Quỹ Lộc Việt - "mắt xích" quan trọng trong đại án Phạm Công Danh bị đình chỉ hoạt động 6 tháng

Cựu Tổng giám đốc Nguyễn Việt Hà của quỹ Lộc Việt đã bị truy tố và là một mắt xích quan trọng trong đại án Phạm Công Danh gây thất thoát tài sản của Ngân hàng Xây dựng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định đình chỉ hoạt động Công ty cổ phần quản lý quỹ Lộc Việt từ ngày 4/9/2019 – 3/3/2020.

Quỹ Lộc Việt được thành lập tháng 11/2007 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Quỹ chính thức bị UBCKNN đưa vào tình trạng kiểm soát từ ngày 30/5/2018 – 30/5/2019 sau đó bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ ngày 2/4/2019 – 1/8/2019.

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của quỹ Lộc Việt là 26 tỷ đồng, trong đó khoản tiền, tương đương tiền là gần 17 tỷ, chiếm tới 65% tài sản.

6 tháng đầu năm quỹ không phát sinh doanh thu mà chỉ có chi phí hoạt động khiến Công ty lỗ hơn 342 triệu đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế của quỹ lên hơn 13 tỷ.

Đáng chú ý, tại ngày 30/6 trên chỉ tiêu ngoài bảng cân đối kế toán quỹ Lộc Việt có gần 1.296 tỷ đồng ở danh mục đầu tư của nhà đầu tư trong nước ủy thác nhưng không được thuyết minh chi tiết.

Quỹ Lộc Việt là một đơn vị có liên quan đến đại án Phạm Công Danh. Ông Nguyễn Việt Hà – cựu Tổng giám đốc quỹ đã có hành vi ký hợp đồng ủy thác đầu tư trái phiếu với Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), tạo điều kiện cho ông Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị của VNCB rút tiền, gây thất thoát cho VNCB 903 tỷ đồng.

Quỹ Lộc Việt - "mắt xích" quan trọng trong đại án Phạm Công Danh bị đình chỉ hoạt động 6 tháng - Ảnh 1

Cựu tổng giám đốc quỹ Lộc Việt tại phiên tòa (Ảnh: Tân Châu/Báo mới)

Trong vụ án này, ông Nguyễn Việt Hà bị truy tố về 2 hành vi gồm nhận ủy thác 903 tỷ đồng chuyển tiền để Phạm Công Danh sử dụng gây thiệt hại cho VNCB; và sử dụng các công ty vay tiền ngân hàng TPBank chuyển cho Phạm Công Danh sử dụng, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỷ đồng. 

 

Theo tờ Vietstock/Fili, tháng 5/2013, do cần tiền để chăm sóc khách hàng và tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng, bị cáo Phạm Công Danh đã chỉ đạo bị cáo Phan Thành Mai - nguyên Tổng giám đốc VNCB  tìm mọi cách để có tiền chuyển về Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng. Thông qua mối quan hệ quen biết với bị cáo Nguyễn Việt Hà, Phan Thành Mai đề xuất phương án ủy thác đầu tư cho quỹ Lộc Việt để mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và được Phạm Công Danh đồng ý.

 

Tháng 5/2013, Phạm Công Danh cùng Phan Thành Mai gặp, bàn với Nguyễn Việt Hà để thống nhất các nội dung, ký kết hợp đồng ủy thác cho quỹ Lộc Việt thay mặt VNCB sử dụng số tiền ủy thác đầu tư của Ngân hàng đế mua - bán các loại trái phiếu theo cách thức và danh mục do Ngân hàng chỉ định. Thời hạn thực hiện hợp đồng là 2 năm. Số tiền ủy thác không quá 2.000 tỷ đồng, thời hạn ủy thác 24 tháng với phí ủy thác 3% trên tổng mức vốn ủy thác để đầu tư vào trái phiếu do VNCB chỉ định và hợp thức bằng biên bản, nghị quyết của HĐQT VNCB.

Sau khi các hợp đồng giữa hai bên được ký kết, vào nửa cuối tháng 5/2013, Phan Thành Mai đã ký chuyển 903 tỷ đồng (900 tỷ đồng ủy thác và 3 tỷ đồng phí dịch vụ) từ tài khoản VNCB sang tài khoản của quỹ Lộc Việt mở tại Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) để thực hiện việc đầu tư, mua, bán trái phiếu.

Mặc dù chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán có lãi năm 2012, chưa có văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền đối với dự án trọng điểm Khu phức hợp Thương mại dịch vụ Thiên Thanh Đà Nẵng (điều kiện phát hành trái phiếu), nhưng Phạm Công Danh vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu, ra thông báo và bán 900 trái phiếu trị giá 900 tỷ đồng của Tập đoàn Thiên Thanh cho các công ty do Nguyễn Việt Hà giới thiệu bao gồm An Lộc, Thạch Hà, Minh Quang (trong đó có 2 công ty của Nguyễn Việt Hà). Và thông qua việc mua bán trái phiếu nêu trên, Phạm Công Danh có được 900 tỷ đồng.

 

Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục