng có khoản đầu tư 195 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14 - chủ đầu tư dự án BOT qua tỉnh Đắk Nông với tổng mức đầu tư 1.023,79 tỷ đồng.

Đây là khoản đầu tư trái Luật bảo hiểm và sau bài viết của Nhadautu.vn, Bộ Tài chính đã yêu cầu VASS thoái hết khoản đầu tư trên.

Tới ngày 30/6/2019, VASS chỉ còn nắm gần 3,7 triệu cổ phần CTCP Đầu tư Xây dựng Toàn Mỹ, tương đương tổng giá trị 90 tỷ đồng.

Dữ liệu cũng cho thấy VASS đang đầu tư vào CTCP Dịch vụ và Đầu tư Lian (Lian IAS) (thành lập ngày 9/5/2019) của Shark Liên với tổng giá trị 7,505 tỷ đồng và vốn cam kết góp là 30 tỷ đồng, tương đương 3 triệu cổ phần, chiếm 90% vốn điều lệ.

Bà Kim Liên đang trên đường trở về VASS?

Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của VASS, các cổ đông tham gia đã biểu quyết thông qua phương án phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Mức giá phát hành từ 10.000 đồng/cổ phiếu - 10.500 đồng/cổ phiếu. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ VASS dự kiến nâng lên 700 tỷ đồng.

Trong số 5 nhà đầu tư được dự kiến chào bán trong danh sách, “Shark” Liên là nhà đầu tư sẽ được phân phối nhiều nhất với 6,3 triệu cổ phần.

Việc chào bán cổ phần tăng vốn điều lệ cho VASS (lên 700 tỷ đồng), được kỳ vọng sẽ giúp công ty đảm bảo cải thiện tình trạng vốn chủ sở hữu, biên khả năng thanh toán và thực hiện chi trả bồi thường bảo hiểm từ tiền lãi thu được.

Đáng chú ý, các cổ đông tham dự ĐHĐCĐ đã biểu quyết thông qua 4 giao dịch thỏa thuận của cổ đông lớn hoặc cổ đông nội bộ mà không phải thực hiện chào mua công khai.

Trong đó, có 2 giao dịch thỏa thuận giữa BCG và Công ty TNHH Đầu tư AAA Plus (hiện do bà Đỗ Thị Kim Liên làm người đại diện pháp luật) với tổng số cổ phiếu là 14 triệu (tương đương 28% vốn điều lệ của VASS).

Hai giao dịch còn lại là việc chuyển nhượng giữa bên bán là ông Tạ Bình Nguyên và bà Trương Ngô Sen, bên mua là CTCP Đầu tư Một Trăm (hiện do bà Đỗ Thị Minh Đức làm người đại diện pháp luật). Tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch là 9 triệu cổ phiếu (tương ứng 18% vốn điều lệ của VASS).

Các giao dịch nói trên dự tính sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2019. Dù vậy, VASS vẫn chưa có thông tin cụ thể về các giao dịch kể trên.

 

 

Theo Hóa Khoa/Nhadautu

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục