Năm 2019 Vinaconex dự kiến huy động thêm vốn từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận có thể tăng 16%

Trong 2019 Vinaconex dự kiến sẽ thu xếp khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án cũ và mới, bổ sung nguồn vốn kinh doanh qua vay tín dụng, phát hành trái phiếu.

Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã: VCG) đã công bố tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên năm 2019 dự kiến họp vào ngày 28/6 tới đây.

Năm 2019 Vinaconex dự kiến huy động thêm vốn từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận có thể tăng 16% - Ảnh 1
Nguồn: Tờ trình đại hội cổ đông của VCG

Năm 2019, Vinaconex lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 10.100 tỷ đồng, tương đương năm 2018 trong khi lãi sau thuế tăng 16% lên 743 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến là 12%, tương đương với năm 2018 ứng với tổng giá trị khoảng 530 tỷ đồng.

Trong năm nay, Vinaconex sẽ tiếp tục triển khai các dự án đầu tư hiện có, tăng cường tìm kiếm các dự án mới tại các tỉnh, thành phố như: Quảng Ninh, Quảng Nam, Quy Nhơn, Nha Trang, TP HCM.

Tổng Công ty sẽ mở bán và bàn giao nốt các căn hộ tại dự án 2B Vinata, Bohemia tại 25 Nguyễn Huy Tưởng và 97-99 Láng Hạ đồng thời triển khai đầu tư xây dựng dự án chung cư cao cấp tại số 93 Láng Hạ, Hà Nội. Vinaconex sẽ tăng thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc, thúc đẩy giải phóng mặt mặt và đầu tư hạ tầng.

Ngoài ra, Tổng Công ty sẽ tiếp tục triển khai xây dựng khu đô thị Splendora, dự án khu đô thị tại TP Móng Cái, khu đô thị Cát Bà Amaina tại đảo Cát Bà; đẩy mạnh giải phóng mặt bằng và đầu tư khu đô thị mới Thiên Ân, khu dân cư Ngân Câu, dự án Việt khớp nối Đông Á (Vinaconex 25).

Vinaconex cũng xin chủ trương đầu tư văn phòng kết hợp chung cư trên mảnh đất tại 422 Lê Hồng Phong, Nha Trang; đầu tư nhà kho cho thuê trên khu đất tại Hòn Dung – Nha Trang (Vinaconex 17).

Trong năm 2018, ngoài các dự án nhỏ chuyển tiếp Tổng công ty chưa triển khai mới được dự án nào mà chỉ dừng ở bước nghiên cứu và chuẩn bị; dự án Splendora sau khi tái khởi động lại thông qua việc thực hiện khu đô thị BT5 hiện vẫn còn nhiều vấn đề.

Hai cổ đông lớn là SCIC và Viettel thoái vốn trong năm 2018 đã ảnh hưởng phần nào đến hoạt động của Tổng Công ty khi các lĩnh vực kinh doanh như đầu tư, tái cấu trúc vốn… không được triển khai theo kế hoạch.

Về vấn đề huy động vốn, trong 2019 Vinaconex dự kiến sẽ thu xếp khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án cũ và mới, bổ sung nguồn vốn kinh doanh qua vay tín dụng, phát hành trái phiếu.

Đáng chú ý, trong năm nay Vinaconex sẽ tiến hành thành lập loạt công ty: CTCP Cơ điện Vinaconex với vốn điều lệ 100 tỷ đồng do Vinaconex nắm 65% vốn; CTCP Trường học nhằm quản lý các trường Lý Thái Tổ do Vinaconex nắm 99,9% vốn; Công ty TNHH MTV Vinaconex Láng Hòa Lạc để quản lý, đầu tư dự án Hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp – CNC2 – Khu công nghệ cao Hòa Lac với vốn điều lệ dự kiến 200 tỷ đồng do Tổng công ty nắm toàn bộ vốn.

Bên cạnh việc thành lập công ty mới thì Vinaconex vẫn tiếp tục tái cơ cấu, thoái vốn tại các công ty hoạt động không hiệu quả, tạm dừng hoạt động.

Năm 2018, việc triển khai thủ tục giải thể, phá sản tại một số đơn vị yếu kém, chỉ còn tồn tại về mặt pháp lý như: CTCP Vận tải Vinaconex, CTCP Vipaco, CTCP Xuân Mai Đà Nẵng, CTCP Vinaconex Mart, CTCP Xây dựng số 4... chưa được triển khai do các quy định về pháp lý liên quan chưa thực sự cụ thể, rõ ràng. 

 

Hoàng Kiều


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục