Mua cổ phần Vinaconex, An Qúy Hưng sẽ xoay sở ra sao với số tiền “khổng lồ” hơn 7.000 tỷ?

Quy mô Công ty An Qúy Hưng rất nhỏ so với thương vụ mua cổ phiếu VCG, nếu chỉ dựa vào tài sản của AQH thì việc chi số tiền “khổng lồ” trên 7.000 tỉ đồng để mua cổ phiếu VCG đối với doanh nghiệp này gần như là chuyện không tưởng.

Chưa nộp đủ tiền đã gửi văn bản “đe” Vinaconex 

Sau 1 ngày đấu giá thành công lô cổ phiếu trị giá 7.400 tỉ đồng và trở thành cổ đông lớn nhất của Vinaconex, ngày 23/11/2018, Công ty TNHH An Qúy Hưng đã phát đi văn bản số 289/2018/CV-VP gửi SCIC, Vinaconex và Cục An ninh kinh tế A04 của Bộ Công An. 

Nội dung văn bản nêu rõ, Công ty TNHH An Qúy Hưng đã thực hiện đấu giá thành công 57,71% phần vốn Nhà nước thuộc sở hữu của Tổng công ty SCIC tại Tổng Công ty Vinaconex vào ngày 22/11/2018 và đang hoàn tất thủ tục chuyển giao theo quy định. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết đã “nhận được thông tin có hiện tượng chi bất thường tại Tổng Công ty Vinaconex và một số đơn vị thành viên kể từ khi SCIC có thông báo đấu giá cổ phần Vinaconex để thoái vốn nhà nước tại DN, làm giảm giá trị phần vốn Nhà nước”. 

Do đó, trong quá trình thực hiện các thủ tục chuyển giao chủ sở hữu từ vốn Nhà Nước sang nhà đầu tư mới được đảm bảo, Công ty An Qúy Hưng đề nghị Tổng Công ty SCIC chỉ đạo người đại diện vốn tại Tổng Công ty Vinaconex và các đơn vị thành viên trực thuộc Vinaconex không thực hiện các hoạt động thanh lý, mua bán tài sản tại Vinaconex và các đơn vị thành viên Vinaconex. 

Đồng thời, yêu cầu SCIC chỉ đạo người đại diện vốn tại Vinaconex và các đơn vị thành viên có biện pháp kiểm soát thu, chi tài chính tại Tổng Công ty Vinaconex và các đơn vị thành viên nhằm bảo toàn vốn Nhà nước trong quá trình chuyển giao như đã công bố thông tin khi chào bán cổ phần. 

Mua cổ phần Vinaconex, An Qúy Hưng sẽ xoay sở ra sao với số tiền “khổng lồ” hơn 7.000 tỷ? - Ảnh 1
Văn bản phát đi từ Công ty An Quý Hưng.

Đáng chú ý, văn bản của An Qúy Hưng còn nhấn mạnh “ngay sau khi hoàn tất việc chuyển giao, Công ty An Qúy Hưng sẽ thuê đơn vị kiểm toán đặc biệt thực hiện việc kiểm toán, đối chiếu, rà soát lại toàn bộ số liệu về tài chính, tài sản và các vấn đề khác so với hồ sơ đã công bố thông tin của SCIC về việc chào bán cổ phần Vinaconex ngày 24/10/2018 và hồ sơ định giá cổ phần cũng như các quy chế, quy định của đơn vị. Trường hợp phát hiện các sai phạm lớn, Công ty An Qúy Hưng sẽ có văn bản đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý theo quy định”. 

Bên cạnh đó, để bảo toàn vốn Nhà nước trong giai đoạn chuyển giao Chủ sở hữu, Công ty An Quý Hưng cũng đề nghị Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) phối hợp giám sát các hoạt động quản lý vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Vinaconex và các đơn vị thành viên trong quá trình chuyển giao từ SCIC sang Nhà đầu tư.

Động thái này của An Qúy Hưng đã khiến nhiều cán bộ nhân viên tại Vinaconex e ngại, cho rằng doanh nghiệp này đang “can thiệp thô bạo” dù chưa thực hiện xong nghĩa vụ về tài chính, chưa nộp đủ tiền mua cổ phần tại Vinaconex. 

Về phía Vinaconex, được biết sau khi nhận được văn bản của An Qúy Hưng, ngày 28/11, Tổng Công ty Vinaconex đã có cuộc họp triển khai nội dung đề nghị trên của Công ty TNHH An Quý Hưng. 

An Qúy Hưng sẽ xoay sở ra sao với số tiền “khổng lồ” hơn 7.000 tỷ 

Trước đó, ngày 22/11/2018, Công ty TNHH An Quý Hưng (mã AQH) đã mua 254,9 triệu cổ phiếu VCG từ SCIC để trở thành cổ đông chi phối khoảng 57,7% thị phần VCG. 

Điều bất ngờ là AQH đã mua với giá rất bất thường (28.900 đồng/CP), cao hơn 36% so với giá khởi điểm và 56% so với giá thị trường (giá khởi điểm là 21.300 đồng/CP, giá đang giao dịch trên sàn chứng khoán là 18.500 đồng/CP). Tổng giá trị AQH mua hơn 7.360 tỉ đồng, cao hơn giá trị khởi điểm gần 2.000 tỉ đồng, cao hơn giá thị trường khoảng 2.600 tỉ. 

Mua cổ phần Vinaconex, An Qúy Hưng sẽ xoay sở ra sao với số tiền “khổng lồ” hơn 7.000 tỷ? - Ảnh 2
An Qúy Hưng chi hơn 7.000 tỷ mua cổ phần Vinaconex - thương vụ đang gây chú ý lớn.

Đáng nói, quy mô Công ty AQH rất nhỏ so với thương vụ mua cổ phiếu VCG. Doanh thu thuần năm 2017 của Công ty này chỉ đạt 956 tỉ đồng, lãi sau thuế đạt 62,3 tỉ đồng. Ở một số chỉ số khác của doanh nghiệp, tài sản ngắn hạn đạt 549,2 tỉ đồng; tài sản dài hạn 450,4 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu 456,2 tỉ đồng. Tổng cộng số này cũng chỉ đạt xấp xỉ 1.000 tỉ đồng… 

Như vậy, nếu chỉ dựa vào tài sản của AQH thì việc chi số tiền “khổng lồ” trên 7.360 tỉ đồng để mua cổ phiếu VCG đối với doanh nghiệp này gần như là chuyện vô cùng khó. Hơn nữa, trong thương vụ này, khả năng AQH thu hồi vốn bỏ ra vẫn là một dấu hỏi lớn. 

Theo thông tin trên tờ Theleader, Công ty An Quý Hưng vừa thực hiện thế chấp hàng loạt các lô đất thuộc dự án Geleximco – Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn cho ngân hàng Indovina, chi nhánh Thiên Long. 

Theo các biên bản định giá tài sản, các lô đất nằm trong hợp đồng mua bán giữa An Quý Hưng và Tập đoàn Geleximco có tổng giá trị khoảng 250 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là số tiền rất nhỏ so với số tiền mà An Quý Hưng phải thanh toán. Trước phiên đấu giá này An Quý Hưng đã phải đặt cọc 10% ở mức giá khởi điểm, khoảng 550 tỷ đồng theo quý định của đợt đấu giá. Ước tính công ty sẽ phải huy động thêm khoảng 7.000 tỷ đồng. 

Mua cổ phần Vinaconex, An Qúy Hưng sẽ xoay sở ra sao với số tiền “khổng lồ” hơn 7.000 tỷ? - Ảnh 3
Khu biệt thự liền kề Geleximco Lê Trọng Tấn.

Trước đó, doanh nghiệp này cũng tăng vốn thêm 140 tỉ đồng, từ 360 tỉ lên 500 tỉ đồng, với cơ cấu cổ đông giữ nguyên là ông Nguyễn Xuân Đông và vợ ông Đông là bà Đỗ Thị Thanh. 

Tuy nhiên, theo các quy định cho vay từ các tổ chức tín dụng, với quy mô vốn điều lệ 500 tỉ và tổng tài sản hơn nghìn tỉ đồng, An Quý Hưng sẽ khó có thể thu xếp được gần 7.000 tỉ nếu chỉ sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng. 

Trên thị trường, An Qúy Hưng là một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực thi công, xây dựng. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng tham gia vào thị trường bất động sản với vài trò môi giới và hợp tác đầu tư với một số dự án như: Khu nhà ở Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội, dự án The Terra Hào Nam. 

Vì vậy, An Qúy Hưng cũng có thể tiếp tục huy động thêm vốn ngân hàng từ việc thế chấp các tài sản là quyền lợi phát sinh từ các dự án này. Tuy nhiên, con số này cũng không “thấm tháp gì” với số tiền mà An Qúy Hưng phải thanh toán mua cổ phần Vinaconex. 

Một số chuyên gia cho rằng, có thể doanh nghiệp sẽ cần huy động từ những nguồn bên ngoài khác, có thể là vay từ cá nhân, tổ chức, hoặc có một nhà đầu tư bí ẩn nào đó đứng sau An Qúy Hưng trong thương vụ "khổng lồ" này...

Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có văn bản thông báo nộp tiền mua cổ phần của Nhà đầu tư trúng giá trong phiên đấu giá cả lô cổ phần của SCIC tại (Vinaconex), gửi tới Công ty TNHH An Quý Hưng.  Văn bản cho biết, An Quý Hưng còn phải đóng 6.823 tỉ sau khi trừ tiền đặt cọc đấu giá.

Theo quy chế đấu giá, hạn cuối để đóng tiền là ngày 4/12/2018. Như vậy, chỉ còn không quá 1 tuần để An Quý Hưng thu xếp đủ 6.823 tỷ đồng để thanh toán tiền đấu giá.

 

Hải Lan

Theo Vnfinance.vn/SHTT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục