So găng hai thương hiệu bia Việt Sabeco, Habeco và cuộc chiến giành thị phần

Cuộc chiến tranh giành thị phần không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp bia trong nước với nước ngoài mà càng thêm căng thẳng khi doanh nghiệp Việt đấu đá nhau trên chính sân nhà.

Sabeco vẫn "quán quân" thị phần, Habeco ngày càng rớt thảm

Sabeco và Habeco hiện là hai thương hiệu bia Việt nổi tiếng nhất và là đặc sản của hai miền Nam, Bắc. Tính tới hết năm 2018, Sabeco có quy mô sản xuất lớn nhất cả nước với 25 nhà máy trên toàn quốc và 1 nhà máy đang xây dựng với tổng công suất là 2 tỷ lít bia/năm; tiếp theo đó là Heineken Việt Nam với 6 nhà máy và tổng công suất khoảng 950 triệu lít/năm còn Habeco có khoảng 17 nhà máy với tổng công suất 810 triệu lít/năm.

Đầu ra của ngành bia chia làm ba phân khúc theo số liệu của FPTS:

Sản phẩm cao cấp: Là các sản phẩm có giá bán cao, hướng tới người tiêu dùng có thu nhập cao. Các thương hiệu phổ biển trong phân khúc này là Heineken, Trúc Bạch, Saigon Gold… Phân khúc cao cấp chiếm hơn 10% sản lượng tiêu thụ toàn thị trường.

Sản phẩm tầm trung: Có giá bán trung bình, sản phẩm hướng tới đại đa số người dùng ở Việt Nam. Các thương hiệu phổ biến trong phân khúc này là Bia Saigon Lager, Saigon Export, 333, Bia Hà Nội… Phân khúc trung cấp chiếm khoảng 60%.

Sản phẩm giá rẻ: Có giá bán thấp, thường là bia hơi. Sản phẩm phù hợp với các khách hàng bình dân, đại bộ phận người lao động. Các cơ sở nhỏ các công ty địa phương đang là nguồn cung chính cho sản phẩm ở phân khúc này. Một số thương hiệu phổ biến trong phân khúc này: Bia hơi Hà Nội, Bia hơi Sài Gòn. Phân khúc giá rẻ chiếm khoảng 30% sản lượng tiêu thụ toàn thị trường.

So găng hai thương hiệu bia Việt Sabeco, Habeco và cuộc chiến giành thị phần - Ảnh 1
Ảnh: Sabeco

Tính tới cuối năm 2018, Sabeco vẫn duy trì vị thế dẫn đầu ngành bia nhờ sở hữu nhiều thương hiệu ở phân khúc trung cấp như: Saigon Lager, Saigon Export, 333 với gần 41% thị phần.

Hãng bia ngoại Heineken sở hữu hai dòng bia nổi tiếng là Heineken và Tiger chiếm khoảng 23% thị phần bia. Còn Habeco đang bị thu hẹp dần thị phần và chỉ chiếm khoảng 18,4%.

Habeco cho biết tốc độ tăng trưởng thị trường tiêu thụ chính của doanh nghiệp từ miền Trung trở ra đã suy giảm 3% vào năm 2018. Các sản phẩm của Habeco đang bị cạnh tranh gay gắt trên chính thị trường từng thống lĩnh của mình. Sabeco đang tăng trưởng bằng sản phẩm Saigon Lager 333 với tốc độ 32%, Heineken Việt Nam tăng trưởng bằng sản phẩm Tiger với tốc độ lên tới 71%.

Nếu Sabeco đang tấn công miếng bánh thị phần của Habeco ở phía Bắc thì vị thế số 1 ở khu vực miền Nam của Sabeco cũng đang bị cạnh tranh khốc liệt từ thương hiệu Heineken và Tiger. Miền Nam là thị trường tiêu thụ bia “béo bở" nhất cả nước với 59% lượng tiêu thụ trong khi đó miền Bắc chỉ chiếm 35%.

Habeco thất thế trước Sabeco trên chính "sân nhà"

So găng hai thương hiệu bia Việt Sabeco, Habeco và cuộc chiến giành thị phần - Ảnh 2
Doanh thu của Sabeco và Habeco qua các năm, đv: tỷ đồng (Nguồn: HK tổng hợp)

Minh chứng cho việc thị phần của Sabeco đang bị thu hẹp là doanh thu của doanh nghiệp sau giai đoạn tăng trưởng 2013 – 2016 đã bắt đầu có dấu hiệu giảm tốc từ năm 2017 đến nay. Trong khi đó doanh thu của Sabeco vẫn tiếp tục tăng trưởng qua từng năm.

So găng hai thương hiệu bia Việt Sabeco, Habeco và cuộc chiến giành thị phần - Ảnh 3
Lợi nhuận sau thuế của Sabeco và Habeco qua các năm, đv: tỷ đồng (Nguồn: HK tổng hợp)

Thuế suất tiêu thụ đặc biệt tăng từ 60% lên 65% trong năm 2018 đã tạo áp lực lên lợi nhuận của các đơn vị trong ngành bia khi Sabeco cũng ghi nhận năm 2018 lợi nhuận giảm tới 11% so với năm 2017 sau giai đoạn tăng trưởng mạnh từ năm 2013.

Sự canh tranh gay gắt của ông lớn Sabeco và hãng bia ngoại Heineken đã khiến lợi nhuận của Habeco lao dốc rất mạnh giai đoạn 2014 – 2018 cộng với việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt làm cho lãi sau thuế của năm 2018 bằng chưa tới ½ so với năm 2014.

Bên cạnh đó tốc độ tăng trưởng của thị trường bia Việt năm 2018 đã có xu hướng chậm lại, duy trì ở mức khoảng 5% cũng phần nào ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của Sabeco và Habeco năm 2018.

6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận của Sabeco vẫn tăng trưởng 15% so với cùng kỳ trong khi đó Habeco tiếp tục ghi nhận lợi nhuận giảm 6%.

So găng hai thương hiệu bia Việt Sabeco, Habeco và cuộc chiến giành thị phần - Ảnh 4
Biên lợi nhuận gộp của Sabeco và Habeco qua các năm (Nguồn: HK tổng hợp)

Có thời điểm năm 2014, biên lợi nhuận gộp của Habeco lên tới 40% trong khi đó Sabeco chỉ ở mức 24%. Cạnh tranh gay gắt khiến biên lợi nhuận của Habeco tới hết 6 tháng đầu năm chỉ dừng lại ở mức 25%.

Tuy nhiên mức biên lợi nhuận gộp của Habeco đang ngang ngửa với Sabeco trong 6 tháng đầu năm 2019. Có thể nói việc đẩy mạnh quảng cáo, tiếp thị khiến sản phẩm của Sabeco ngày càng được ưa chuộng ở thị trường phía Bắc giúp tăng doanh thu bán hàng qua từng năm nhưng biên lợi nhuận chưa có nhiều cải thiện do việc đánh đổi thị phần lấy tăng trưởng doanh thu. Trong khi đó doanh thu, lợi nhuận và biên lợi nhuận gộp của Habeco thì đang ngày càng lao dốc.

So găng hai thương hiệu bia Việt Sabeco, Habeco và cuộc chiến giành thị phần - Ảnh 5
Chi phí quảng cáo và tiếp thị của Sabeco và Habeco qua các năm, đv: tỷ đồng (Nguồn: HK tổng hợp)
 

Nhìn vào bảng thống kê chi phí quảng cáo của Sabeco và Habeco qua từng năm có thể thấy Sabeco rất mạnh tay chi tiền cho quảng cáo. Vào năm cao điểm 2016, trung bình mỗi ngày Sabeco dành ra 3,8 tỷ đồng cho quảng cáo, tiếp thị tuy nhiên 3 năm trở lại đây doanh nghiệp bắt đầu tiết giảm chi phí cho hoạt động này nhưng doanh thu của doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng. 6 tháng đầu năm 2019, chi phí quảng cáo và tiếp thị trung bình mỗi ngày của Sabeco chỉ gần 3,3 tỷ đồng.

Trái lại từ năm 2015 đến nay Habeco đang vung ra nhiều tiền hơn cho quảng cáo, tiếp thị qua mỗi năm. Năm 2018, doanh nghiệp này chi hơn 1,76 tỷ đồng mỗi ngày cho hoạt động này. Nhưng nhìn vào sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Habeco thì có thể thấy doanh nghiệp đang cố “oằn mình” để lấy lại miếng bánh thị phần song kết quả lại ngày càng kém khả quan.

So găng hai thương hiệu bia Việt Sabeco, Habeco và cuộc chiến giành thị phần - Ảnh 6
Nguồn: HK tổng hợp

Xét về quy mô thì tại ngày 30/6/2019 tổng tài sản của Sabeco lên tới 24.061 tỷ đồng trong đó Habeco chỉ 9.172 tỷ đồng. Đáng lưu ý, từ năm 2015 đến nay cả Sabeco và Habeco đang ngày càng tiết giảm khoản nợ đi vay tuy nhiên con số nợ của Habeco đang ngang ngửa so với Sabeco dù quy mô nguồn vốn của Sabeco hơn rất nhiều.

So găng hai thương hiệu bia Việt Sabeco, Habeco và cuộc chiến giành thị phần - Ảnh 7
Nguồn: HK tổng hợp

Bằng việc đầu tư mạnh cho marketing, Sabeco đã dành được thị phần thứ 2 trong phân khúc cao cấp. Cuối năm 2017 ThaiBev mua lại Sabeco trực tiếp tham gia quản lý điều hành từ quý II/2018 được kì vọng giúp doanh nghiệp giành thêm được thị phần đặc biệt là phân khúc cao cấp cũng như nâng cao năng lực quản lý điều hành. 

Trong khi đó, Heineken có kinh nghiệm lâu năm với dòng sản phẩm cao cấp, tiềm lực tài chính vững mạnh, chịu chi tiền cho marketing để tiếp cận thị trường cũng khiến Sabeco phải dè chừng.

Còn Habeco đã cố gắng gây dựng lại một sản phẩm từng là một thương hiệu của người Hà Nội là bia Trúc Bạch tuy nhiên doanh nghiệp này đang bị bỏ xa so trong cuộc chiến giành thị phần. 

 

Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục