TCT Địa ốc Sài Gòn: Mẹ cổ phần hóa ì ạch, con dính loạt tai tiếng

Resco 10 do TCT Địa ốc Sài Gòn nắm 51% vốn và Intresco từng là đơn vị trực thuộc TCT là hai doanh nghiệp dính loạt tai tiếng, sai phạm tại các dự án làm chủ đầu tư.

Đề án và hiện thực trái ngược

Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – TNHH MTV (Resco) được thành lập vào tháng 9/1998, là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP HCM, có hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc. Tính tới hết năm 2018 vốn điều lệ của Tổng Công ty là hơn 3.203 tỷ đồng.

Resco  được biết đến với nhiều dự án lớn của Thành phố như: Chương trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, chương trình chỉnh trang đô thị giải tỏa Rạch Ụ Cây, nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, chương trình nhà ở tái định cư, xây dựng lại các chung cư xuống cấp, hư hỏng cùng các công trình cao ốc văn phòng, khu dân cư trên địa bàn.

Theo đề án tái cơ cấu Tổng Công ty giai đoạn 2013 – 2015 đã được UBND TP HCM phê duyệt là cổ phần hóa 5 Công ty TNHH MTV (nhà nước nắm dưới 50% vốn); bán bớt vốn tại 10 doanh nghiệp và bán hết vốn tại 13 doanh nghiệp. Còn phía Tổng Công ty sẽ cổ phần hóa sau năm 2015, nhà nước nắm trên 50% vốn.

Tuy nhiên đến nay, việc cổ phần hóa vẫn tiếp tục bị đình trệ. Phía Resco cho biết hết tháng 3/2019 Tổng Công ty đang thực hiện quyết toán chuyển thể doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2013 – 2015 do còn một số tồn tại, vướng mắc chủ yếu là chưa có ý kiến thẩm định giá nhà đất của cơ quan chức năng. Sở Tài chính đang phối hợp cùng với các Sở ngành khác để tham mưu UBND TP.

Resco vẫn còn một Công ty TNHH MTV là Công ty TNHH MTV Địa ốc Bình Thạnh do Resco nắm 100% vốn đã tạm dừng cổ phần hóa để tập trung xử lý tồn tại theo chỉ đạo của  UBND TP.

Đáng chú ý, theo đề án tái cơ cấu mục tiêu của Resco giai đoạn 2013 – 2015 là doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng bình quân 10%/năm trở lên.

Có thể thấy giai đoạn 2013 – 2015 kết quả kinh doanh của Resco rất trồi sụt, doanh thu giảm liên tục trong ba năm, đi ngược lại với mục tiêu của đề án. Còn lợi nhuận thì năm 2014 ghi nhận tăng trưởng tới 30% nhưng sang năm 2015 lại giảm 37%.

Không chỉ giai đoạn 2013 – 2015 mà nhìn vào đồ thị thống kê có thể thấy từ năm 2013 – 2017 doanh thu của Resco liên tục lao dốc và lợi nhuận vẫn tiếp tục trồi sụt. Qua đó có thể thấy hoạt động kinh doanh kém hiệu quả và thiếu ổn định của Resco.

TCT Địa ốc Sài Gòn: Mẹ cổ phần hóa ì ạch, con dính loạt tai tiếng - Ảnh 1
Kết quả kinh doanh của Resco qua các năm (Nguồn: HK tổng hợp)

Theo thông tin doanh nghiệp công bố thì 3 tháng đầu năm 2019, Resco ước đạt 523 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, gần 64 tỷ đồng lợi nhuận. Năm 2019, Tổng Công ty đề ra kế hoạch doanh thu 4.667 tỷ đồng, 976 tỷ đồng lợi nhuận. Kết thúc quý I, toàn Tổng Công ty mới chỉ thực hiện được 11% mục tiêu doanh thu và 6,5% lợi nhuận cả năm.

Resco 10 và Intresco - "con cưng" dính loạt tai tiếng

Tới hết năm 2018, Resco vẫn còn 4 công ty con nắm trên 50% vốn và 12 công ty liên kết, 6 công ty liên doanh.

Trong đó CTCP Địa ốc 10  (Resco 10) do Resco nắm 51% vốn và CTCP Đầu tư Xây dựng Kinh doanh Nhà Sài Gòn (Intresco) do Resco nắm 16,15% vốn là hai đơn vị có nhiều tai tiếng nhất.

Resco 10 có vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Resco 10 nổi lên nhờ tai tiếng tại dự án Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc có quy mô 82 ha (phường Phước Long A, quận 9, TP HCM) do Resco 10 làm chủ đầu tư và toàn bộ sai phạm tại đây đã được chuyển sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra. Đây là một trong những dự án thí điểm của thành phố với hình thức giao cho một chủ đầu tư chính đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trục chính. Sau đó phân chia ra nhiều dự án nhỏ để thành phố giao, thuê đất cho các chủ đầu tư thứ cấp, thu tiền sử dụng đất.

TCT Địa ốc Sài Gòn: Mẹ cổ phần hóa ì ạch, con dính loạt tai tiếng - Ảnh 2

 Một góc xây dựng nham nhở tại Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN)

Theo UBND TP HCM, các hành vi của Resco 10 có dấu hiệu làm trái quy định của Nhà nước khi ký hợp đồng nguyên tắc với CTCP Saca và Chi nhánh Vận tải phía Nam – Công ty Vận tải Ô tô 6 thuộc Cục Đường bộ có nội dung giao đất cho đơn vị thực hiện dự án.

Các cá nhân tại Resco 10 đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty Phát triển Hàng hải, Công ty TNHH Thương mại Him Lam được tham gia nhà đầu tư thứ cấp trước khi có dự án khu dân cư Bắc Rạch Chiếc có dấu hiệu làm trái quy định.

Mặt khác, trong hơn 17.000 m2 mà Resco 10 liên doanh với Công ty TNHH phát triển DacDong (Hàn Quốc) còn gần 1.300 m2 đất chưa bồi thường xong. Thế nhưng, Resco 10 vẫn được Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, UBND thành phố cũng giao Thanh tra thành phố làm rõ các thủ tục ký kết không đảm bảo về pháp lý, không ghi ngày tháng hợp đồng liên doanh, vay vốn để Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 216 lô đất trong dự án 20,8 ha cho Resco đăng ký làm nhà đầu tư thành phần tại phường Phước Long A, quận 9.

Còn phía Intresco, đây là đơn vị từng thuộc Resco đã được cổ phần hóa năm 2000, hiện vốn điều lệ của Intresco là 691 tỷ đồng. Đơn vị này cũng xảy ra sai phạm tại dự án do chính Intresco làm chủ đầu tư là khu dân cư 6A (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) gần 16 năm vẫn nằm trên giấy. 

TCT Địa ốc Sài Gòn: Mẹ cổ phần hóa ì ạch, con dính loạt tai tiếng - Ảnh 3
Dự án khu dân cư 6A đã "ngủ quên" của Intresco (Ảnh: VD/Zing)

Từ năm 1994, Khu đô thị mới Nam TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt với 22 phân khu chức năng trên tổng diện tích 2.600 ha, riêng khu chức năng số 6 quy mô 188 ha là khu công viên khoa học phía Đông. Trong Khu chức năng số 6, năm 2002, Ban Quản lý khu Nam phê duyệt đề án quy hoạch chi tiết sử dụng đất tỷ lệ 1/500 làm Khu công nghệ thương mại và dân cư Intresco (khu dân cư 6A) với quy mô hơn 48,5 ha.

Năm 2003, Intresco huy động vốn của cán bộ nhân viên với giá trị góp vốn lần 1 là 150 triệu đồng (chỉ tiêu 1 người/nền), phía Intresco sẽ giao nền trong 36 tháng. Do kéo dài nên nhân viên của Intresco đã bán lại cho nhiều người bên ngoài. Theo phản ánh của nhiều khách hàng, từ năm 2003 - 2005, Công ty Intresco đã thu hơn 71 tỷ đồng từ 239 nền của khách hàng, tờ Zing cho biết.

Tuy nhiên, 25ha đất khu 6A sau đó đã được chuyển cho Công ty Vạn Thịnh Phát, bao gồm hợp đồng góp vốn của 47 khách đã ký trước đó với Intresco. Ngày 31/11/2006, Intresco và Công ty Vạn Thịnh Phát ký hợp đồng chuyển chủ đầu tư đối với 47 khách hàng kể trên.

Trên thực tế cho đến nay, những khách hàng của Intresco dù tiền đã trao nhưng vẫn không nhận được đất; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Theo thông tin từ báo cáo thường niên 2018 của Intresco thì hết năm 2018 Công ty vẫn tiếp tục thương lượng đền bù phần còn lại của dự án và thực hiện pháp lý liên quan theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Dù tai tiếng tại dự án khu dân cư 6A song nhìn vào kết quả kinh doanh thì có thể thấy Intresco sáng sủa hơn Resco rất nhiều. Lợi nhuận và doanh thu của Intresco liên tục tăng trưởng mạnh giai đoạn 2015 - 2018. 

TCT Địa ốc Sài Gòn: Mẹ cổ phần hóa ì ạch, con dính loạt tai tiếng - Ảnh 4
Kết quả kinh doanh của Intresco qua các năm (Nguồn: HK tổng hợp)

Theo tìm hiểu của người viết thì Intresco sở hữu quỹ đất rất dồi dào. Trong năm 2019, Intresco sẽ tiến hành bàn giao nhà cho khách hàng tại Dự án Cao ốc Căn hộ - TMDV – Khách sạn Terra Royal (quận 3, TP HCM) vào quý IV; phần khách sạn và dịch vụ cũng sẽ được đưa vào kinh doanh vào năm 2020. Bên cạnh đó, dự án khu cao ốc Nhơn Trạch – Đồng Nai  28.643 m2 (Intresco sở hữu 85% dự án) đã đưa vào kinh doanh block D1, tiếp tục thi công block D2 và khu văn phòng (1 tầng hầm và 15 tầng cao).

Dự án khu dân cư Tương Bình Hiệp (Bình Dương) quy mô 19,3 ha sẽ được đưa phần đất ở vào kinh doanh trong năm nay. Dự án khu dân cư Star Village (Long Thới – Nhơn Đức Nhà Bè) 55,4ha sẽ được hòan thiện một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn lại và tiếp tục đầu tư giai đoạn 2.

Không chỉ vậy dự án Khu nghỉ dưỡng 15,1 ha tại thị trấn Phước Hải, Bà Rịa – Vũng Tàu (công ty sở hữu 50% tổng dự án) sẽ thực hiện tiếp các thủ tục pháp lý để triển khai.

 

Khánh An

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục