Thấy gì từ việc doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để tăng vốn?

Việc phát hành tăng vốn được ví như con dao hai lưỡi mà mỗi nhà đầu tư cần cẩn trọng xem xét khi đầu tư cổ phiếu doanh nghiệp đó và cân nhắc được lợi hại cũng như kỳ vọng gì khi móc hầu bao ra để đầu tư vào doanh nghiệp.

Với nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hẳn không còn xa lạ gì về câu chuyện phát hành cổ phiếu. Chào bán cổ phần là việc mà công ty tăng thêm số lượng cổ phần hay nói cách khác chào bán cổ phần chính là cách thức để công ty tăng vốn điều lệ. 

Một trong những vai trò cốt lõi của thị trường chứng khoán chính là tạo kênh huy động vốn cho doanh nghiệp thì việc doanh nghiệp niêm yết phát hành cổ phiếu để tăng vốn là điều đương nhiên.

Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, có thể kể đến các hình thức chào bán cổ phần bao gồm: chào bán cho các cổ đông hiện hữu, chào bán ra công chúng và chào bán cổ phần riêng lẻ.

Phát hành thêm cổ phiếu mà không đi kèm tăng nguồn tài chính

Trường hợp này công ty không thu tiền thêm từ cổ đông, phát hành cổ phiếu thưởng từ lợi nhuận giữ lại hoặc từ thặng dư vốn.

Bản chất của việc phát hành tăng vốn là khi công ty công bố phát hành cổ phiếu thưởng lấy từ lợi nhuận giữ lại và từ thặng dư vốn thì đồng nghĩa với việc chuyển một phần hay toàn bộ số dư từ tài khoản thặng dư vốn và lợi nhuận giữ lại sang tài khoản vốn điều lệ.

Kết quả của nghiệp vụ này là sự tăng lên của vốn điều lệ (tăng số lượng cổ phiếu), giảm số dư kế toán của lợi nhuận giữ lại và thặng dư vốn mà giá trị doanh nghiệp vẫn không thay đổi. Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư tại công ty không đổi.

Số lượng cổ phiếu tăng lên trong khi vốn hóa không đổi thì thị giá của cổ phiếu đó sau chia sẻ giảm đi. Việc có thêm cổ phiếu nhưng nhưng giá cổ phiếu lại giảm đi tương ứng không khiến cho nhà đầu tư vui thêm nếu trong trường hợp giá cổ phiếu đang có xu hướng giảm hay cung cổ phiếu đang lớn thì việc phát hành thêm chỉ làm giá cổ phiếu ngày càng lao dốc.

Vậy tại sao doanh nghiệp lại thích phát hành?

Doanh nghiệp phát hành thêm có thể để đảm bảo tỷ lệ cân đối giữa nợ và vốn chủ sở hữu. Khi công ty đang có mức tỷ lệ nợ cao, việc phát hành thêm sẽ làm giảm tỷ lệ này. Điều này giúp cho doanh nghiệp ở trong tình trạng tài chính lành mạnh, giảm thiểu rủi ro thanh khoản cũng như nguy cơ vỡ nợ từ nguồn vốn vay.

Bên cạnh đó, vốn điều lệ có tầm ảnh hưởng không nhỏ đối với những công ty có phát sinh các giao dịch lớn, hay có nhu cầu vay vốn ngân hàng để kinh doanh, bởi vốn điều lệ đảm bảo cho khả năng hoạt động của doanh nghiệp cũng như khả năng thanh toán nếu như có những tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch.

Với lĩnh vực ngân hàng thì thời gian qua chúng ta có thể thấy được làn sóng tăng vốn của các “ông lớn” ngân hàng như: VPBank, VietinBank, ACB, BIDV, Techcombank… diễn ra ồ ạt để đủ nguồn lực nhằm mở rộng tín dụng cũng như vươn tầm thế giới và khu vực.

Đặc biệt là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng thương mại Việt Nam ngày càng sụt giảm thì việc tăng vốn để đáp ứng chuẩn mực Basel II ngày càng cấp thiết. 

Thấy gì từ việc doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để tăng vốn? - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Phát hành thêm cổ phiếu đi kèm tăng nguồn tài chính

Trong trường hợp này, công ty sẽ tiến hành phát hành một lượng cổ phiếu với mức giá xác định và thu tiền từ cổ đông.

Điều nhà đầu tư bỏ tiền ra mua cổ phiếu phát hành thêm cần quan tâm nhất ở đây là mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Một trường hợp mới đây doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phiếu là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Mã: FLC) với gần 300 triệu cổ phiếu phổ thông với giá 10.000 đồng/cp, tỷ lệ chào bán 1.000:422 trong quý III/2019.

FLC là một doanh nghiệp bất động sản thì câu chuyện huy động vốn khó khăn hơn hẳn các doanh nghiệp khác khi dòng chảy tín dụng vào bất động ngày càng siết chặt, việc huy động tiền từ trái phiếu lại đòi hỏi doanh nghiệp phải có tình hình tài chính tốt, chiến lược phát triển, minh bạch thông tin cũng như có được hệ số tín nhiệm cao từ nhà đầu tư nên việc huy động tiền từ cổ đông là phương án nhanh nhất.

Theo phía FLC thì Tập đoàn sẽ dùng 2.996 tỷ đồng từ việc chào bán này để đầu tư thực hiện xây dựng các  dự án cũng như tăng vốn điều lệ cho hãng hàng không Bamboo Airways và bổ sung vốn lưu động.

Khi doanh nghiệp tăng vốn thật và sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông một cách hiệu quả và đúng như mục đích sẽ tháo gỡ các khó khăn tài chính cũng như thúc đẩy doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Ngược lại việc sử dụng sai mục đích cũng như sử dụng không hiệu quả đồng vốn sẽ là một rủi ro không nhỏ với các nhà đầu tư, thể hiện sự mất uy tín cũng như năng lực kém cỏi của doanh nghiệp.

Với trường hợp FLC ở đây thì giá phát hành lại cao gấp hơn 2 lần thị giá cổ phiếu hiện tại (4.200 đồng/cp phiên 10/7).

Việc phát hành giá cổ phiếu với giá bao nhiêu cũng là một câu hỏi cho nhà đầu tư khi họ có thể bỏ ra số tiền rẻ hơn để mua trên sàn thay vì mua từ đợt phát hành. Nhà đầu tư sẽ phải đau đầu tính toán xem liệu việc bỏ 10.000 đồng mua 1 cổ phiếu FLC để doanh nghiệp đầu tư các dự án có giúp tình hình kinh doanh của Tập đoàn bứt phá hay chính cổ phiếu tới khi nào thì vượt mức 10.000 đồng/cp. Câu chuyện rút hầu bao của nhà đầu tư càng trở nên đau đầu hơn. 

Thấy gì từ việc doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để tăng vốn? - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Trong trường hợp phát hành giá cao thì nhiều người tỏ ra nghi ngờ về việc chả có ai mua cổ phiếu này với giá “trên trời” như thế nhưng câu chuyện có thể lắt léo hơn khi một nhóm nhà đầu tư hay tổ chức nào đó là “họ hàng” với doanh nghiệp phát hành lấp bóng “nhà đầu tư chiến lược” chịu chi tiền cộng thêm việc tung tin “khủng”. Lúc đó nhà đầu tư trên thị trường sẽ nhao nhao thi nhau mua vào cổ phiếu vì nghĩ rằng mức giá bây giờ đang quá rẻ so với tiềm năng mà công ty sắp có và đã sập bẫy "làm giá" cổ phiếu. 

Còn khi phát hành giá thấp thì nhà đầu tư lại đang đặt dấu hỏi về giá trị của doanh nghiệp và có chăng doanh nghiệp đang "khát vốn" đến nỗi muốn bán rẻ mình?

Mới đây thì Công ty cổ phần Địa ốc First Real (Mã: FIR) đã được thông qua việc phát hành riêng lẻ 4 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp cho 4 nhà đầu tư cá nhân. Giá phát hành rẻ giật mình chỉ bằng 1/4 thị giá và thấp hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách tại ngày 30/9/2018 theo báo cáo hợp nhất là 17.342 đồng/cp.

Dù nhà đầu tư chiến lược đó có kinh nghiệm, năng lực tài chính, hỗ trợ Công ty về quản trị điều hành thì liệu doanh nghiệp có đang định giá mình quá rẻ? Phát hành giá quá cao hay quá thấp đều là uẩn khúc mà nhà đầu tư cần đi tìm lời giải. 

Về câu chuyện "lúp bóng nhà đầu tư chiến lược" thì nhiều nhà đầu tư hẳn vẫn chưa quên thương vụ năm 2018 Công ty Cổ phần Chiếu xạ An Phú (Mã: APC) đã gây hoang mang trên thị trường chứng khoán khi muốn phát hành 6 triệu cổ phiếu cho Torus Capital Investments Pte.Ltd với giá rẻ bèo 20.000 đồng/cp so với thị giá 70.000 đồng/cp lúc đó.

Đáng chú ý, cổ đông chiến lược Torus Capital Investments bị nhà đầu tư phanh phui là công ty thành lập tại Singapore nhưng chỉ có vốn điều lệ hơn 17 triệu đồng, chưa kể mới thành lập được nửa năm tính tới lúc đó với vẻn vẹn 4 nhân viên.

Do đó cổ đông đã không thông qua tờ trình phát hành riêng lẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2018 do lo ngại về khả năng tài chính của đối tác chiến lược cũng như nghi ngờ về sự mập mờ của ban lãnh đạo APC.

Qua đó có thể thấy chiêu trò phát hành thì vô vàn mà quyết định chính vẫn là của nhà đầu tư.  Nhà đầu tư cần tỉnh táo hết sức với các trường hợp doanh nghiệp phát hành cổ phiếu thu tiền từ cổ đông để không dính vào những bẫy "hút máu". 

 

Hoàng Kiều

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục