Lãnh đạo VinUni: 'Sinh viên tốt nghiệp đủ kinh nghiệm làm việc quốc tế'

Sinh viên Đại học VinUni (thuộc Vingroup) có ít nhất một học kỳ ở nước ngoài, tín chỉ được công nhận ở nhiều trường trên thế giới.

Tập đoàn Vingroup đang xây dựng trường Đại học VinUni theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Giai đoạn 1 (tới năm 2030) dành 5.000 tỷ đồng cho cơ sở hạ tầng, ký túc xá theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đơn vị vừa ký kết hợp tác với Ivy League - nhóm trường đại học tư thục ưu tú nhất của Mỹ, trong đó có Đại học Cornell. Dưới đây là những chia sẻ của bà Lê Mai Lan - Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup về dự án lớn này.

- Vì sao Vingroup bắt tay với Đại học Cornell và các trường thuộc nhóm Ivy League khi xây dựng VinUni?

- Ngay từ đầu, khi có chủ trương xây dựng trường đại học theo chuẩn quốc tế, chúng tôi đã mong muốn có thể hợp tác chiến lược với những trường đại học uy tín trên thế giới.

Sau một thời gian trao đổi ý tưởng với các trường thuộc Top 20 đại học tốt nhất thế giới, chúng tôi quyết định hợp tác với Ivy League - nhóm trường đại học tư thục ưu tú nhất của Mỹ, trong đó có Đại học Cornell (Cornell) và Đại học Pennsylvania (Penn).

- Sinh viên của VinUni sẽ hưởng lợi gì từ việc hợp tác với các trường thuộc nhóm Ivy League?

- Sinh viên học tập với đội ngũ giáo sư, giảng viên đến từ những trường đại học, viện nghiên cứu và bệnh viện có uy tín hàng đầu thế giới cũng như tiếp cận với công nghệ giáo dục, hệ thống thiết bị mô phỏng, chuỗi phòng lab tiên tiến.

VinUni còn xây dựng chương trình đào tạo mang tính thực tiễn cao và đội ngũ giảng viên đạt chuẩn quốc tế, phương pháp giảng dạy vượt trội. Các em có ít nhất một học kỳ ở nước ngoài tại các trường đối tác, tín chỉ được công nhận ở VinUni và nhiều đại học trên thế giới.

Chúng tôi đảm bảo, sau tốt nghiệp sinh viên sẽ có đủ trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm để làm việc trong môi trường quốc tế.

- Ý kiến của bà trước thông tin cho rằng VinUni bắt tay với Cornell chỉ là cách để Vingroup đánh bóng tên tuổi?

- Chúng tôi không hợp tác với Cornell để đánh bóng tên tuổi. Để đạt mục tiêu đóng góp cho Việt Nam một trường đại học đẳng cấp thế giới (world - class university), chúng tôi xác định VinUni cần có những đối tác có uy tín, danh tiếng trên thế giới. Họ sẽ là người hỗ trợ chúng tôi từ đầu ngay khi bắt tay xây dựng.

Tôi cho rằng để đảm bảo chất lượng thì việc hợp tác với những đối tác đẳng cấp để xây dựng chiến lược dài hạn, chuyển giao năng lực quản trị, khả năng giảng dạy và nghiên cứu là điều đương nhiên. Ngoài ra, các đối tác cũng giúp chúng tôi xây dựng đội ngũ, bao gồm cả tuyển dụng, đào tạo và phát triển giảng viên, chia sẻ tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị chung với VinUni.

Những đối tác này còn giúp kết nối VinUni với những giáo sư hàng đầu trong từng lĩnh vực chuyên môn về kinh doanh, công nghệ, khoa học sức khỏe.

Lãnh đạo VinUni: 'Sinh viên tốt nghiệp đủ kinh nghiệm làm việc quốc tế' - Ảnh 1
Bà Lê Mai Lan - Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, VinUni sẽ hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận.

- VinUni sẽ xây dựng chương trình đào tạo như thế nào để đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam lẫn tiêu chuẩn quốc tế?

- Chương trình giảng dạy của VinUni sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời tích hợp các kiến thức và phương pháp đào tạo tiên tiến nhằm đạt các tiêu chuẩn về kiểm định quốc tế.

Với nội lực và quyết tâm của Tập đoàn cùng với sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế thuộc Top 20 trường đại học hàng đầu thế giới, chúng tôi tin sẽ sớm đạt được mục tiêu đạt được các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng khắt khe nhất trong lĩnh vực giáo dục đại học như AACSB; ABET và ACGME- I…

Mục tiêu cuối cùng mà chung tôi hướng tới là từng bước đưa VinUni vào bản đồ giáo dục đại học chất lượng cao trong khu vực và thế giới.

- VinUni sẽ hoạt động như thế nào sau khi xây dựng xong?

- Chúng tôi áp dụng mô hình phi lợi nhuận vì mong muốn đóng góp một nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao bằng việc hợp tác với các tổ chức giáo dục uy tín trên thế giới.

Trên thực tế, hầu hết các trường đại học hàng đầu thế giới như Harvard, MIT, Cornell, Pennsylvania, Yale, Oxford, NTU, ANU… đều hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận. Đây là mô hình đảm bảo việc phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học với mục tiêu phục vụ tốt nhất cho con người, không bị ảnh hưởng bởi các quyết định kinh doanh.

Nếu chúng tôi xây dựng VinUni thành một dự án kinh doanh thì rất khó thu hút các chuyên gia, kỹ sư và các nhà công nghệ hàng đầu thế giới tham gia hợp tác. Nhân sự chất lượng cao, đáp ứng theo chuẩn quốc tế là mục tiêu để chúng tôi quyết định hy sinh lợi ích vật chất của mình.

- Vậy trường lấy nguồn thu từ đầu để hoạt động lâu dài?

- Công ty phi lợi nhuận là công ty mà cổ đông không được hưởng lợi nhuận do công ty mang lại mà đem tái đầu tư để phát triển và phục vụ cộng đồng, chứ không phải là miễn phí cho người sử dụng dịch vụ. Theo mô hình này, mọi hoạt động kinh doanh, vận hành của VinUni sẽ diễn ra như bình thường, các mức phí vẫn theo thông lệ của thị trường.

Theo luật hiện hành, công ty phi lợi nhuận chỉ cần dành ra trên 51% để nghiên cứu, đầu tư, phát triển hoặc nâng cấp chất lượng dịch vụ… Tuy nhiên, điểm khác biệt của VinUni là chúng tôi cam kết sẽ dành 100% lợi nhuận thu được cho các hoạt động tái đầu tư để liên tục nâng cấp và phát triển hệ thống. Cụ thể, trường sẽ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, trao học bổng, tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng cường hợp tác, liên kết quốc tế…

Nguyễn Kiên/vnexpress

 


Đại học VinUni trực thuộc Tập đoàn Vingroup, có trụ sở tại Gia Lâm, Hà Nội. Trường dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong năm 2018 và chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2020. Ban đầu, trường tập trung giáo dục và đào tạo trong 3 lĩnh vực trọng điểm: Kinh doanh, Công nghệ và Khoa học sức khỏe. 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục