Năm 2019, 6 ngân hàng có hơn 4.000 nhân sự nghỉ việc

Tuần qua, theo số liệu thống kê của 22 ngân hàng có tới hơn 4.000 nhân viên tại 6 ngân hàng nghỉ việc. Ngoài ra, lợi dụng dịch virus corona nhiều kẻ phát tán mã độc cướp tài khoản khách hàng.

Nhân sự biến động mạnh: 4.100 nhân viên ngân hàng nghỉ việc năm qua

Theo Zing thống kê tại 22 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính năm 2019, 15 trong số này đã tuyển thêm gần 11.000 nhân viên, trong khi 7 nhà băng khác (Vietinbank, VPBank, ACB, SHB, OCB, NCB, Saigonbank) cắt giảm hơn 4.000 người.

Trong đó, VPBank và OCB có số nhân viên giảm mạnh nhất năm qua, xấp xỉ 1/5 lượng nhân viên tại ngân hàng mẹ. OCB giảm 19,3% lượng nhân sự tương đương hơn 1.427 nhân viên và VPBank cắt giảm 17,7% tương đương hơn 2.000 nhân viên trong năm qua.

Trường hợp đáng chú ý nhất là OCB khi ngân hàng liên tiếp giảm nhân sự kể từ đầu năm 2019 và chỉ trong 3 tháng của quý 3 cắt giảm mạnh tới gần 1.000 nhân viên. Đây là con số thay đổi ròng nên số lượng nhân viên nghỉ việc thực tế có thể còn lớn hơn.

Năm 2019, 6 ngân hàng có hơn 4.000 nhân sự nghỉ việc - Ảnh 1
Ảnh minh họa


Ngược lại, VIB, Vietcombank là 2 ngân hàng tăng lực lượng lao động nhiều nhất. Số cán bộ, nhân viên của VIB cuối năm 2019 đạt 6.944 người, tăng 1.746 người so với cuối năm 2018. Vietcombank tăng 1.696 người lên 18.408 nhân viên.

Ngoài ra, lượng nhân viên của TPBank hơn 1.200 người (tăng 24%); VietBank cũng tăng 20%; Techcombank tăng 14%; LienVietPostBank tăng 13%; MBBank và SeABank cùng tăng 10%…

Xét về quy mô ngân hàng riêng lẻ, BIDV vẫn là nhà băng có đội ngũ nhân viên đông đảo nhất, với 23.716 nhân sự trên toàn hệ thống. Ngân hàng cũng đang có quy mô về tổng tài sản và dư nợ cho vay lớn nhất hệ thống.
Theo sau BIDV lần lượt là VietinBank, Vietcombank, Sacombank, ACB, Techcombank,…

Có thể thấy, so với giai đoạn trước đây, tốc độ tăng nhân sự của ngành ngân hàng 2 năm gần đây đã chậm lại rõ rệt. Việc cắt giảm hàng nghìn nhân viên trong một năm cũng là chuyện hiếm khi xảy ra những năm trước. Nguyên nhân một phần do công nghệ phát triển mạnh mẽ, giúp các nhà băng có thể tối ưu hóa trong việc vận hành hoạt động, giảm nhân sự ở một số khâu.

Lợi dụng dịch virus corona, phát tán mã độc cướp tài khoản khách hàng

Theo báo Thanh niên đưa tin, giữa mùa dịch bệnh corona, một số ngân hàng cho biết, hiện các thông tin cập nhật về dịch bệnh và cách phòng tránh dịch viêm phổi do chủng mới của virus nCoV thường xuyên được gửi qua email, tin nhắn SMS hoặc các ứng dụng mạng xã hội.

Một số đối tượng đã lợi dụng hoạt động này để gửi email phát tán mã độc (emotet) hoặc lừa người dùng cung cấp thông tin bằng phishing email.

Các email/tin nhắn lừa đảo có tiêu đề và nội dung liên quan đến dịch bệnh corona. Sau đó, người dùng được yêu cầu click vào đường link đính kèm trong email. Khi truy cập vào link hoặc đơn giản chỉ click mở email/tin nhắn, thiết bị của người dùng có khả năng cao bị mã độc xâm nhập và đánh cắp thông tin.

Trong một vài trường hợp khác, đối tượng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin đăng nhập Internet Banking để chiếm đoạt tài tiền từ tài khoản.

Năm 2019, 6 ngân hàng có hơn 4.000 nhân sự nghỉ việc - Ảnh 2
Ảnh minh họa


Ngân hàng MSB vừa đưa ra cảnh báo về việc một số đối tượng lợi dụng dịch virus corona để phát tán mã độc để lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản khách hàng.

MSB lưu ý khách hàng không cung cấp mật khẩu trong bất kỳ trường hợp nào, không mở email từ địa chỉ gửi email lạ, không truy cập, cung cấp thông tin ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu, OTP) hoặc thẻ vào đường link lạ được đính kèm trong email. Khách cũng cần xem kỹ mục đích sử dụng của OTP và liên hệ ngay với ngân hàng để được hỗ trợ trong trường hợp nghi ngờ bị lộ thông tin thẻ hoặc ngân hàng điện tử.

Trước đó, công ty bảo mật Cyradar vừa đưa ra cảnh báo, đại dịch Corona đang bị lợi dụng để hacker tấn công người dùng tại Nhật. Hàng loạt email được gửi đi với logo của các tổ chức y tế, cơ quan chức năng đang nỗ lực tham gia phòng chống dịch bệnh.

Đại diện Cyradar cho rằng, các email kèm mã độc được dự đoán sẽ tiếp tục được gửi đến những đất nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra, trong đó có Việt Nam

Đại diện Công ty bảo mật Kaspersky cũng cho biết, đã phát hiện các tệp mã độc được ngụy trang dưới dạng tài liệu liên quan đến virus corona. Các tệp mã độc ngụy trang dưới dạng tệp pdf, mp4, hoặc docx về virus corona. Tên của tệp thể hiện nội dung hướng dẫn cách bảo vệ mọi người khỏi virus, cập nhật về các mối nguy hại, và thậm chí là quy trình phát hiện virus – nhưng tất cả thông tin đều không đúng sự thật.

Ngân hàng Á Châu phát hành 'nhầm' 770 tỷ đồng trái phiếu nợ thứ cấp

Năm 2019, 6 ngân hàng có hơn 4.000 nhân sự nghỉ việc - Ảnh 3
Ảnh minh họa


Theo Nhà đầu tư đưa tin, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết trong văn bản số 136/CV-KTC.20 ngày 10/1/2020 về kết quả phát hành trái phiếu nợ thứ cấp theo hình thức riêng lẻ, ACB công bố tổng giá trị phát hành là 1.000 tỷ đồng, nay đính chính là 230 tỷ đồng.

Các số liệu còn lại vẫn giữ nguyên, như lãi suất trái phiếu 8,5%/năm, kỳ hạn 1 năm. Bên thu xếp cho đợt phát hành với vai trò tư vấn và đại lý là công ty con Công ty TNHH Chứng khoán ACB.

Trong năm 2019, nhiều ngân hàng đã phát hành trái phiếu nhằm chuẩn bị áp dụng dự thảo Thông tư 36 sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước. Riêng ACB, theo số liệu của Chứng khoán MB, đã huy động thành công gần 12.000 tỷ đồng qua các đợt phát hành trái phiếu, chỉ đứng sau VPBank (14.000 tỷ đồng).

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận năm 2019 ACB đạt hơn 7.500 tỷ đồng, vượt hơn 3% so với mục tiêu đặt ra hồi đầu năm là 7.279 tỷ đồng.

Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt đạt 1,7% và 24,6%.

Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản ngân hàng đạt 383.000 tỷ đồng, tăng 16,5% so với đầu năm, trong đó trái phiếu chính phủ chiếm 15%. Dư nợ tín đụng đạt khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 16,8%; số dư huy động đạt 308.000 tỷ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm.

Hà Phương (t/h)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục