Hùng Vương thoái vốn tại Thủy sản An Giang xuống dưới 50% sau khi doanh nghiệp lỗ 2 năm liên tiếp

rong giai đoạn tái cơ cấu Tập đoàn, Hùng Vương quyết định giảm tỷ lệ sở hữu tại Thủy sản An Giang xuống dưới 50% sau 5 năm nắm gần 80% vốn cùng với thoái toàn bộ 90% vốn tại công ty con chuyên chế biến cá.

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hùng Vương (Mã: HVG) vừa công bố quyết định thông qua việc thoái vốn tại hai công ty con.

Hùng Vương sẽ thoái toàn bộ 90% vốn tại Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre, tương đương với 180 tỷ đồng vốn góp. Hùng Vương Bến Tre có trụ sở tại Khu công nghiệp An Hiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến cá. Thời gian thoái vốn dự kiến hoàn tất trong 30 ngày sau khi nghị quyết được ban hành.

Bên cạnh đó, Hùng Vương cũng thoái một phần vốn tại Công ty Cổ Phần Xuất Nhập Khẩu Thủy Sản An Giang (Mã: AGF) với tỷ lệ sở hữu sau khi thoái dự kiến dưới 50%. Hiện Hùng Vương đang sở hữu 22,37 triệu cổ phần của AGF, tương ứng tỷ lệ 79,58%.

Tháng 4/2010, Hùng Vương đã chính thức nâng sở hữu tại AGF từ 21,92% lên trên 51% và chính thức biến AGF thành công ty con. Sau đó tới tháng 5/2014 Hùng Vương tiếp tục chào mua công khai thêm 23,48% vốn để nâng sở hữu tại AGF.

Hùng Vương thoái vốn tại Thủy sản An Giang xuống dưới 50% sau khi doanh nghiệp lỗ 2 năm liên tiếp - Ảnh 1
Từ 2017 đến nay, Hùng Vương liên tục thoái vốn tại các công ty thành viên không hiệu quả để thu hồi vốn
 

AGF có hoạt động kinh doanh chính là nuôi trồng thủy sản và chế biến cá với vốn điều lệ là 281 tỷ đồng. AGF cung cấp cho thị trường sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra trên cả nước qua mạng lưới đại lý và các hệ thống phân phối của Saigon Coopmart, BigC, Mega market … Ngoài ra, AGF cũng xuất khẩu tập trung chủ yếu vào các thị trường như châu Âu, châu Úc, châu Á, Trung Đông.

Hùng Vương thoái vốn AGF trong bối cảnh doanh nghiệp vừa bị HOSE chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên cho niên độ từ ngày 1/10/2018 – 30/9/2019 và thông báo khả năng cổ phiếu bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch.

Chưa kể tới hoạt động kinh doanh của AGF “bết bát” khi hết niên độ 2017 – 2018 (1/10/2017 – 30/9/2018) AGF lỗ sau thuế 178 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên 270 tỷ đồng, thuộc diện bị HOSE  kiểm soát từ ngày 21/1/2019.

Niên độ 2017 – 2018, kim ngạch xuất khẩu, doanh thu, lợi nhuận của AGF đều không đạt như kế hoạch đã đề ra. Nguyên nhân là Công ty đã mất thị trường Mỹ do mức thuế suất áp cho sản phẩm của AGF quá cao, nên Công ty không xuất hàng vào Mỹ.

Bên cạnh thị trường Trung quốc có mức tăng trưởng khá, song chất lượng không cao, giá xuất thấp, không bù đắp được cho thị trường EU. Còn với thị trường EU thì AGF lại không đủ nguyên liệu sản xuất để cung cấp theo các hợp đồng cho các khách hàng truyền thống cũng như mở rộng sang các thị trường mới.

AGF chỉ sản xuất chủ yếu từ nguồn nuôi của Công ty, dẫn đến thiếu nguyên liệu, không có sản phẩm để cung cấp cho thị trường vào những lúc giá xuất khẩu tăng cao, lỡ mất thời cơ.

Không chỉ có khó khăn từ phía thị trường mà các ngân hàng tiếp tục siết chặt tín dụng, các gói tài trợ vay thấp không đủ nguồn vốn phục vụ cho sản xuất, ảnh hưởng đến vòng quay vốn, thiếu vốn để mua nguyên liệu sản xuất.

Thiếu nguồn vốn cũng là nguyên nhân các vùng nuôi không đạt hiệu quả, thiếu thức ăn cá chậm lớn, hao hụt nhiều, giá thành tăng, làm cho hiệu quả nuôi không đạt như kế hoạch.

Qua đó có thể thấy việc AGF liên tục thua lỗ đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của Hùng Vương hai năm qua.  Từ năm 2017 tới nay, Hùng Vương liên tục thoái vốn và thanh lý các khoản đầu tư không hiệu quả để thu hồi vốn, chuyển hướng đầu tư khi hoạt động kinh doanh của Tập đoàn “bết bát”.

Sau kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất nửa niên độ 2018 – 2019 (1/10/2018 – 31/3/2019), Hùng Vương tiếp tục gây “sốc” cho nhà đầu tư khi khoản lợi nhuận sau thuế biến từ dương 28 tỷ sang âm 134 tỷ đồng chưa kể còn bị Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

 

Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục