Thị trường bán lẻ Việt: Còn đâu đất cho DN nội?

(Kinhdoanhnet) - Tốc độ thâm nhập và mở rộng vào thị trường Việt của các doanh nghiệp ngoại đang gia tăng một cách chóng mặt đang khiến cho các doanh nghiệp nội ngày càng bị “lép vế” ngay trên chính sân nhà.

Metro Việt Nam chính thức thuộc về tay tỷ phú Thái Lan

Không chỉ là tin đồn, hệ thống siêu thị Metro Việt Nam đã chính thức thuộc về tay ông chủ mới người Thái Lan - Dhanin Chearavanont, chủ tịch kiêm CEO của C.P Group.

Thị trường bán lẻ Việt: Còn đâu đất cho DN nội? - Ảnh 1
Metro Việt Nam chính thức thuộc về tay tỷ phú Thái Lan.

Vừa qua Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan đã tiến hành ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Metro (Đức) về việc tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) bao gồm 19 trung tâm Metro tại Việt Nam. Tổng giá trị của thương vụ là 879 triệu USD (khoảng 18.459 tỷ đồng) và dự kiến sẽ được hoàn tất đầu năm 2015.

Theo thống kê, ngành bán lẻ Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao nhất châu Á với mức tăng 23%, vượt qua cả 2 nền kinh tế hàng đầu khu vực là Ấn Độ (18,8%) và Trung Quốc (13%). Bên cạnh đó Việt Nam lại là một nước đông dân với nhu cầu mua sắm rất lớn. Như vậy Việt Nam đang dần trở thành thị trường đầy tiềm năng thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Trong khi đó Metro và BigC đang chiếm lĩnh phần lớn thị phần tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Vậy một câu hỏi được đặt ra là tại sao Metro lại bị bán cho Tập đoàn BJC trong khi đang sở hữu một lợi thế lớn như vậy?

Không chỉ mua lại Metro, Tập đoàn này còn đánh bật được Family Mart Nhật Bản ra khỏi liên doanh Family Mart tại Việt Nam và nhảy vào thế chân.

Trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn này hiện đang nắm giữ 65% cổ phần của khách sạn 5 sao Melia Hà Nội.

Thị trường bán lẻ Việt: “miếng mồi béo bở” cho các DN ngoại

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở thành “miếng mồi béo bở” cho các tập đoàn bán lẻ lớn tại châu Á và trên thế giới.

Chỉ riêng trong năm 2014 này, đã có hàng loạt các nhà bán lẻ ngoại mới gia nhập vào thị trường Việt. Đầu tiên phải kể tới là sự có mặt của tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Aeon với Trung tâm thương mại Celadon Tân Phú. Dự kiến trong tương lai, tập đoàn này sẽ mở 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.

Thị trường bán lẻ Việt: Còn đâu đất cho DN nội? - Ảnh 2
Trung tâm thương mại Celadon Tân Phú.

Tiếp đến là việc gia nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam của tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Lotte mart. Tập đoàn này cũng đặt kế hoạch đến năm 2020 sẽ có 60 trung tâm thương mại tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD.

Ngoài ra còn có sự ra nhập của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu như: Tập đoàn bán lẻ của Thái Tos Chirathivat, Tập đoàn bán lẻ Wall Mart của Mỹ, Mapletree của Singapore, tập đoàn bán lẻ tầm trung Auchan của Pháp…

Doanh nghiệp nội ngày càng “lép vế”

Nếu như trước đây vào những năm 2005 thị phần của nhà bán lẻ Việt Nam so với nước ngoài là 70 – 30, thì hiện nay tỷ lệ này đã bị đảo ngược hoàn toàn.

Tốc độ thâm nhập và mở rộng vào thị trường Việt của các doanh nghiệp ngoại đang gia tăng một cách chóng mặt đang khiến cho các doanh nghiệp nội ngày càng bị “lép vế”. Không chỉ vậy doanh nghiệp nội còn như “ngồi trên đống lửa” khi mà hều hết các trung tâm thương mại nội địa được chuyển đổi từ chợ dân sinh đều hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có nhiều nơi bị bỏ hoang không ai để ý tới.

Không chỉ vậy số lượng các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nội xuất hiện trong các siêu thị hàng nội địa cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nếu bạn không tin hãy đi vào bất kỳ siêu thị nào, đến khu vực hàng hoá mỹ phẩm, là thứ hàng hoá mà mọi người đều phải dùng thường xuyên, bạn sẽ thấy được sự khác biệt giữa sản phẩm nội và ngoại.

Thị trường bán lẻ Việt: Còn đâu đất cho DN nội? - Ảnh 3
Kệ mỹ phẩm trong các siêu thị.

Ví dụ như trên một chiếc kệ hàng dài khoảng 8m của Big C hay Co.opmart, bạn có thể dễ dàng nhận ra một loạt các nhãn hàng của doanh nghiệp ngoại như P&G, Unilever. Nhưng liệu có mấy ai nhìn thấy được sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam khi các nhãn hàng chỉ “ăn nhờ ở đậu” tại đây, được khoảng 30cm trên kệ hàng?

Hay như đối với phân khúc khách hàng cao cấp, trong các boutique hàng hiệu hay trong các siêu thị điện máy, liệu hàng Việt có được bao nhiêu phần trăm?

Mặc dù trước sự tấn công ào ạt của những ông lớn đến từ nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp trong nước lại chưa hề có sự liên kết lại với nhau nhằm tăng sức cạnh tranh. Thậm chí các doanh này lại còn quay ra “cắn nhau” dùng đủ các chiêu trò không lành mạnh để chơi xấu lẫn nhau như: Bán hàng hóa dưới giá thành để thu hút sự chú ý của khách hàng, lôi kéo và tuyển dụng nhân lực chủ chốt của đối thủ, bắt tay với nhà sản xuất/phân phối để chèn ép đối thủ, khuyến mãi cạnh tranh không lành mạnh...

Nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì trong năm 2015 khi thị trường bán lẻ Việt hoàn toàn mở cửa rất có thể các doanh nghiệp nội sẽ bị các ông lớn nước ngoài “hất cẳng” ra khỏi lĩnh vực kinh doanh này ngay trên chính sân nhà.

Thanh Tuyền (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục